Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp nghe báo cáo
Đề án Xác định nhu cầu vốn, công tác bảo trì quốc lộ đến năm 2030
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Tư vấn - Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết: Hiện nay, hệ thống giao thông đường bộ được đầu tư phát triển ngày càng tốt hơn và cơ bản đáp ứng được vai trò là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, hội nhập quốc tế; vận tải đường bộ đóng vai trò lớn, tỷ lệ đảm nhiệm vận tải hành khách chiếm 94,39% tổng lượng vận tải hành khách và 77,47% tổng khối lượng vận tải hàng hoá. Do vậy, bảo trì có vai trò quan trọng duy trì kỹ thuật, khai thác và đảm bảo ATGT; các kết quả nghiên cứu thực tế của các nước trên thế giới cho thấy, chi 1 đồng cho bảo trì đường bộ sẽ tiết kiệm được 3 đồng khi phải đầu tư xây dựng mới các tuyến đường. Trong khi đó, vốn bảo trì đường bộ hàng năm chiếm khoảng 1% tổng giá trị tài sản đường bộ... Do vậy, cần xác định nhu cầu vốn trung, dài hạn và có giải pháp vốn bảo trì kịp thời, đúng hạn quy định.
“Đề án xác định nhu cầu vốn, công tác bảo trì quốc lộ đến năm 2030 nhằm xác định đầy đủ, khoa học về nhu cầu vốn quản lý, bảo trì quốc lộ đến năm 2030 theo quy định; là cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền xem xét ưu tiên tăng vốn cho quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ; tạo sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, phát huy tối đa hiệu quả công tác quản lý bảo trì”, phía Tư vấn nhấn mạnh.
Trên cơ sở phân tích hiện trạng hệ thống quốc lộ, quy hoạch và định hướng phát triển hệ thống quốc lộ đến năm 2030; đánh giá hiện trạng công tác quản lý, bảo trì quốc lộ, Tư vấn đã đưa các nội dung cụ thể về việc xác định nhu cầu vốn, bảo trì quốc lộ đến năm 2030.
Cụ thể, về nguyên tắc tính toán thì việc xác định nhu cầu vốn, quản lý quốc lộ phải đảm bảo tính khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định hiện hành của pháp luật; tính đúng, tính đủ nhu cầu nhằm đảm bảo duy trì điều kiện khai thác hiệu quả và an toàn của hệ thống quốc lộ hiện tại và tương lai một cách bền vững; căn cứ vào các điều kiện về số liệu, phạm vi vùng miền, điều kiện địa hình để đề xuất phương án tính toán đơn giá cho phù hợp, đảm bảo tính đại diện của sáu vùng miền và điều kiện địa hình đồng bằng, trung du, miền núi…
Việc xác định nhu cầu vốn quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ đến năm 2030 sẽ gồm công tác bảo dưỡng thường xuyên; sửa chữa định kỳ; sửa chữa đột xuất và các sửa chữa khác.
Phải làm rõ sự cần thiết của công tác duy tu, sửa chữa, bảo trì đường bộ
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ và lãnh đạo các đơn vị dự họp đã có ý kiến cụ thể liên quan đến Đề án Xác định nhu cầu vốn, công tác bảo trì quốc lộ đến năm 2030.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các đơn vị liên quan cần phải làm rõ sự cần thiết của công tác duy tu, sửa chữa, bảo trì đường bộ đường bộ trong Đề án. Cụ thể, đánh giá được toàn bộ hệ thống đường, cầu hiện này có tổng kinh phí là bao nhiêu, phục vụ bao nhiêu triệu dân?...
“Công tác duy tu, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng đường bộ là hết sức quan trọng để đảm bảo ATGT, bảo vệ tính mạng cho người dân, đường tốt sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững”, Bộ trưởng nhấn mạnh và đề nghị vấn đề này cần được làm rõ trong Đề án để thấy rõ được công tác duy tu, bảo dưỡng cực kỳ quan trọng trong thời điểm hiện nay.
Thống nhất là phải có số liệu tổng quan về chiều dài đường quốc lộ hiện nay, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị cần cụ thể hóa số liệu này bằng cách chia nhỏ số liệu cho từng khu vực. Để từ đó đưa ra đánh giá cụ thể hiện trạng đường hiện nay.
“Ngoài việc nhấn mạnh tầm quan trọng của Đề án, xác định được thực tiễn, hiện trạng công tác quản lý, bảo trì đường bộ, tổng hợp nhu cầu vốn thì Tư vấn và các đơn vị liên quan phải đưa ra được các giải pháp để cải tiến công tác duy tu, sửa chữa đường bộ từ máy móc thiết bị, tổ chức đầu thầu, tổ chức thi công, ứng dụng khoa công nghệ… vào Đề án này”, Bộ trưởng yêu cầu.
K.A