Tại buổi Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Trong những năm qua, ngành GTVT đã đạt được một số thành tựu đáng kể với kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được cải thiện, một số công trình giao thông lớn, quan trọng đã hoàn thành; vận tải duy trì mức tăng trưởng 8%; giao thông đô thị được chú trọng đầu tư.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu khai mạc Hội thảo
“Tuy nhiên, vẫn còn đó một số thách thức, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; kết nối các phương thức vận tải chưa đồng bộ, còn hạn chế, chủ yếu vận tải bằng đường bộ, chi phí logistics và vận tải vẫn còn cao” Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng cho biết thêm, hiện mạng lưới đường sắt quốc gia Việt Nam có 7 tuyến, tổng chiều dài 3.321 km, chủ yếu là đường đơn khổ 1 mét chưa được điện khí hoá, hạ tầng đang bị xuống cấp. Đường sắt quốc gia Việt Nam hiện đang chuyên chở khoảng 12 triệu lượt hành khách và 6,5 triệu tấn hàng hoá mỗi năm và xu hướng giảm trong 5 năm qua. Cả vận tải hàng hoá và hành khách bằng đường sắt đều chỉ chiếm dưới 5% tổng lượng lưu thông. Nhìn chung, sau khoảng một trăm năm hình thành và phát triển, lĩnh vực đường sắt Việt Nam vẫn chưa có nhiều thay đổi, chưa bắt kịp với công nghệ đường sắt của thế giới và nhu cầu vận tải của Việt Nam.
Theo định hướng phát triển GTVT của Việt Nam đến năm 2030, về tổng thể, Việt Nam phấn đấu hình thành được một hệ thống giao thông vận tải hợp lý giữa các phương thức vận tải, phát triển một cách đồng bộ, từng bước đi vào hiện đại. Trong đó tập trung chú trọng phát triển lĩnh vực đường sắt.
Để hiện thực hoá những mục tiêu nêu trên và nhằm nâng cao năng lực của ngành đường sắt Việt Nam, Chính phủ đã xác định bên cạnh việc cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực thì phát triển kết cấu hạ tầng được coi là khâu đột phá chiến lược. Đồng thời, Chính phủ và Bộ GTVT đã tích cực chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục tái cơ cấu và xác định mô hình hoạt động trong lĩnh vực đường sắt.
Năm 2015, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Ngân hàng Thế giới giúp đỡ trong việc hiện đại hóa ngành đường sắt để tăng hiệu quả, tăng tính khả thi và tăng sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Công việc chủ yếu tập trung vào việc chuẩn bị khung pháp lý hiện đại cho ngành đường sắt, hiểu rõ hơn về nhu cầu thị trường, tái cấu trúc dịch vụ đường sắt, lộ trình đầu tư mục tiêu và bền vững trong lĩnh vực đường sắt. Trong thời gian qua, nhiều kết quả nghiên cứu, nhiều giải pháp đã được đề xuất để hiện đại hóa ngành đường sắt Việt Nam, tăng cường năng lực thể chế, tăng tính hiệu quả, tính khả thi và tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cũng như người sử dụng dịch vụ đường sắt. Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực ngành đường sắt Việt Nam giai đoạn 1 và 2 là rất thiết thực trong bối cảnh Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT đang hết sức quan tâm nỗ lực phát triển lĩnh vực này.
Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có tầm nhìn lĩnh vực đường sắt VN, lộ trình hiện thực hoá cũng như đánh giá phân tính toàn mạng, đánh giá nhu cầu và đưa ra kịch bản về phát triển; việc ưu tiên hoá và huy động nguồn lực; Vấn đề tái cơ cấu lĩnh vực đường sắt với nội dung nghiên cứu sâu hơn tiếp theo giai đoạn 1 trong đó có những đánh giá về các phương án tổ chức các đơn vị vận tải RTC; vấn đề xấy dựng cơ chế phí giá là nội dung hết sức thiết thực mà Bộ GTVT, Tổng công ty ĐSVN triển khai; Vấn đề xây dựng kế hoạch quản lý tài sản đường sắt...
Trên cơ sở các chuyên gia Ngân hàng Thế giới trình bày và các ý kiến của các chuyên gia trong, buổi Hội thảo “Tăng cường ngành đường sắt ở Việt Nam” đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm, ý kiến quan trọng nhằm hồi sinh ngành đường sắt Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Tr.Th