Thiết kế dự án cầu cong nối Singapore và Malaysia
“Nâng lên, đặt xuống” suốt 20 năm
Dự án cầu cong được khởi xướng từ năm 2001 bởi chính ông Mahathir Mohamad lúc đó đang giữ chức Thủ tướng Malaysia, để thay thế phần cầu Causeway (nối Singapore) ở bên phía lãnh thổ của Malaysia. Cây cầu này được gọi là “cầu cong” vì thiết kế theo hình chữ S với 6 làn đường bộ và cho phép tàu thuyền di chuyển thoải mái bên dưới.
Mục đích của ông Mahathir là xây dựng một hạ tầng mới thay thế cây cầu kết nối từ Johor Baru đến Singapore bằng một cây cầu khác vào năm 2001 để giảm tắc nghẽn giao thông, khơi thông dòng nước tù đọng, cải thiện môi trường hàng hải cũng như cho phép tàu thuyền di chuyển qua eo biển Johor với hy vọng sẽ trở thành động lực lớn, thúc đẩy sự phát triển cho hai cảng ở bang Johor của Malaysia.
Tuy nhiên, dự án này đã bị ông Tun Abdullah Badawi lập tức bác bỏ ngay sau khi nhậm chức Thủ tướng vào cuối năm 2003 và sau đó tiếp tục bị các Thủ tướng kế nhiệm khác chôn vùi sâu.
Sở dĩ vậy vì phía Singapore không đồng ý phá bỏ hoàn toàn cây cầu Causeway nếu không đi kèm các thỏa thuận về nhiều vấn đề song phương khác. Ban đầu, cựu Thủ tướng Malaysia Abdullah định xúc tiến toàn bộ dự án cầu khi chấp nhận yêu cầu cho phép quân đội Singapore sử dụng không phận Johor.
Tuy nhiên, vì bị phản đối kịch liệt nên đến năm 2006, ông Abdullah mới tiếp tục ý tưởng xây cầu chỉ ở một phần phía lãnh thổ Malaysia. Nhưng chỉ 3 tháng sau đó, cựu Thủ tướng Abdullah lại hủy bỏ quyết định dù đã cam kết sẽ chi 100 triệu ringgit Malaysia (tương đương 24 triệu USD) vì vấp phải dư luận lo ngại việc cho phép Singapore sử dụng không phận, kinh doanh cát.
Tiếp đó, chính quyền Malaysia dưới thời ông Najib Razak không muốn tiếp tục dự án cầu cong mà tìm kiếm thỏa thuận với chính quyền Singapore dưới thời ông Lý Hiển Long để xây dựng cây cầu thứ 3 giữa Johor và Singapore nhưng vẫn chưa đạt được kết quả cuối cùng.
Về phía Singapore, hiện nay, chính quyền quốc đảo sư tử không mấy mặn mà với dự án này. Họ cho rằng, dự án không có lợi ích đáng kể, đặc biệt là họ phải chịu chi phí tài chính khá lớn. Tuy nhiên, họ cũng bỏ ngỏ khả năng sẽ thay đổi suy nghĩ với điều kiện dự án này phải nằm trong gói các thỏa thuận song phương khác giữa hai bên bao gồm cho phép không lực Singapore sử dụng không phận Malaysia, cho phép mua cát và nước ngọt từ Malaysia.
Làm sống lại dự án cầu chữ S
Bất chấp khúc mắc dai dẳng đó, mới đây, Thủ hiến bang Johor ông Osman Sapian một lần nữa khơi lại dự án và cho biết, chính quyền bang này sớm tổ chức một cuộc họp với Singapore vào ngày 27 hoặc 28/10, với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Kinh tế Malaysia Azmin Ali, để bàn về nhiều vấn đề trong đó có khả năng hiện thực hóa dự án cầu chữ S liên kết hai nước.
Ông Datuk Osman chính là người đã đề xuất ý tưởng thực hiện dự án cầu này lên Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, cha đẻ của ý tưởng xây cầu nối hai quốc gia cách đây gần 2 thập niên, trong cuộc họp tháng trước đã gần như chắc chắn yêu cầu sẽ được thông qua.
“Cây cầu này mang lại rất nhiều lợi ích. Có lẽ, “dự án này bị trì trệ vì các Thủ tướng trước không cảm thấy thoải mái khi tiếp tục một dự án do ông Mahathir khởi xướng”, vị Thủ hiến nói và cho rằng: “Nếu Kuala Lumpur muốn xây cầu thì sẽ không có vấn đề gì vì nó không liên quan đến việc phá huỷ phần cầu bên Singapore, mà chỉ ở phía chúng tôi”.