Đẩy mạnh đầu tư khu vực tư nhân, tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng GTVT các nước GMS

Thứ sáu, 30/03/2018 21:40

Tiếp theo Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS, chiều 30/3 trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 và Hội nghị Cấp cao khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ 10, đã diễn ra các phiên họp với nhiều chủ đề quan trọng.
Bộ trưởng Bộ GTVT VN Nguyễn Văn Thể đã có bài phát biểu chính tại phiên họp này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, Chính phủ VN luôn hoan nghênh và
tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng

Theo đó, các quan chức, lãnh đạo các cơ quan Chính phủ các nước, các định chế, tổ chức tài chính, doanh nghiệp… đã thảo luận, đóng góp ý kiến với các chủ đề: Phát triển cơ sở hạ tầng đóng vai trò then chốt đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội; Nông nghiệp tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và động cơ phát triển bền vững ở các quốc gia GMS; Các quốc gia GMS đã hưởng lợi to lớn từ toàn cầu hóa và lưu chuyển thương mại, dịch vụ xuyên biên giới.

Tại phiên họp phát triển hạ tầng và tài chính cho hạ tầng, các diễn giả đã quan tâm đến vấn đề trọng tâm là xác định giải pháp khả thi để tạo nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng, khai thác hiệu quả tối đa tài sản công, cơ chế tài chính khả thi cho các dự án…

Các đại biểu tại phiên họp đều thống nhất rằng cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng
và có cơ chế chính sách để thu hút đầu tư khu vực tư nhân vào các lĩnh vực này

Tại phiên họp phát triển hạ tầng và tài chính cho hạ tầng trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 và Hội nghị Cấp cao khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ 10, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã phát biểu giới thiệu những chủ trương đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới của Việt Nam, đồng thời kêu gọi các nước, tổ chức, định chế tài chính và các doanh nghiệp hỗ trợ, đầu tư vào các dự án này.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm phát triển KT-XH, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí hàng hóa, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Như vậy mới phát triển bền vững và hàng hóa có thể cạnh tranh trên mọi lĩnh vực, ở mọi khu vực. Thông thường những nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, do quy mô nền kinh tê trung bình nên không thể nào sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Do đó, những nước này rất cần các nguồn tài trợ, các nguồn vốn để phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông.

Các nước tiểu vùng sông Mekong, ngoài Trung Quốc là nước có nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, Thái Lan phát triển tương đối tốt thì các nước còn lại hệ thống chưa đồng bộ, chưa hiện đại, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Do đó, chi phí vận tải hàng hóa tại các nước này còn cao, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường quốc tế cũng như trong nội địa khi cạnh tranh với những hàng hóa nhập khẩu”, Bộ trưởng nhận xét và cho rằng, để phát triển kinh tế một cách bền vững, con đường duy nhất của các quốc gia, trong đó có Việt Nam là phải tập trung các nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó phải đảm bảo giao thông tốt nhất; hệ thống điện năng phải đảm bảo cho các khu cận công nghiệp, cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư trong nước có thể phát triển bền vững. Công nghệ thông tin cũng giúp cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp liên kết với nhau và liên kết với nước ngoài một cách tốt nhất. Có như vậy mới cạnh tranh được trong khu vực.

Việt Nam trong nhiều năm qua ý thức được rằng, phát triển hạ tầng là hướng tập trung cao độ. Nhưng việc đầu tư hạ tầng hiện nay chưa tương xứng nhu cầu phát triển kinh tế và là một trong ba điểm nghẽn của nền kinh tế, cùng với thể chế và nguồn nhân lực. Vì vậy, những năm qua, Việt Nam đã tập trung nhiều nguồn vốn: vốn trong nước, vốn ODA để phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông.

Chúng ta đều biết, GTVT là mạch máu của nền kinh tế, GTVT tốt thì các ngành kinh tế có đủ điều kiện phát triển. Giao thông thuận lợi, hàng hóa có thể lưu thông dễ dàng, các khu công nghiệp có thể phát triển. Chính phủ VN đặc biệt quan tâm và hiện nay đầu tư giao thông là đầu tư quan trọng nhất. Từ cấp Trung ương đến cấp địa phương dành nguồn lực để hoàn thiện hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, kể cả đường giao thông nông thôn để phục vụ đời sống người dân. Tuy nhiên, còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trong lĩnh vực giao thông, có 5 loại hình nhưng phát triển không đều, chưa hoàn chỉnh. Hệ thống đường sắt có đầu tiên ở Đông Dương, cách đây hơn 100 năm, nhưng chưa đầu tư được nhiều vào đường sắt. Vì vậy, năm 2019, Việt Nam sẽ trình Quốc hội dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tốc độ khoảng 350km/h. Chúng tôi sẽ tập trung nhiều nguồn lực trong nhiều năm để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đường sắt này. Đường sắt giúp giảm tải cho đường bộ, giúp cho hàng hóa lưu thông một cách tốt nhất. Đặc biệt là giảm tải cho đường bộ… Tính an toàn của vận tải đường sắt cao so hơn với đường bộ. Việt Nam đang kỳ vọng có nhiều nhà đầu tư, nhiều tổ chức quốc tế sẽ giúp Việt Nam hoàn chỉnh hệ thống đường sắt tốc độ cao này.

