An toàn hàng không phải đặt lên hàng đầu

Thứ năm, 27/12/2018 14:40

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp sáng nay (27/12) với Công ty cổ phần hàng không Vietjet và các cơ quan đơn vị liên quan.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp với Vietjet, sáng nay (27/12)

Thành lập 7 đoàn công tác giám sát đặc biệt Vietjet

Báo cáo tại buổi làm việc, liên quan đến 4 sự cố liên tiếp gần đây của Vietjet, Cục trưởng Cục HKVN Đinh Việt Thắng cho biết, các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra sự cố tại CHK Buôn Ma Thuột.

“Sau khi giải mã hộp đen, khám nghiệm hiện trường, làm việc với các bên có liên quan, cơ bản có thể khẳng định quá trình cất cánh, bay bằng và tiếp cận không có vấn đề gì. Vấn đề chỉ nằm ở khâu tiếp đất, cụ thể là bánh mũi tiếp đất trước, trong khi máy bay không thiết kế để bánh mũi chịu lực”, ông Đinh Việt Thắng cho biết đồng thời thông tin thêm, lỗi trong sự cố này cơ bản thuộc về tổ lái trong quá trình tiếp đất. Hiện tàu bay này vẫn đang ở Buôn Ma Thuột. Dự kiến sẽ thiết lập một hangar di động tại đây để sửa chữa. Việc sửa chữa sẽ hoàn tất sau khoảng 5 - 6 tháng.

 Đối với sự cố liên quan đến chuyến bay VJ861 khởi hành từ Incheon (Hàn Quốc) đi TP.HCM tối muộn 24/12/2018, ông Thắng cho biết, sau khi cất cánh được khoảng 2 tiếng, cơ trưởng quyết định hạ cánh xuống Đài Bắc (Đài Loan) để kiểm tra do phát hiện cảnh báo kỹ thuật cháy hầm hàng. Tổ bay thực hiện đúng quy trình, kích hoạt hệ thống dập lửa và xin hạ cánh khẩn cấp. Sau khi hạ cánh, phát hiện đấy là cảnh báo giả nên máy bay tiếp tục hành trình về TP.HCM.

Với sự cố hạ cánh nhầm tại Cam Ranh, ông Thắng cho hay, khi máy bay cất cánh, phát hiện cảnh báo hệ thống dầu thuỷ lực giảm, tổ bay xin quay lại để kiểm tra. 

“Sự cố này là do nhận định của tổ lái về sự cố không chính xác nhưng trong quá trình hạ cánh, tổ bay cũng không tham vấn mặt đất để cùng đánh giá tình huống”, Cục trưởng Cục HKVN nhấn mạnh.

Về sự cố xảy ra với chuyến bay VJ513 dự kiến khởi hành từ Hà Nội đi Đà Nẵng hôm qua (26/12), tổ lái quyết định tạm dừng chuyến bay để kiểm tra khi máy bay bắt đầu chạy đà, màn hình xuất hiện cảnh cảnh báo kĩ thuật liên quan đến càng là hoàn toàn đúng đắn để đảm bảo an toàn cho hành khách.

Cục HKVN lập 7 đoàn công tác thực hiện kiểm tra
giám sát đặc biệt đối với hãng hàng không Vietjet

Cũng tại cuộc họp, ông Đinh Việt Thắng cho biết, tính đến 25/12, Vietjet có 63 tàu bay, tăng 11 chiếc (tương đương với 21%) so với 2017; 666 người lái (bao gồm 338 lái trưởng, 299 lái phụ và 29 phi công học viên đang học) tăng 45,7% so với cùng kỳ 2017; 750 nhân viên kỹ thuật (trong đó có 191 nhân viên kỹ thuật cao), tăng 40,7%. Năm 2018, Vietjet thực hiện 194.968 giờ bay, tăng 34%. Tổng số chuyến bay đạt 120.768 chuyến, tăng 32%. Sản lượng hành khách đạt hơn 19,2 triệu hành khách.

“Mặc dù các chỉ số của Vietjet cho thấy tốc độ tăng trưởng rất cao nhưng công tác chuẩn bị nguồn lực phục vụ đều được Cục Hàng không VN kiểm soát chặt chẽ, từ tổ bay, tiếp viên, nhân viên kỹ thuật… đều đảm bảo cơ cấu, chất lượng, số lượng theo yêu cầu”, ông Đinh Việt Thắng khẳng định

Để đảm bảo an toàn hàng không nói chung cũng như đối với Hãng hàng không Vietjet nói riêng, Cục trưởng Cục Cục HKVN Đinh Việt Thắng cho biết, tạm thời Cục HKVN chưa cấp phép khai thác tăng chuyến đối với hãng hàng không Vietjet Air để rà soát lại. Cục áp dụng quy chế giám sát đặc biệt đối với hãng hàng không VietJet Air. Theo đó, Cục HKVN lập 7 đoàn công tác thực hiện kiểm tra giám sát đặc biệt đối với hãng hàng không Vietjet từ 28/12/2018 đến ngày 15/01/2019. Các đoàn công tác sẽ thực hiện kiểm tra này sẽ tập trung kiểm tra tàu bay tại sân, kiểm tra trên chuyến bay; Kiểm tra công tác chuẩn bị chuyến bay, lập kế hoạch bay, công tác phục vụ mặt đất, công tác đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ khai thác bảo dưỡng tàu bay; Kiểm tra công tác đảm bảo vật tư, khí tài; việc tổ chức và thực hiện bảo dưỡng ngoại trường; Kiểm tra công tác huấn luyện Người lái tàu bay và kiểm tra an toàn khai thác trên chuyến bay.

Trong thời gian ngắn (Quý IV năm 2018), Công ty cổ phần hàng không Vietjet đã có 7 sự cố khai thác tàu bay, trong đó có 5 sự cố do hỏng hóc kỹ thuật tàu bay và 2 sự cố do yếu tố chủ quan của nhân viên hàng không.

Đặc biệt, trong tháng 12/2018 xảy ra 2 sự cố nghiêm trọng đối với các chuyến bay của Vietjet Air, bao gồm: chuyến bay VJ356 ngày 29/11/2018 trong quá trình tiếp đất hạ cánh xuống Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, hai bánh càng mũi bị rơi ra khỏi tàu bay và chuyến bay VJ689 ngày 25/12/2018 đã hạ cánh xuống đường cất hạ cánh chưa đưa vào khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh sau khi phải quay lại hạ cánh do gặp hỏng hóc kỹ thuật.

“Nếu sau ngày 15/1, nếu Vietjet đáp ứng được toàn bộ yêu cầu, đảm bảo tuyệt đối công tác an toàn, việc kiểm tra sẽ được dỡ bỏ. Trường hợp ngược lại, Cục Hàng không VN sẽ sẽ chuyển sang giám sát đặc biệt giai đoạn 2”, ông Thắng nhấn mạnh. 

Ông Đinh Việt Thắng cũng cho biết thêm, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã giao Phòng Vận tải hàng không nghiên cứu phương án vận chuyển hành khách dự phòng trong trường hợp Vietjet không được tăng chuyến trong dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam sau khi tạm đình chỉ vị trí phụ trách khai thác của Vietjet đã tạm thời chấp thuận ông Mark Phillips thực hiện công tác phụ trách khai thác cho tới khi có kết luận chính thức của Cục Hàng không Việt Nam đối với sự cố ngày 25/12/2018.

Cũng tại buổi làm việc sáng nay, đại diện Vietjet đã báo cáo các nội dung liên quan tới việc xử lý sau sự cố hàng không vừa xảy ta gần đây. Hãng hàng không này cũng khẳng định, Hãng có sự hỗ trợ trực tiếp của nhà sản xuất máy bay Airbus và động cơ Cfm để xây dựng và quản lý hệ thống an toàn- chất lượng. Bên cạnh đó là sự giám sát, thẩm định của các tổ chức giám định quốc tế của các tập đoàn bảo hiểm cũng như phê chuẩn của Cục HKVN

Dứt khoát không để xảy ra tai nạn hàng không

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, trong thời gian qua, Bộ GTVT nói chung, Cục HKVN đã chỉ đạo các hãng hàng không tập trung cao độ vào nhiệm vụ đảm bảo an toàn, an ninh hàng không, đặc biệt là trong các dịp nghỉ lễ và Tết Nguyên đán sắp tới theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Trên cở sở đó, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan đơn vị liên quan phải làm việc với các hãng hàng không về vấn đề liên quan đến tàu bay.

