Ngày càng có nhiều ứng dụng chia sẻ xe ra đời
Xu hướng dịch vụ mới
Tại châu Á, nhiều nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp ô tô và vận tải Trung Quốc đều đang chuẩn bị cho một tương lai mà người dùng sẽ tập trung sử dụng dịch vụ chia sẻ xe khi tâm lý là phải bỏ tiền mua một chiếc xe cho riêng mình đã bắt đầu có dấu hiệu thay đổi.
Ông Freeman Shen, người sáng lập - Giám đốc điều hành của Công ty Ô tô điện WM Motor phát biểu tại hội nghị công nghệ xe hơi East Tech West cho biết: “Những người thuộc thế hệ trẻ, họ không quan tâm đến việc sở hữu một chiếc xe riêng. Có lẽ, họ quan tâm nhiều hơn đến khả năng sử dụng”.
Trong vài năm trở lại năm, những tiến bộ về công nghệ đã hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chia sẻ xe như Uber và Didi. Các công ty này đều sở hữu một đội xe cho thuê với số lượng lớn, trị giá đến hàng tỷ USD.
Sự ra đời của các hãng chia sẻ xe không chỉ thách thức hệ thống taxi truyền thống, mà còn góp phần hình thành thói quen đặt xe theo yêu cầu của hàng chục triệu người dùng trên toàn cầu, bất chấp những lo ngại về vấn đề an toàn.
Đứng trước xu hướng mới, nhiều nhà sản xuất ô tô đã chuyển sang đầu tư cho dịch vụ đầy tiềm năng này. “Gã khổng lồ” đến từ Mỹ General Motors hồi tháng 1/2016 đã quyết định rót vốn đầu tư 500 triệu USD vào hãng chia sẻ xe Lyft - đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Uber.
Trong khi đó, các ông lớn như: Daimler, Toyota, Peugeot, Volkswagen và BMW cũng có những động thái rõ ràng khi mạnh tay đầu tư vào các công ty dịch vụ chia sẻ xe trong thời gian gần đây.
Theo Công ty Nghiên cứu Frost & Sullivan, số lượng người dùng sử dụng dịch vụ chia sẻ xe hơi dự kiến tăng gần gấp ba, từ khoảng 6 triệu chiếc (năm 2017) lên gần 18 triệu chiếc (năm 2025). Riêng thị trường Mỹ, dự kiến số xe chia sẻ khoảng 10 triệu chiếc.
Giảm được nạn kẹt xe, hạn chế ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí mua và bảo trì phương tiện là những lý do khiến chia sẻ xe được chính quyền các nước, như Trung Quốc, Mỹ và nhiều nước khác ủng hộ, góp phần vào sự tăng trưởng vượt bậc của dịch vụ vận tải hoàn toàn mới mẻ này.
Vừa là thách thức, vừa là cơ hội
Ông Feng Xing Ya, Giám đốc của hãng sản xuất xe hơi GAC đánh giá, tương lai của ngành công nghiệp ô tô nằm ở dịch vụ chia sẻ xe. Tuy nhiên, đó cũng là một thách thức đối toàn ngành, bởi nhu cầu mua xe sẽ ngày càng ít hơn.
Không tiết lộ nhiều về kế hoạch chi tiết của GAC, tuy nhiên, ông Feng nói rằng, cá nhân ông ủng hộ chiến lược thâm nhập thị trường chia sẻ xe, thay vì né tránh nó. Ông cho rằng, chính sách này vẫn sẽ đem lại nguồn lợi cho hãng.
Sự thay đổi nhanh chóng trong thị hiếu của người tiêu dùng có thể mang lại lợi thế cho các công ty khởi nghiệp. Từng có thời gian giữ chức giám đốc tại Fiat Chrysler và hãng sản xuất ô tô Geely, ông Freeman Shen cho biết, các công ty xe hơi truyền thống tập trung vào việc bán xe hơn là cải thiện trải nghiệm người dùng.
Sau khi thành lập WM Motor vào năm 2015, ông Shen đã quyết định đầu tư vào phát triển công nghệ và các tính năng mới để phục vụ thị trường.
Tại Trung Quốc, dịch vụ chia sẻ xe đang góp phần hình thành nên một môi trường sống mới, trong bối cảnh Chính phủ Bắc kinh đang cố gắng khuyến khích sự phát triển của công nghệ và đô thị thông qua các dự án xây dựng thành phố thông minh.
Ông Henry Liu, Phó chủ tịch của Didi - ứng dụng đặt xe đang thống lĩnh thị trường Trung Quốc cho rằng, chia sẻ xe sẽ giúp ích cho hệ thống giao thông được sử dụng hiệu quả hơn. “Theo phán đoán của tôi, các thành phố trong tương lai sẽ cần ít chỗ đỗ xe, đường sá cũng phải xây dựng ít hơn, bởi chúng ta không thực sự cần nhiều không gian cho xe cộ”, ông Liu chia sẻ.