Về lĩnh vực hàng không, hiện Việt Nam có 21 cảng hàng không, trong đó có 8 cảng hàng không quốc tế. Có khoảng 150 hãng hàng không quốc tế khai thác tại VN, 31 đường bay quốc tế và trên 50 đường bay nội địa. Vận tải hàng không được đầu tư tập trung, hiện đại nên cảng hàng không và các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực hàng không tương đối phát triển. Tuy nhiên, chúng tôi xác định rằng, Việt Nam là điểm trung gian của Đông Nam Á, của khu vực nên đang tập trung dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành với mong muốn là cầu nối trong khu vực với lưu lượng 100 triệu hành khách/năm. Ngoài ra, Chính phủ cũng có chủ trương cải tạo, nâng cấp các sân bay hiện nay như Nội Bài, Tân Sơn Nhất… để phát triển hàng không trong giai đoạn tới. Vì vậy cần nguồn vốn rất lớn. Việt Nam trân trọng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước giúp Việt Nam hiện đại hóa lĩnh vực hàng không.

Về lĩnh vực đường bộ, Việt Nam đã có quy hoạch cụ thể và tập trung hoàn thành nhiệm vụ. Hiện có hơn 800km đường cao tốc đang vận hành; 400 km đang xây dựng và khoảng 2 năm nữa sẽ hoàn thành. Ngoài ra, đến năm 2020, sẽ đầu tư thêm 654 km nữa.  Việt Nam đã và đang kêu gọi các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế tham gia, hỗ trợ để xây dựng hệ thống đường cao tốc này với hình thức đầu tư đối tác công –tư PPP. 

"Chỉ có sớm hoàn thành hệ thống cao tốc này thì hạ tầng giao thông mới có sự cải thiện rõ rệt, do đó chúng tôi luôn đẩy mạnh nhiệm vụ này", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Về hệ thống cảng biển và đường thủy nội địa, Việt Nam hiện có 32 cảng biển quốc tế, 57 cảng sông nội địa. Hệ thống đường thủy một số khu vực rất thuận lợi để phát triển giao thông đường thủy nội địa. Việt Nam cũng nằm ở khu vực có tuyến hàng hải quốc tế đi từ Nhật Bản qua Trung Quốc, đến Việt Nam, Philippines và đến các khu vực khác. Chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ khai thác tốt các cảng lớn như Đình Vũ – Lạch Huyện, Cái Mép- Thị Vải…

Nói chung, Việt Nam có cả 5 loại hình vận tải nhưng mới chỉ đáp ứng được yêu cầu hiện tại. Trong tương lai, với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm, hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay cần phải phấn đấu rất nhiều.

“Việt Nam xây dựng nền kinh tế mở, làm bạn với tất cả các nước, các dân tộc trên thế giới. Vì vậy, chúng tôi mong rằng, là bạn của Việt Nam, các Chính phủ, các tổ chức quốc tế giúp VN hỗ trợ vốn ODA cho các dự án hạ tầng để chúng tôi sớm hoàn thiện được hệ thống hạ tầng, giúp cho Việt Nam có nền kinh tế tốt. Hy vọng các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế coi Việt Nam là một điểm đến vì sắp tới, không chỉ lĩnh vực giao thông, Việt Nam sẽ thực hiện đầu tư với hình thức PPP ở các lĩnh vực”, Bộ trưởng nói và cho biết thêm, sắp tới chúng tôi đấu thầu quốc tế 8 gói thầu tuyến cao tốc Bắc – Nam và còn nhiều gói thầu nữa. Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện, tạo sân chơi một cách bình đẳng để các nhà đầu tư các quốc gia, kể cả nhà đầu tư trong nước tham gia đấu thầu để thực hiện các dự án với hình thức PPP.

 Bà Supee Teravaninthorn cho rằng, để phát triển hội nhập, các nước GMS cần tập trung
vào hạ tầng 3 lĩnh vực chính là điện, GTVT và công nghệ thông tin

Cũng tại diễn đàn về hạ tầng, bà Supee Teravaninthorn, Vụ trưởng Vụ phụ trách các hoạt động đầu tư 1, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á cho rằng, để phát triển hội nhập, các nước GMS cần tập trung vào hạ tầng 3 lĩnh vực chính là điện, GTVT và công nghệ thông tin (kết nối số). Trong đó, kết nối hạ tầng GTVT vô cùng quan trọng nhưng cần đầu tư đồng bộ cả kết nối mềm, nếu không sẽ lãng phí đầu tư, lãng phí cơ hội phát triển.

Đại sứ Nhật Bản tại VN Umeda Kunio chia sẻ kinh nghiệm phát triển hạ tầng tại Nhật Bản

Đại sứ Nhật Bản tại VN Umeda Kunio cũng đồng quan điểm và chia sẻ kinh nghiệm phát triển hạ tầng tại Nhật Bản và cho biết, năm 2016 Nhật Bản đã quyết định dành khoảng 200 tỉ USD hỗ trợ các dự án hạ tầng tại các nước. Việc hỗ trợ tài chính đầu tư này không chỉ nhằm mục tiêu phát triển hạ tầng hiện hữu mà còn nhằm đem lại hiệu quả thực sự trong khai thác hạ tầng, đặc biệt là vấn đề kết nối.

Cũng theo Đại sứ Umeda Kunio, cần phát triển cả cơ sở hạ tầng mềm cùng với cơ sở hạ tầng cứng mới thì kết nối giao thông, thương mại giữa các nước GMS mới hiệu quả. Đó là các thủ tục hải quan, các chính sách, quy định... thông thoáng giữa các nước...

Các đại biểu tại phiên họp đều thống nhất rằng cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng và có cơ chế chính sách để thu hút đầu tư khu vực tư nhân vào các lĩnh vực này. 

H.N

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:
Lượt truy cập: