Cần tạo cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng

Thứ tư, 23/05/2018 14:12

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 22/5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: Hạ tầng của ta hiện nay đang ở mức “tương đối”, nhưng 5-10 năm nữa nếu không được đầu tư kịp thời sẽ không đáp ứng được nhu cầu phát triển”.

Đầu tư cho những lĩnh vực tạo động lực phát triển

Đề cập đến tình hình phát triển KT-XH năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đồng tình với báo cáo Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra. Theo Bộ trưởng, 2017 là năm hết sức khó khăn nhưng chúng ta đã phấn đấu và đạt nhiều kết quả, đạt 12/13 chỉ tiêu, trong đó có những chỉ tiêu rất quan trọng như tốc độ tăng trưởng kinh tế. Điều này thể hiện sự quyết tâm rất cao, sự chuyển động của cả bộ máy, không chỉ các thành viên Chính phủ mà cả địa phương, người dân và cộng đồng DN.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Nêu đề xuất với Trung ương và Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh vấn đề thể chế khi hiện nay đang có nhiều khoảng trống. Theo Bộ trưởng, chúng ta đang chuẩn bị tiến vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và khuyến khích vốn tư nhân đầu tư đổi mới công nghệ, hình thành nền công nghệ riêng của Việt Nam, vì thế cần ban hành nhiều chính sách khuyến khích.

Trong cải cách hành chính, nhiều ý kiến đánh giá Luật Đầu tư công rất tiến bộ, quản lý đầu tư trung hạn rất tốt nhưng theo Bộ trưởng, thủ tục hiện nay đang kéo dài, dẫn đến tình trạng có tiền nhưng triển khai rất chậm. Bên cạnh đó, phải làm sao cải cách để vận hành Chính phủ điện tử, tạo điều kiện để người dân ở nhà cũng có thể tiếp cận làm thủ tục mà không cần đến các cơ quan Nhà nước.

Đặc biệt, về vấn đề hạ tầng, theo Bộ trưởng Thể, hiện nay hạ tầng “tương đối”, nhưng 5-10 năm nữa nếu không được đầu tư kịp thời sẽ không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Vì thế, phải có chính sách thu hút nguồn lực, tạo cơ chế, điều kiện để thu hút vốn vào hạ tầng. “Nếu chúng ta đầu tư vào toà nhà cao tầng 5-7 nghìn tỷ đồng, đó chỉ là sử dụng xa xỉ, nhưng nếu dùng số tiền đó đầu tư vào hạ tầng như giao thông, điện..., sẽ tạo đột phá cho phát triển kinh tế”, Bộ trưởng so sánh và nhấn mạnh phải có chính sách thu hút nguồn vốn, không tập trung đầu tư vào tiêu dùng mà đầu tư cho những lĩnh vực tạo động lực phát triển.

Giải quyết ổn thỏa những bất cập của BOT

Đề cập đến những vấn đề riêng của ngành GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhắc đến vấn đề được dư luận rất quan tâm là các trạm thu giá BOT. Bộ trưởng Thể cho biết, vừa qua, thực hiện chỉ đạo của T.Ư, cùng với những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Bộ GTVT đã tham mưu và đề xuất một số chủ trương, biện pháp và tình hình tại các trạm thu giá BOT đến thời điểm này có thể nói tương đối ổn định. Trước mắt, Bộ GTVT sẽ tập trung giải quyết những vấn đề đang tồn tại, việc nào liên quan đến trạm nào sẽ tập trung xem xét nguyên nhân để phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan giải quyết. “Với những giải pháp Chính phủ chỉ đạo và Bộ GTVT đang làm, chúng tôi có niềm tin những vấn đề liên quan đến các trạm BOT trong giai đoạn sắp tới sẽ được giải quyết ổn thỏa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Một vấn đề quan trọng khác liên quan đến những công trình, dự án mà T.Ư đã có chủ trương, trong nhiệm kỳ này, Bộ trưởng Thể cho biết, với Dự án sân bay quốc tế Long Thành, đến thời điểm này, một số công việc có chậm nhưng vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát, đó là công tác thu hồi đất. Việc này Quốc hội, Chính phủ đã giao tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, hiện nay việc thẩm định giữa các Bộ, ngành chậm, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để làm sao khi phê duyệt thì có thể tiến hành GPMB.

Còn riêng trách nhiệm của Bộ GTVT về tổ chức đấu thầu quốc tế để chọn nhà tư vấn, lập dự án tổng thể sân bay quốc tế Long Thành, Bộ đã bám sát kế hoạch, vừa công bố tư vấn trúng thầu và tư vấn hiện nay đang lập dự án. Dự kiến năm 2019 Bộ sẽ báo cáo Quốc hội một dự án tổng thể gồm cả GPMB và quy mô, lộ trình, giải pháp xây dựng sân bay.

Với Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, có 11 dự án thành phần. Trong tháng 5, Bộ sẽ phê duyệt 5/11 dự án, tháng 7 sẽ phê duyệt tiếp 5 dự án nữa, còn 1 dự án cuối cùng là cầu Mỹ Thuận 2 sẽ phê duyệt tháng 9. “Tất cả công việc hiện nay Bộ đang giám sát chặt chẽ, hàng tháng đều họp giao ban và kiểm tra kỹ lưỡng”, Bộ trưởng khẳng định và cho biết, theo lộ trình, trong năm nay Bộ sẽ phê duyệt toàn bộ 11 dự án, phối hợp với địa phương cắm mốc GPMB và đầu năm 2019 sẽ đấu thầu quốc tế để mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.

Lo hiểu sai thông tin kiểm toán BOT sẽ tạo dư luận xấu
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về tình hình KT-XH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề cập đến thông tin Kiểm toán Nhà nước đưa ra cho biết, qua kiểm toán 40 dự án BOT trong năm 2017, cơ quan này kiến nghị giảm thời gian thu phí tới 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm tài chính hơn 1.460 tỷ đồng. Kiểm toán nhà nước cũng cho biết, năm 2016 về trước, cơ quan này cũng kiến nghị giảm 127,4 năm thu phí của 27 dự án triển khai trước đó.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết ông rất băn khoăn về nội dung này bởi nếu không cẩn thận, thông tin này sẽ tạo dư luận xã hội có cái nhìn không đúng về BOT trong bối cảnh cả nước đang triển khai thực hiện chủ trương thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội đầu tư cơ sở hạ tầng.

Nêu lại quy trình, Bộ trưởng Dũng khẳng định, phương án tài chính ban đầu với một dự án BOT chưa phải để thực hiện ngay mà phải kiểm toán, kiểm toán xong các cơ quan Nhà nước mới phê duyệt quyết toán công trình để đưa ra mức đầu tư thực tế và từ đó mới tính được số năm thu phí, mức thu phí từng năm. “Nếu quy trình ta làm đúng như thế, việc kiểm toán là bình thường và việc giảm số năm tính toán so với dự toán ban đầu là đúng. Từ kiểm toán như vậy mới ra số quyết toán và ra số năm, số phí phải thu trong cả giai đoạn cũng như từng năm”, Bộ trưởng Dũng phân tích. 

 

Nguồn: baogiaothong.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:4118
Lượt truy cập: 176.446.308