“Sắp tới Tết dương lịch, Tết Nguyên đán, cường độ làm việc rất cao. Do vậy, các đơn vị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ tham gia hoạt động bay cần sắp xếp, bố trí các tổ bay làm việc theo đúng quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi của người lái tàu bay, không để xảy ra trường hợp vi phạm quá giờ làm việc”, Bộ trưởng chỉ đạo rõ đồng thời nhấn mạnh đến việc phải đặt an toàn hàng không làm hàng đầu và dứt khoát không để xảy ra tai nạn hàng không.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Cục HKVN thực hiện tổng kiểm tra lực lượng phi công; khẩn trương hoàn thành kết luận điều tra nguyên nhân xảy ra các sự cố nghiêm trọng uy hiếp an toàn bay trong thời gian qua và công bố rộng rãi; nghiên cứu việc cấp slot cho các chuyến bay nhằm đảm bảo thời gian dãn cách của các chuyến bay, tăng chuyến bay vào khung giờ thấp điểm; giảm chuyến bay vào khung giờ cao điểm; Cục HKVN áp dụng quy chế giám sát đặc biệt đối với hãng hàng không VietJet Air, đặc biệt là ở các cảng hàng không, sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh.

“Tạm thời chưa cấp phép khai thác tăng chuyến đối với hãng hàng không Vietjet Air cho đến khi có kết quả điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố chuyến bay VJ689 ngày 25/12/2018; trường hợp đặc biệt có văn bản báo cáo Bộ GTVT xem xét, giải quyết”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.

Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BGTVT ngày 26/12/2018 về việc đảm bảo an ninh, an toàn khai thác hàng không.

Theo đó, Bộ trưởng chỉ đạo Cục HKVN yêu cầu các hãng hàng không nói chung, đặc biệt là Vietjet Air nói riêng nghiêm túc thực hiện các quy định, quy trình về an toàn khai thác tàu bay; lập kế hoạch bảo dưỡng và nguồn nhân lực bảo dưỡng phù hợp với yêu cầu khai thác; rút kinh nghiệm sâu sắc nguyên nhân gây ra các sự cố, khẩn trương đề ra các biện pháp khắc phục một cách tổng thể, toàn diện và cơ bản nhằm đảm bảo mục tiêu an toàn chuyến bay là trên hết, không vì mục đích lợi nhuận làm ảnh hưởng đến an toàn, an ninh và chất lượng phục vụ chuyến bay; Xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân liên quan dẫn đến sự cố nghiêm trọng; điều chỉnh người chịu trách nhiệm khai thác tàu bay của hãng; Rà soát toàn bộ các quy trình về khai thác, bảo dưỡng tàu bay, công tác tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện người lái tàu bay, kịp thời phát hiện những bất cập để thực hiện khắc phục, chấn chỉnh, hoàn thiện nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác tàu bay; Sắp xếp, bố trí các tổ bay làm việc theo đúng quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi của người lái tàu bay, không để xảy ra trường hợp vi phạm quá giờ làm việc.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu Vietjet Air bố trí hợp lý nguồn lực (tàu bay, người lái tàu bay, nhân viên bảo dưỡng tàu bay, vật tư dự phòng, dụng cụ trang thiết bị…) tại các cảng hàng không sân bay đảm bảo năng lực phát hiện sớm, khắc phục kịp thời hỏng hóc, sự cố tàu bay, giảm tối đa thời gian tàu bay dừng khai thác do hỏng hóc kỹ thuật cũng như giảm tối đa việc chậm, hủy chuyến trong hoạt động khai thác tàu bay nói chung và đặc biệt trong giai đoạn phục vụ vận chuyển cao điểm dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2019.

Được biết, ngay sau khi xảy ra các sự cố máy bay gần đây, Bộ GTVT đã có Văn bản hỏa tốc số 14580/BGTVT-ATGT ngày 25/12/2018 yêu cầu Cục Hàng không VN, Công ty CP Hàng không Vietjet, Tổng công ty Cảng hàng không VN khẩn trương điều tra, khắc phục sự cố chuyến bay VJ689 của Hãng hàng không Vietjet hạ xuống đường cất hạ cánh (CHC) chưa đưa vào khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.

Đặc biệt, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra bảo đảm an toàn hàng không. Theo đó, thời gian vừa qua đã xảy ra một số sự cố trong quá tình khai thác của các hãng hàng không Việt Nam, có nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trực tiếp chỉ đạo kiểm tra toàn bộ quy trình, quy định trong lĩnh vực hàng không, cơ sở hạ tầng cảng hàng không, sân bay (đặc biệt là khu bay và hệ thống quản lý hoạt động bay); tuyệt đối không để xảy ra tai nạn làm ảnh hưởng đến tính mạng người dân; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ. 

K.Anh

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:107706
Lượt truy cập: 176.165.285