Đầu tư mạnh vào đường sắt, Ấn Độ có đuổi kịp Trung Quốc?

Thứ ba, 11/09/2018 15:46

Nhiều năm trở lại đây, Ấn Độ không ngừng thực hiện các dự án cải thiện cả về chất lượng hạ tầng, dịch vụ đường sắt bằng những khoản đầu tư mạnh tay với hy vọng có thể đạt được “cú lột xác” hoàn toàn như Trung Quốc.

Ấn Độ đối mặt rất nhiều vấn đề về chất lượng đường sắt

Đầu tư 132 tỉ USD vào đường sắt

Bộ Đường sắt Ấn Độ đã thông báo kế hoạch đầu tư 132 tỉ USD vào nâng cấp đường sắt nước này đến năm 2020. Tính riêng theo dự thảo ngân sách đường sắt năm 2018 được Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley đưa ra ngày 1/2, Ấn Độ sẽ phân bổ số tiền lớn cho các dự án mở rộng và sáng tạo, bao gồm: Phủ sóng dịch vụ wifi và camera theo dõi (CCTV) trên tất cả các tàu; hiện đại hóa đoàn tàu, đường ray, điện hóa 36.000km đường sắt, tái phát triển 600 nhà ga...

Đặc biệt, nhắc đến kế hoạch cải thiện hạ tầng của Ấn Độ, phải nói tới dự án hành lang đường sắt cao tốc Mumbai - Ahmedabad dài 508km, dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm 2023 trở thành dự án tàu con thoi đầu tiên của Ấn Độ, hứa hẹn cắt giảm thời gian hành trình giữa hai thành phố chính từ 9 giờ như hiện nay xuống còn 3 giờ.

Theo tiết lộ của một quan chức Ấn Độ vào khoảng đầu tháng 9 này, đất nước đông dân thứ 2 thế giới sẽ mua 18 tàu cao tốc của Nhật Bản với chi phí 975 triệu USD trong một thỏa thuận mà Nhật cam kết sẽ chuyển giao công nghệ cho Ấn Độ. Hành lang đường sắt cao tốc dài 508km sẽ được xây dựng dưới sự hỗ trợ của chính quyền Tokyo.

Vẫn khó đuổi kịp Trung Quốc?

Tuy nhiên, những nỗ lực trên của Chính phủ Ấn Độ chỉ được đánh giá là có thể cải thiện một số mặt như an ninh, mở rộng chiều dài đường sắt chứ chưa thực sự khiến ngành Đường sắt nước này thay đổi bộ mặt hoàn toàn như Trung Quốc nhất là vấn đề vệ sinh, dịch vụ, công nghệ đường sắt ...

Liên đoàn nhân viên đường sắt Ấn Độ cực lực chỉ trích kế hoạch ngân sách đường sắt 2018 đã lờ đi những vấn đề thực sự liên quan đến phúc lợi của người lao động và toàn ngành. Họ cho rằng, nếu nguồn nhân lực thiếu hụt hoặc trình độ kém thì chắc chắn chất lượng ngành Đường sắt sẽ bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ trong 1 thập kỷ, nước này ưu tiên đầu tư, xây dựng 20.000km đường sắt cao tốc (với tốc độ trung bình hơn 300km/h). Giới chức Bắc Kinh kỳ vọng có thể xây thêm 15.000km đường sắt cao tốc nữa tính đến năm 2025.

Chiều dài đường sắt cao tốc của Trung Quốc hiện đang bằng tổng chiều dài của các nước còn lại trên thế giới. Không chỉ vậy, nhờ chú trọng đầu tư vào đội ngũ nhân lực, chuyên gia, Trung Quốc nắm trong tay công nghệ xây dựng tàu cao tốc tiên tiến, không chỉ nhanh chóng nâng cấp đường sắt trong nước mà còn mời chào xuất khẩu công nghệ này ra nhiều nước trên thế giới.

Theo nhận định của tờ The Policy Times, trong khi Chính phủ Ấn Độ còn đang chật vật thực hiện lời hứa cải cách đường sắt, Trung Quốc đã thực hiện các dự án hạ tầng đường sắt với tốc độ cực nhanh.

Do đó, tờ báo này cho rằng, nếu không có chiến lược phát triển đường sắt đột phá, Ấn Độ sẽ còn tiếp tục cách Trung Quốc cũng như các nước đang phát triển rất xa. Tờ NDTV phiên bản tiếng Ấn Độ cũng thừa nhận, nước này đang tụt sau Trung Quốc rất nhiều, đặc biệt về vấn đề vệ sinh tại các sân ga, trên đường ray.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:2893
Lượt truy cập: 176.445.975