Cảnh sát đo nồng độ cồn trong hơi thở của một tài xế
Nếu các tài xế cố tình bỏ qua các quy định để lái xe sau khi uống rượu, thì họ sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra rủi ro cho chính họ và những người tham gia giao thông khác.
Tại các nước thuộc Liên minh châu Âu, bị kết tội vượt quá giới hạn nồng độ cồn cho phép khi lái xe có thể dẫn đến hình phạt ảnh hưởng cả cuộc đời của tài xế.
Đây được xác định là một tội hình sự và hình phạt sẽ được quyết định bởi các thẩm phán xét xử vụ án tại tòa.
Ở Anh và xứ Wales, giới hạn nồng độ cồn đối với người lái xe là 80 mg/100 ml máu, 35 microgam/100 ml hơi thở hoặc 107 mg/100 ml nước tiểu. Ở hầu hết các nước châu Âu khác, giới hạn nồng độ cồn này được quy định thấp hơn, thường là 50 mg/100 ml máu.
Không nên lái xe sau khi đã sử dụng rượu/bia (Hình minh họa)
Theo trang drinkaware.co.uk, nếu một người bị kết tội lái xe khi uống rượu, họ có thể bị phạt cấm lái xe hoặc thậm chí bị phạt tù. Những hình phạt này phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, bao gồm:
Nếu chịu trách nhiệm về một chiếc xe vượt quá giới hạn pháp lý hoặc được điều khiển trong tình trạng không làm chủ được tay lái do uống rượu/bia, chủ xe có thể bị phạt 3 tháng tù giam và phạt tiền lên tới 2.500 bảng Anh (tương đương khoảng 3.200 USD) hoặc có thể bị cấm lái xe (tùy vào mức độ vi phạm).
Nếu lái xe hoặc cố gắng lái xe trong khi vượt quá giới hạn pháp lý hoặc vượt quá quy định tiêu chuẩn về nồng độ cồn, tài xế có thể bị phạt tù 6 tháng, phạt tiền không giới hạn hoặc cấm lái xe trong ít nhất 1 năm. Tài xế cũng có thể bị phạt tù 3 năm nếu bị kết án 2 lần trong vòng 10 năm.
Trong trường hợp từ chối hợp tác với cảnh sát để đo nồng độ cồn trong hơi thở, máu hoặc nước tiểu, tài xế có thể bị phạt tù 6 tháng, phạt tiền không giới hạn hoặc cấm lái xe trong ít nhất 1 năm.
Trong trường hợp gây tử vong do lái xe sau khi uống rượu/bia, tài xế có thể bị phạt tù 14 năm, phạt tiền không giới hạn, cấm lái xe ít nhất 2 năm hoặc phải vượt qua bài kiểm tra lái xe trước khi được trả lại giấy phép lái xe.
Một thanh niên vừa lái xe vừa uống đồ uống có cồn (Ảnh minh họa)
Cấm lái xe sau khi uống dù một lượng nhỏ bia, rượu
“Tài xế có nguy cơ gây rủi ro cao” sẽ cần phải vượt qua kiểm tra sức khỏe để lấy lại giấy phép sau khi bị cấm lái xe sau khi uống bất kỳ một lượng dù nhỏ bia/rượu.
Các tài xế sẽ bị vào danh sách tội phạm có nguy cơ rủi ro cao nếu: Bị kết án 2 tội lái xe sau khi uống rượu trong vòng 10 năm. Lái xe với nồng độ cồn vượt ngưỡng 87,5 microgam/100 ml hơi thở, 200 ml/100 ml máu, hoặc 267,5 mg/100 ml nước tiểu. Từ chối hợp tác với cảnh sát để đo nồng độ cồn trong hơi thở, máu hoặc nước tiểu. Từ chối cho phép xét nghiệm mẫu máu để kiểm tra nồng độ cồn trong trường hợp mẫu này được lấy khi lái xe bất tỉnh.
Lái xe sau khi sử dụng rượu/bia
Dính tiền án lái xe khi uống rượu sẽ gánh hậu quả lâu dài
Cũng theo drinkaware.co.uk, nếu bị kết án lái xe trong tình trạng bị ảnh hưởng bởi rượu/bia, ngoài việc bị phạt tù, phạt tiền hoặc bị cấm lái xe, tài xế còn có thể bị ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày.
Cụ thể là tài xế có thể bị mất việc, đặc biệt khi người này lái xe đi làm hàng ngày, vì người tuyển dụng lao động sẽ thấy các tội danh này trên giấy phép lái xe của nhân viên. Người này cũng có thể khó tìm việc làm trong tương lai.
Cách duy nhất để khắc phục trong tình huống này, người này sẽ không được lái xe đi làm và phải sử dụng phương tiện di chuyển công cộng…
Còn trong trường hợp tài xế này vẫn được phép lái xe một cách hợp pháp, chi phí bảo hiểm xe hơi sẽ tăng đáng kể sau khi bị kết án lái xe sau khi uống rượu/bia.
Theo thống kê của Institute of Advanced Motorists (Viện nghiên cứu tài xế ô tô), những tài xế bị kết án sẽ phải tốn một khoản 20 - 50 nghìn bảng Anh (26 - 65 nghìn USD) bao gồm án phạt, phí luật sư, phí tăng bảo hiểm xe hơi và mất việc.
Và như với bất kỳ hồ sơ tội phạm nào, tài xế bị kết án lái xe sau khi uống rượu/bia sẽ khó có thể tới các quốc gia khác, như Mỹ. Điều này có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch trong cuộc sống tài xế này như các kỳ nghỉ, kế hoạch làm việc, công tác hoặc học tập ở nước ngoài.