Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ GTVT, trong năm 2017, thiên tai liên tục xảy ra và gây thiệt hại trên khắp cả nước, điển hình như 16 cơn bão, 06 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) xuất hiện, hình thành trên biển Đông, các đợt lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng đã ảnh hưởng trực tiếp vào khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, sản xuất và cơ sở hạ tầng trong khu vực và để lại các hậu quả rất nặng nề. Thiệt hại về cơ sở hạ tầng GTVT do thiên tai gây ra khoảng: 866 tỷ đồng. Trong đó, đường bộ khoảng: 700 tỷ đồng; đường sắt khoảng: 151,24 tỷ đồng; đường thủy nội địa khoảng: 15,12 tỷ đồng.
Ngay khi có đợt bão, lũ hoặc đợt mưa lớn xảy ra, Bộ GTVT đã có Công điện chỉ đạo các đơn vị trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão, lũ có phương án chuẩn bị phòng, tránh, trực 24/24h, theo dõi mọi diễn biến của bão, lũ để có biện pháp đối phó kịp thời khi có sự cố xảy ra và thường xuyên báo cáo về Bộ để phối hợp giải quyết theo quy định. Trước các cơn bão lớn và trong những đợt mưa lũ lớn kéo dài, Bộ GTVT đã tổ chức các đoàn công tác đi chỉ đạo tại hiện trường, đặc biệt nhiều đoàn do Bộ trưởng, các Thứ trưởng và các lãnh đạo các Cục trực tiếp chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đảm bảo giao thông và khắc phục hậu qua do thiên tai gây ra.
Cụ thể, Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN, các chủ đầu tư, các nhà thầu thực hiện công tác bảo trì đường bộ, chú trọng công tác chuẩn bị vật tư, phương án phối hợp ứng cứu đảm bảo giao thông mùa mưa lũ; tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên, các hạng mục công trình dễ bị thiệt hại do lụt, bão như hệ thống rãnh thoát nước, khơi thông cống, gia cố mố, trụ cầu, khơi thông dòng chảy… Tất cả các đơn vị trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam đã triển khai và duy trì chế độ Trực ban, Trực Chỉ huy ngay từ những ngày đầu năm để sẵn sàng tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin cấp cứu- khẩn cấp từ người và phương tiện bị nạn được chuyển đến.
Để phòng ngừa và ứng phó với tại nạn hàng hải xảy ra trong mua mưa bão, hàng năm Bộ đã chỉ đạo Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam triển khai chốt chặn tàu tìm kiếm cứu nạn tại các khu vực trọng điểm, nhạy cảm về tai nạn, sự cố trên biển. Hệ thống Thông tin duyên hải Việt Nam của VISHIPEL đã duy trì tốt chế độ trực canh cấp cứu 24/7, phát đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin trợ giúp trú tránh thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho các phương tiện trên biển; bảo đảm sẵn sàng hạ tầng, dịch vụ của hệ thống quản lý phương tiện AIS, LRIT cho các cơ quan, đơn vị quản lý, điều hành.
Tăng cường kiểm tra, tuyên truyền hoạt động bến khách ngang sông, yêu cầu dừng hoặc tạm dừng hoạt động đối với bến không đủ điều kiện an toàn. Đình chỉ hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan đình chỉ hoạt động của cảng, bến, phương tiện thuỷ nội địa không đảm bảo điều kiện an toàn. Triển khai xây dựng, lắp đặt các vị trí phao neo, trụ neo phục vụ tàu thuyền neo đậu trong mùa mưa bão. Sửa chữa, bão dưỡng hệ thống phao neo, trụ neo và thông báo các vị trí phao, trụ neo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kiểm tra, khảo sát thông báo luồng khu vực cửa sông, cửa biển phục vụ các phương tiện qua lại đặc biệt trong mùa mưa, bão. Tổ chức nạo vét những khu vực bị bồi lắng, khan cạn do mưa lũ, thực hiện điều tiết đảm bảo giao thông, chống va trôi tại các khu vực có nguy cơ mất an toàn trên các tuyến đường thuỷ nội địa.
Công tác đảm bảo giao thông, khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra như việc trôi cầu, đứt đường, sụt trượt đất đá lớn, ngập nước…, ngoài việc phối hợp với Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông trong việc phân luồng, phân tuyến, đảm bảo trật tự, an ninh. Các đơn vị trong ngành đã nhanh chóng điều động lực lượng, vật tư, phương tiện, thiết bị…, tại chỗ cũng như ứng cứu từ nơi khác để đảm bảo thông đường bước 1 trong thời gian nhanh nhất.
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đề xuất phương án phòng chống thiên tai,
tìm kiếm cứu nạn trong các lĩnh vực ngành GTVT
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị dự họp đã tập trung báo cáo những kết quả làm được, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất các phương án, giải pháp cụ thể như: Tiếp tục rà soát, bổ sung chỉnh sửa hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan phù hợp với thực tế hoạt động để tăng cường hiệu quả của công tác PCTT-TKCN; xây dựng kế hoạch ứng phó với tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy và kế hoạch vận tải sơ tán dân khi có sự cố lớn hoặc thảm họa theo quy định; kiện toàn, tăng cường vai trò, trách nhiệm các Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp; tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bảo trì các công trình, dự án; quan tâm hỗ trợ kinh phí, phương tiện đi lại, trang thiết bị, đảm bảo thực hiện công tác PCTT-TKCN được kịp thời, hiệu quả; tăng cường công tác phối hợp tìm kiếm, cứu nạn, trao đổi thông tin với các Trung tâm tìm kiếm cứu nạn nước ngoài, tổ chức các cuộc diễn tập xử lý thông tin với các nước trong khu vực; thực hiện phổ biến, kiến thức, hướng dẫn và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định về bảo đảm an toàn, tìm kiếm và cứu nạn theo quy định cho các tổ chức, cá nhân liên quan; triển khai Kế hoạch chốt chặn 2018, đưa phương tiện chuyên dụng TKCN đến các khu vực nhạy cảm về tai nạn, sự cố để thường trực và sẵn sàng tham gia hoạt động khi có tình huống xảy ra trong mùa mưa bão năm 2018.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh, công tác PCTT-TKCN luôn là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành GTVT. Năm 2017, Bộ GTVT, các đơn vị trong ngành đã triển khai thực hiện tốt, hiệu quả công tác PCTT-TKCN, cứu hộ, an toàn giao thông; kết quả đạt được đã được Chính phủ, Bộ ngành liên quan đánh giá cao.
Thực hiện nhiệm vụ thời gian tới, Thứ trưởng giao Vụ An toàn giao thông là cơ quan thường trực của Bộ GTVT có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị trong việc lập kế hoạch, phương án chi tiết; tổng hợp các kiến nghị, tham mưu đề xuất các giải pháp cụ thể và báo cáo Bộ để chỉ đạo triển khai tốt công tác PCTT-TKCN, cứu hộ. Đồng thời yêu cầu đưa công tác này là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của từng đơn vị, lĩnh vực chuyên ngành. Công tác phòng chống thiên tai, xử lý việc TKCN phải nhanh, gọn từ lập kế hoạch, cơ chế vận hành, cơ chế huy động lực lượng, nguồn kinh phí đến các công tác thực hiện, thủ tục liên quan để đáp ứng hiện trường kịp thời. Bên cạnh đó kiện toàn lại Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, cơ chế vận hành; rà soát văn bản pháp lý, kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp quy định; tham mưu kịp thời về nguồn dự phòng ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; kinh phí để thực hiện hiệu quả nhất công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão, lũ.
V.H