Một tàu thế hệ 7000 vận hành tại Metro Washington
Nhà thầu Trung Quốc giành 4/5 hợp đồng tàu điện của Mỹ
Tờ Business Time của Mỹ cho hay, CRRC - nhà sản xuất tàu đường sắt thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đang thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng trong việc cung cấp tàu thế hệ mới (series 8000) ở Washington.
CRRC đã tham gia một chuyến thăm dành cho các công ty muốn đấu thầu dự án tàu điện thế hệ mới thuộc Hệ thống tàu điện ngầm (Metro) ở thủ đô Washington. Dự án này được dự trù với mức ngân sách trên 1 tỷ USD.
Chuyến thăm này cùng với các động thái thúc đẩy táo bạo của CRRC được cho là có mục đích “nhận được cái gật đầu” về các hợp đồng cung cấp, lắp đặt thiết bị đường sắt khác ở thị trường Mỹ, bao gồm cả ở TP New York, đã cho thấy tập đoàn Trung Quốc đang muốn tham gia dự án xây đường tàu điện ngầm ở Washington.
Từ năm 2014, CRRC đã giành được 4/5 hợp đồng lớn ở Mỹ cho các dự án đường sắt mới, bao gồm các hệ thống đường ray trung chuyển ở Chicago, Boston và Los Angeles. Giới phân tích cho rằng, tập đoàn Trung Quốc có thể vượt qua các đối thủ cạnh tranh và giành được các dự án này nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền Bắc Kinh.
Ngoài Metro, CRRC đang thực hiện một phần hợp đồng trị giá hơn 4 tỷ USD về tàu điện ngầm mới với Cơ quan Giao thông vận tải đô thị New York (MTA). Báo cáo trên O’Dwyer’s (ấn phẩm chuyên về lĩnh vực quan hệ công chúng của Mỹ) cho biết, chi nhánh tại Mỹ của CRRC đang dành ra 25.000 USD/tháng chi phí cho các hoạt động thúc đẩy để ký được hợp đồng cung cấp một phần trong số hơn 1.000 xe điện chạy trên đường ray mà MTA đang cần.
Cơ quan Giao thông vận tải Đông Nam Pennsylvania (Septa) cũng đã trao cho CRRC hợp đồng trị giá 137 triệu USD năm 2017 để CRRC cung cấp 45 toa tàu đường sắt trong khu vực. Septa cho biết, CRRC đã đánh bại 2 nhà thầu lớn khác dựa trên yếu tố: Xếp hạng kỹ thuật và giá cả. Giá thầu thấp nhất tiếp theo là từ Bombardier của Canada (gần 172 triệu USD) và Hyundai Rotem của Hàn Quốc (185 triệu USD).
Lo ngại tới an ninh quốc gia
Tuy nhiên, một vài thành viên trong Hội đồng quản trị Metro cũng như các chuyên gia Mỹ quan ngại rằng, Bắc Kinh có thể sử dụng các phương tiện đó để thực hiện hoạt động do thám điện tử với Mỹ.
Những lo ngại này đang gia tăng do căng thẳng chính trị giữa Bắc Kinh và phương Tây và các cáo buộc cho rằng trước đây Trung Quốc đã sử dụng công nghệ kết nối khi tiến hành xây dựng các công trình trụ sở hạ tầng nhằm “thực hiện các mục đích xấu”.
Quốc hội Mỹ được cho là sẽ không ngồi yên vì những lo ngại về an ninh và xung đột kinh tế đối với một thương vụ như vậy. Nhất là khi có mối lo ngại về tiền lệ kinh tế nếu CRRC - một nhà sản xuất nước ngoài được chính phủ trợ cấp, thâm nhập vào thị trường Mỹ.
Chỉ cách đây hơn 2 tháng, Mỹ và 4 nước đồng minh cáo buộc Trung Quốc thực hiện chiến dịch tấn công mạng kéo dài 12 năm vào 12 quốc gia. Bộ Tư pháp Mỹ truy tố 2 tin tặc Trung Quốc với cáo buộc có liên kết Bộ Công an Trung Quốc.
Ông Steve McMillin, thành viên Hội đồng quản trị Metro nói rằng các quan ngại về vấn đề an ninh rất đáng để xem xét và thảo luận. Phía Metro đã cập nhật các yêu cầu dự thầu, trong đó kéo dài hạn chót dự thầu sang tháng 4/2019 so với tháng 1/2019 như kế hoạch ban đầu.
Ngoài ra, Metro đưa ra yêu cầu liên quan tới hợp đồng mua sắm thiết bị đường sắt thế hệ mới, trong đó nhà sản xuất phải công khai nơi chế tạo các phụ tùng và đảm bảo mọi kết nối liên quan tới phần mềm phải bị vô hiệu hóa. Ngoài ra, yêu cầu an ninh cũng được siết chặt hơn khi không cho phép nhà thầu đấu nối, khai thác thông tin không cần thiết trong việc việc vận hành hệ thống đường sắt.
Tuy nhiên, một số thành viên Quốc hội Mỹ vẫn tỏ ra lo ngại rằng bất cứ biện pháp phòng ngừa nào cũng không thể đảm bảo an toàn và muốn bất cứ thỏa thuận nào của Metro cũng phải được thông qua trước bởi Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Nội địa và Bộ Giao thông Mỹ.
Thế nhưng, tình hình phức tạp hơn khi chính Mỹ lại là nước đang không có nhà sản xuất thiết bị trung chuyển đường sắt. Còn các nhà sản xuất tàu điện ngầm khác quan tâm tới dự án của Metro như Hyundai Rotem và Alstom (có trụ sở tại Pháp), thì đều bị CRRC đã đánh bại trong các hợp đồng thầu lớn trước đây.
Trong khi đó, tập đoàn Kawasaki Rail Car của Nhật Bản, nhà cung cấp tàu đường sắt thế hệ 7000 cho Metro Washington, đã không tham gia các chuyến khảo sát đấu thầu lần này của Metro. Điều này có thể là do công ty này đang dồn nguồn lực hoàn thiện hợp đồng xây dựng tàu điện ngầm mới tại New York.
Theo báo cáo của tờ Global Times, CRRC ban đầu được cho là đang đứng trước cơ hội bảo đảm hợp đồng nêu trên tại New York với MTA, nhưng cuối cùng tập đoàn Trung Quốc lại thua khi đấu thầu cùng Kawasaki Rail Car. Các chuyên gia về đường sắt Trung Quốc nói rằng, quyết định này phản ánh những cân nhắc bị tình hình chính trị tác động.