Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp
Báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đèo Lò Xo (thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh) đoạn từ Km1396 - Km1434 đi qua hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Đoạn Km1396 - Km1407 thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam, đoạn Km1407 - Km1434 thuộc địa phận tỉnh Kon Tum có hướng tuyến quanh co, địa hình hiểm trở, độ dốc sườn thiên nhiên lớn, bên núi cao, bên vực sâu. Do khó khăn về yếu tố địa hình nên trong quá trình triển khai dự án đã phải châm trước một số yếu tố kỹ thuật của tuyến như: Bán kính đường cong nằm, độ dốc dọc tối đa, chiều dài đoạn dốc, độ mở rộng mặt đường, chiều dài tầm nhìn... Từ khi đưa vào khai thác năm 2004 đến nay đoạn tuyến đèo Lò Xo đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Theo thống kê của đơn vị quản lý tính từ tháng 1 năm 2005 đến tháng 6/2018 trên đoạn tuyến đã xảy ra 192 vụ tai nạn giao thông làm chết 65 người, bị thưomg 333 người và làm hư hỏng nhiều phương tiện.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các vụ tai nạn trên đoạn đường qua đèo Lò Xo tập trung chủ yếu trên 04 đoạn có dốc dọc lớn liên tục (chiếm 83%): Km1408+800 - Km1411+300; Km1418+250 - Km1420+250; Km1421+900 - Km1424+400; Km1427+500-Km1432; tập trung chủ yếu vào các phương tiện xe tải, xe khách và Container (87%); Tất cả các vụ tai nạn từ nghiêm trọng trở nên đều có dấu hiệu mất phanh hoặc sự cổ liên quan đến phanh; 73% các vụ tai nạn từ nghiêm trọng trở lên xảy ra với lái xe đường dài, lái xe lạ đường (thiếu kinh nghiệm khi đổ đèo); Hầu hết tai nạn xảy ra theo chiều xuống dốc, tốc độ cao và tai nạn thảm khốc thường xảy ra khi xe lao xuống vực. Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nguyên nhân gây TNGT bên cạnh các yếu tố ảnh hưởng như tình trạng mặt đường bất lợi (như : trơn trượt, ẩm ướt, quá hẹp, ...); điều kiện thời tiết (mưa to, sương mù, nắng xiên gây chói mắt lái xe); người tham gia giao thông (mệt mỏi, buồn ngủ, uống rượu bia, tay lái non thiếu kinh nghiệm đổ đèo, ...); phương tiện có vấn đề kỹ thuật (mất phanh, nổ lổp, chở hàng quá cồng kềnh), thì nguyên nhân chính là yếu tố tốc độ xe khi đổ đèo và ảnh hưởng của dốc dọc lớn và dài.
Để hạn chế TNGT trên đèo Lò Xo, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng cần thực hiện một giải pháp tổng hợp bao gồm phương án phòng ngừa tai nạn chủ động và phương án xử lý tai nạn bị động. Theo đó, phương án phòng ngừa tai nạn chủ động gồm: kiểm soát tốc độ (cắm biển hạn chế tốc độ đối với các đoạn có yếu tố tuyến bất lợi, cung cấp thông tin đầy đủ cho người lái xe, lắp đặt Camera giám sát tốc độ tại các đoạn nguy hiểm và có biện pháp phạt nguội khi xe vi phạm....); Tổ chức giao thông (bằng hệ thống vạch sơn, biển báo, đèn cảnh báo, tiêu phản quang, vạch sơn gồ giảm tốc, giá long môn...); Cải tao các yếu tố kỹ thuầt của tuyến (mở rộng mặt đường, đào bạt mái taluy dương để tăng chiều dài tầm nhìn thấy xe ngược chiều...); Xây dựng trạm dừng nghỉ. Phương án xử lý tai nạn bị động gồm: Xây dựng công trình phòng hộ (hộ lan cứng, hộ lan mềm, hộ lan con xoay, tường lốp, trồng cây phòng hộ...); Xây dựng đường cứu nạn, hốc cứu nạn; Xây dựng làn đường hãm xe.
Tại cuộc họp, các đại biểu đều thống nhất với các đánh giá và giải pháp của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đồng thời đề nghị tập trung vào các nhóm giải pháp tăng cường hệ thống an toàn giao thông, kết hợp với sửa chữa, bổ sung kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường tuyên truyền phối hợp đảm bảo ATGT. Đại diện tỉnh Kon Tum cho rằng TNGT trên đèo Lò Xo phần lớn chỉ xảy ra với những lái xe ở các tỉnh khác lạ không thuộc địa hình, không có kinh nghiệm đi đường đèo, xử lý khi xuống dốc không đúng kỹ thuật, dẫn đến phanh mất tác dụng, thời gian xảy ra tại nạn thường vào những thời điểm có nhiều sương mù. Đại diện tỉnh Kon Tum kiến nghị cần tăng thêm số lượng các biển báo giao thông, tăng thêm chiều cao của hộ lan cũng như hạn chế tốc độ tại các điểm cong, cua.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục Quản lý đường bộ 3 nói riêng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nói chung cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong công tác đảm bảo an toàn giao thông tại đèo Lò Xo cũng như xử lý các điểm đen ATGT trên hệ thống đường bộ như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Trước mắt, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần sơm bố trí bổ sung hệ thống biển báo hiệu, biển cung cấp thông tin, cảnh bảo cho lái xe về khoảng thời gian có thời tiết bất lợi, thời gian thường xảy ra tai nan giao thông, khoảng cách tới các vị trí nguy nguy hiểm, vị trí đường cứu nạn...trên tuyến đường qua đèo Lò Xo. Đảm bảo cho các vạch sơn phản quang dọc theo các hộ lan có đủ độ rộng cần thiết để lái xe có thể nhận diện rõ trong đêm tối hoặc thời tiết xấu. Bố trí gờ giảm tốc tại các đoạn đường dốc. Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt nam cũng phải rà soát lại hồ sơ thiết kế, cải tạo, mở rộng các điểm đường cong tại những nơi điều kiện cho phép, đảm bảo mặt bằng cho lái xe xử lý tình huống, nghiên cứu bố trí và xây dựng thêm các đường lánh nạn, hốc lánh nạn. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam bố trí hộ lan 2, 3 tầng tại các điểm nguy hiểm thường xảy ra TNGT, đồng thời tính toán độ sâu của cọc hộ lan, cọc giảm chấn đảm bảo độ cứng vững khi xảy ra TNGT. Phối hợp với địa phương xây dựng, hình thành các trạm dừng nghỉ, khuyến cáo lái xe dừng nghỉ, kiểm tra kỹ thuật phương tiện tại đây cũng như tìm hiểu thông tin của tuyến đường trước khi đi qua đèo.
"Tổng cục Đường bộ Việt Nam sớm hoàn thành đề án xử lý căn cơ công tác đảm bảo ATGT tại đèo Lò Xo, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.
DT