Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định tầm quan trọng của vận tải thủy
và vận tải pha sông biển
Bộ trưởng cho biết, chủ trương của Chính phủ hiện nay là tập trung phát triển vận tải thủy, vận tải thủy ven biển nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ, nâng cao hoạt động logistics. Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hai loại hình vận tải này, vì vậy, Bộ GTVT mà cụ thể là hai Cục Hàng hải Việt Nam và Đường thủy nội địa Việt Nam cần có trách nhiệm nghiên cứu đưa ra những đề xuất, giải pháp.
Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Xuân Sang đề xuất một số kiến nghị
Cục trưởng Hoàng Hồng Giang báo cáo với Bộ trưởng về thực trạng của hoạt động vận tải thủy nội địa
Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang và Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Hoàng Hồng Giang cùng báo cáo với bộ trưởng về thực trạng của ngành Hàng hải cũng như những kiến nghị nhằm phát triển ngành nói chung và vận tải pha sông biển nói riêng. Hai Cục cùng thống nhất đề nghị bộ GTVT xem xét việc kết nối vận tải đa phương thức, kết nối tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại, nâng cao tĩnh không một số cầu như cầu Đồng Nai, cầu Đuống..., có những cơ chế chính sách phù hợp cho các doanh nghiệp vận tải hoạt động thuận lợi và hiệu quả, đặc biệt cần tăng cường kiểm soát tải trọng đường bộ.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công phát biểu tại cuộc họp
Sau khi nghe ý kiến góp ý của Thứ trưởng Nguyễn Văn Công và đại biểu tham dự cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định lại một lần nữa tầm quan trọng của việc tập trung phát triển vận tải đa phương thức, đặc biệt là tận dụng những lợi thế sẵn có để phát triển vận tải thủy và vận tải pha sông biển trong thời gian tới.
“Với những lợi thế ở cả hai miền Nam – Bắc, trách nhiệm của Bộ GTVT mà cụ thể là của hai Cục là phải xây dựng, đề xuất phương hướng đề phát triển vận tải thủy và vận tải pha sông biển”, Bộ trưởng nhấn mạnh và giao nhiệm vụ cho Vụ KHĐT, PPP, Cục Hàng hải VN, Cục Đường thủy nội địa VN, sở GTVT các tỉnh tập trung đánh giá, nghiên cứu phương án nâng cao tĩnh không cầu Đồng Nai và cầu Đuống nhằm thông luồng cho các phương tiện thủy hoạt động. Về việc tiếp tục đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên – Phả lại, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị có liên quan cần thận trọng nghiên cứu, tránh đầu tư lãng phí. Đồng thời cần bộ sung vào quy hoạch các bến thủy nội địa nằm trong cảng biển cũng như trang thiết bị bốc dỡ phù hợp để các tàu thủy nội địa đáp ứng đủ điều kiện, quy định có thể vào làm hàng tại các cảng biển.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Vụ KHĐT xem xét, điều chỉnh, bố trì nguồn vốn ưu tiên cho các dự án đường thủy nội địa, Vụ Pháp chế và hai Cục nghiên cứu, xây dựng, đề xuất, chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật với mục tiêu tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động vận tải thủy nội địa, vận tải pha sông biển được thuận lợi, hiệu quả.
Bộ trưởng cũng nhắc nhở cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng đường bộ, đây cũng là một trọng những yếu tố quan trọng thúc đẩy các chủ hàng lựa chọn phương thức vận tảy thủy thay cho vận tải bằng đường bộ.
H.N