Thứ trưởng Nguyễn Nhật phát biểu tại buổi làm việc
Tháng 5 sẽ ký hợp đồng tín dụng
Tại buổi làm việc, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, đánh giá tầm quan trọng của Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đối với tỉnh Tiền Giang và cả vùng ĐBSCL. Hiện tuyến QL1 đang quá tải nghiêm trọng từ huyện Cái Bè về ngã ba Trung Lương. Người dân các huyện, thị xã khi nghe thông tin triển khai dự án đã rất hợp tác, đến nay đã bàn giao mặt bằng trên 96%. Một số hộ dân thấy dự án chậm triển khai nên cố tình dây dưa. Vừa qua có một số thông tin về tiến độ dự án khiến địa phương rất lo lắng. Tuy nhiên tại buổi họp, đại diện nhà đầu tư thông tin chi tiết về tiến độ thực hiện dự án, đặc biệt là kế hoạch làm việc với ngân hàng để ký kết hợp đồng tài trợ nên chính quyền địa phương phần nào yên tâm.
Ông Phạm Anh Tuấn đề nghị nhà đầu tư lập lại tiến độ triển khai dự án một cách chi tiết gửi cho địa phương để có cơ sở thông tin đến người dân và giám sát các nhà thầu thực hiện trên công trường. Về phía tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các huyện, thị xã làm việc với người dân để giải quyết những vướng mắc còn lại trong công tác GPMB.
Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ đối tác công tư (Bộ GTVT), cho biết khó khăn nhất của dự án trong thời gian qua là vấn đề nguồn vốn. Tổng mức đầu tư dự án là 9.668,5 tỷ đồng, hiện các nhà đầu tư đã huy động đủ 100% vốn chủ sở hữu với 1.542,8 tỷ đồng, phần lớn nguồn vốn này được tập trung cho công tác GPMB.
Trong thời gian qua, trước tình hình thắt chặt tín dụng của hệ thông ngân hàng và lãi suất trái phiếu Chính phủ thấp dẫn đến các ngân hàng quan ngại về việc nhà đầu tư phải bù lãi vay với phần chênh lệch lãi suất lên đến khoảng 2%/năm. Do vậy, việc ký hợp đồng tín dụng để triển khai dự án chưa thực hiện được.
Các nhà thầu tập trung thiết bị thi công tại công trường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Liên quan đến việc xác định lãi suất vay vốn, ông Phan Anh Dũng, Giám đốc Công ty BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, cho biết ngày 28/3 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 30 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 75 ngày 21/7/2017, đồng thời có văn bản hướng dẫn áp dụng Thông tư số 75 đối với dự án. Để tháo gỡ khó khăn trong việc huy động vốn, giảm phần vốn vay ngân hàng, Nhà đầu tư đã chủ động tìm kiếm nguồn vốn khác thông qua việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (Công ty CII) để có khoản vay 958 tỷ đồng. Phía Công ty CII đã sẵn sàng 300 tỷ đồng, đang huy động 658 tỷ đồng từ nguồn phát hành trái phiếu cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Phần vốn vay còn lại (7.167,7 tỷ đồng), hiện nhà đầu tư đang đàm phán với các ngân hàng, dự kiến ngày 15/5 thống nhất được hợp đồng tín dụng với liên ngân hàng và ký hợp đồng tín dụng trước ngày 31/5 như đã cam kết với Bộ GTVT.
Lập lại tiến độ chi tiết các gói thầu
Về công tác triển khai trên công trường, hiện có 13/21 gói thầu triển khai thi công. Khối lượng thực hiện chủ yếu là đào hữu cơ, rải vải địa kỹ thuật, đắp cát K95 thi công nền đường và đóng cọc, đổ bê tông mố trụ cầu thuộc gói thầu XL-04, XL-05. Giá trị thực hiện lũy kế đến nay khoảng 143,5 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhấn mạnh, Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là một phần của tuyến cao tốc Bắc Nam. Dự án được triển khai từ năm 2015, nhưng sau đó có một số điều chỉnh tăng quy mô mặt đường lên 17m (đủ 4 làn xe) để đồng bộ với toàn tuyến cao tốc Bắc Nam, bố trí dải phân cách giữa để tăng tính an toàn. Thời gian qua nhà đầu tư gặp khó khăn trong công tác huy động vốn, lãnh đạo Bộ GTVT, Chính phủ đã nhiều lần làm việc với các Bộ, ngành để tháo gỡ vướng mắc. Đến nay công tác huy động vốn đã có bước tiến khả quan, đến 31/5 nhà đầu tư sẽ thực hiện ký kết với các ngân hàng, lúc đó dự án sẽ có vốn để tiếp tục thực hiện.
Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư lập lại tiến độ các gói thầu để theo kịp tiến độ hoàn thành dự án
Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu nhà đầu tư lập lại tiến độ các gói thầu một cách cụ thể, chi tiết, trình Bộ GTVT, địa phương để giám sát trong quá trình thi công. Yêu cầu các nhà thầu huy động thiết bị, nhân lực đến công trường để triển khai quyết liệt hơn. Phối hợp với địa phương rà soát lại các tổng thể dự án, đặc biệt chú ý đến các nút giao, cống chui, đường gom có cần điều chỉnh, bổ sung gì cho hợp lý để khi dự án đưa vào sử dụng sẽ thuận lợi cho người dân đi lại.
Thứ trưởng đề nghị tỉnh Tiền Giang tiếp tục thực hiện công tác GPMB đối với các phần còn lại. Mục tiêu chung là đến 2020 phải thông xe toàn tuyến phục vụ người dân.