Ảnh minh họa
Chỉ thị nêu rõ: Theo thông báo của của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liên tục ghi nhận các trường hợp mắc các chủng cúm A(H5) như cúm A(H5N1), cúm A(H5N6), cúm A(H7N9). Theo thông báo của Tổ chức Thú y quốc tế (OLE) tại một số nước lân cận như Trung Quốc, Campuchia đã xảy ra một số ổ dịch cúm A(H7N9) và cúm A(H5N1) tại một số địa phương có chung đường biên giới với Việt Nam khiến nguy cơ sản phẩm gia cầm nhập lậu vào nước ta và có thể lây truyền sang người rất cao.
Thực hiện Quyết định số 172/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13 tháng 2 năm 2019 về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019-2025”, nhằm bảo vệ sức khỏe cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Giao thông vận tải và cộng đồng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị trực thuộc tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cấp bách sau:
1) Nghiêm cấm các phương tiện vận tải vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm các chủ phương tiện vi phạm.
2) Lực lượng Thanh tra giao thông và các đơn vị liên quan phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, thú y, công an đấu tranh, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc tại các ga tầu, bến xe, đầu mối giao thông.
3) Cục Hàng không Việt Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cần chủ động, phối hợp. chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan triển khai tốt việc giám sát hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu sân bay nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do cúm gia cầm ở người do nhiễm các chủng vi rút cúm nguy hiểm (H5 và H7) để có phương án và biện pháp cách ly y tế kịp thời, tránh lây lan dịch bệnh.
4) Cục Y tế Giao thông vận tải
- Tham mưu cho Bộ trong việc chỉ đạo các đơn vị y tế trong ngành triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm ở người do nhiễm các chủng vi rút cúm nguy hiểm (H5 và H7).
- Thường xuyên cập nhật, tổng hợp tình hình dịch trong nước và quốc tế, báo cáo Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc các Bộ, ngành triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm ở người do nhiễm các chủng vi rút cúm nguy hiểm (H5 và H7).
- Đầu mối thành lập các đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các đơn vị.
5) Các bệnh viện, phòng khám đa khoa giao thông vận tải:
- Thực hiện nghiêm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm chéo và thực hiện các biện pháp phòng hộ cho cán bộ y tế.
- Phối hợp với các bệnh viện tuyến trên; thực hiện nghiêm việc phân luồng, phân tuyến điều trị bệnh nhân.
- Xây dựng kế hoạch tổ chức thu dung, cấp cứu và điều trị dịch bệnh, duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch.
- Chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân
- Thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện, xử lý các vật dụng bị ô nhiễm, đồ thải bỏ và chất thải của bệnh nhân theo quy định.
- Chủ động thông báo cho các đơn vị y tế dự phòng trong công tác thông tin, báo cáo ca bệnh truyền nhiễm đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định.
6) Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung nêu trên. Các tổ chức đoàn thể, cơ quan báo chí tích cực, chủ động, tham gia cùng chính quyền, tổ chức y tế ngành thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.
Mọi thông tin về diễn biến dịch bệnh báo cáo về Bộ Giao thông vận tải qua Cục Y tế Giao thông vận tải theo số điện thoại đường dây nóng: 0243.8453251; 024.37340662./.