Xe Volvo sử dụng phần mềm tự lái của Uber
Thị trường ngày càng nóng
Công ty gọi xe qua điện thoại Uber (có trụ sở chính tại Mỹ) đã tiếp thêm sức nóng cho thị trường xe tự lái khi vừa tiết lộ sẽ tìm kiếm hợp tác với các nhà sản xuất ô tô toàn cầu để đưa ra các phương tiện sử dụng phần mềm tự hành cùng hệ thống bản đồ của họ. Trước đó, thị trường này đã có sự góp mặt của nhiều công ty, gồm: Tesla, Ford, General Motors và Google.
Phát biểu tại trụ sở của Uber tại San Francisco, Giám đốc sản phẩm Jeff Holden đã giải thích tham vọng của họ: “Chúng tôi không có kế hoạch trở thành nhà sản xuất ô tô tự lái vì hiện tại đã có nhiều nhà sản xuất giỏi.
Câu hỏi duy nhất đó là liệu họ có muốn hợp tác với chúng tôi. Họ chế tạo các phương tiện còn chúng tôi tập trung vào phần mềm và bộ phần cứng tự lái, lắp vào trong các phương tiện đó”.
“Chắc chắn Uber muốn đảm nhiệm vai trò này trên toàn thế giới. Nhưng hiện tại, chúng tôi muốn được phát triển tại Mỹ trước”.
Uber và Volvo đang hợp tác với phần mềm tự lái được tích hợp hoàn toàn vào dàn ô tô thử nghiệm 24.000 xe. Trước đó, Uber đã thông báo hợp tác với Toyota phát triển dịch vụ di chuyển tự lái mới.
Xe tự lái của Uber mới đây đã gây ra một vụ tai nạn chết người trong quá trình thử nghiệm trên đường phố thực. Thế nhưng Uber vẫn khẳng định xe tự lái an toàn hơn, có thể giúp giảm tai nạn nhờ hệ thống laser phức tạp giúp quan sát xung quanh và phát hiện các vật thể.
Hong Kong vẫn không động tĩnh
Trước sự phát triển rộng khắp, hứa hẹn tương lai của xe tự lái, nhiều nhà phê bình kêu gọi chính quyền Hong Kong mở cửa cho công nghệ mới, đặc biệt, vạch rõ trách nhiệm của tài xế ngồi sau vô lăng xe tự lái hay trách nhiệm của nhà sản xuất hệ thống tự động này trong trường hợp xảy ra tai nạn.
Ông Wesley Wan Wai-hei, thành viên Ủy ban Cố vấn giao thông Hong Kong kêu gọi giới chức nhanh chóng nắm bắt cơ hội phát triển xe tự lái. “Có lẽ, công nghệ tự lái thực sự đang và sẽ tiến bộ vượt bậc.
Chính quyền đặc khu cần phải nắm cơ hội này, nhanh chóng gặp Chính phủ các nước trong ngành để tìm ra công thức phát triển xe điện, từ đây nắm bắt thị trường trong tương lai”.
Hong Kong thiếu chính sách cụ thể về xe tự lái và sẽ chỉ tạo điều kiện thử nghiệm trên đường phố địa phương khi cân nhắc pháp lý và an toàn trong từng trường hợp.
Theo ông Wan, giới chức nên khởi xướng một cuộc thảo luận cộng đồng về cách quản lý xe tự lái, đặc biệt trách nhiệm của cả nhà sản xuất và tài xế.
“Khi tài xế ngồi sau xe tự lái, nếu xảy ra tai nạn thì liệu người đó hay nhà sản xuất ô tô phải chịu trách nhiệm? Đó là điều mà luật pháp cần phải làm sáng rõ”, ông Wan nói thêm.
Nghị sĩ Charles Mok, đại diện cho ngành công nghệ tự lái, chỉ trích giới chức địa phương thiếu tầm nhìn mặc dù họ cam kết đưa thành phố này thành trung tâm sáng tạo.
“Thâm Quyến đã tạo điều kiện cho xe tự lái nhưng Hong Kong vẫn giậm chân tại chỗ”, ông Mok nói và đề xuất một số địa điểm mà giới chức có thể chọn để thử nghiệm công nghệ mới này.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia khác, phát triển công nghệ tự lái tại Hong Kong vẫn là thách thức rất lớn.
"Bởi nơi đây có môi trường phức tạp, nhiều người đi bộ, đường hẹp hoặc lưu lượng giao thông lớn nên rất khó áp dụng công nghệ này”, ông Justin Kintz, người đứng đầu chính sách và liên lạc của Uber nhận định.
Ông Kintz nói thêm, mặc dù cảm ứng laser rất khó để có thể quét được đường đồi núi nhưng các thành phố gây khó khăn cho tất cả các công ty xe tự lái như Hong Kong sẽ là động lực khích lệ các công ty này cải thiện chất lượng sản phẩm.
Có lẽ, họ cũng mong muốn thử nghiệm tại đây để có thể nghiên cứu tất cả loại đường, tìm cách vượt khó”.