Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Ngân Sơn luôn xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, tạo nền tảng cho sự phát triển của địa phương. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phong trào làm đường giao thông nông thôn của huyện đã góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển và làm thay đổi diện mạo các xã trên địa bàn.

Nhờ tích cực vận động tuyên truyền, bà con thôn Lũng Sao,
xã Bằng Vân đã tích cực kiên cố hóa đường vào thôn
Tại xã Vân Tùng (xã vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới), những năm qua, phong trào làm đường giao thông nông thôn được đẩy mạnh. Theo Chủ tịch UBND xã Nông Văn Vụ, sau 8 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, xã đã lồng ghép các chương trình, dự án, kết hợp nguồn lực huy động, đầu tư làm kinh phí đường giao thông nông thôn khoảng 5,4 tỷ đồng.
Nhờ vậy, đến nay trong tổng số 33,44km đường giao thông nông thôn của xã đã có 4/10km đường giao thông liên xã, đường trục xã được bê tông hóa, tuyến đường liên xã Vân Tùng - Cốc Đán đã có quy hoạch và lộ trình đầu tư cụ thể; 61,45% đường trục thôn, liên thôn bê tông hóa đạt chuẩn; các tuyến đường ngõ xóm luôn được bà con tu sửa, quét dọn sạch sẽ và không lầy lội vào mùa mưa, trong đó đã bê tông hóa được 2,14km, đạt 48,72% đường ngõ xóm. Đến nay cơ bản 9/13 thôn, khu trên địa bàn xã Vân Tùng đường giao thông nông thôn đã được đổ bê tông, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Không chỉ có đường giao thông nông thôn, các công trình hạ tầng thiết yếu của xã như điện, trường, trạm, chợ... cũng được đầu tư xây dựng theo hướng đạt chuẩn.
Còn tại xã Bằng Vân, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đang dồn sức, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới trong năm 2020. Trong đó, một trong những tiêu chí quan trọng là tiêu chí giao thông cũng đang được xã tích cực triển khai thực hiện. Theo báo cáo của xã, hiện tổng số chiều dài đường liên xã 2km đã bê tông hóa; 18,7km đường trục thôn, liên thôn, trong đó cứng hóa được 8,1km, chiếm 43,67%; đường ngõ xóm 1,05km đảm bảo chiều rộng mặt đường tối thiểu 1,5m, trong đó 0,35km đường sạch, không lầy lội vào mùa mưa; 0,35km được bê tông hóa.
Hiện trên địa bàn huyện Ngân Sơn có 93 tuyến đường xã, với chiều dài 215,5km, trong đó đã bê tông hóa được hơn 50km, láng nhựa hơn 14km, rải cấp phối đá dăm hơn 13km, trải bê tông nhựa hơn 4km, còn lại là đường đất; 262 tuyến đường xóm, trục nội đồng, trong đó nhiều tuyến đã được bê tông hoá, cấp phối đá dăm 125km, còn lại đường đất. Theo đồng chí Dương Thanh Sơn- Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ngân Sơn: Từ nguồn vốn của Nhà nước, các tổ chức khác và sự vào cuộc tích cực của người dân, đến nay mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Ngân Sơn đã có những bước tiến đáng kể. Nếu như khoảng 10 năm trước, đường vào trung tâm các xã phần lớn là đường đất, cấp phối thì đến nay cơ bản đã được nâng cấp nhựa hóa, bê tông. Hệ thống cầu cống trên các tuyến đường huyện đã được xây dựng khá kiên cố. Đặc biệt, nhiều thôn bản vùng cao trước đây chỉ có thể đi bộ đến, thì nay cơ bản đã có đường ô tô hoặc xe máy đến trung tâm.
Để đạt kết quả trên, trong những năm qua nhân dân địa phương đã đóng góp hàng tỷ đồng tiền mặt, hàng trăm nghìn ngày công lao động cũng như sẵn sàng hiến đất đai, cây cối hoa màu, nguyên vật liệu để tham gia làm đường giao thông nông thôn. Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển giao thông nông thôn đang bộc lộ những hạn chế như: Tỷ lệ đường đất còn cao; một số tuyến đường vào trung tâm các xã xây dựng lâu năm nay đã xuống cấp; các thôn vùng cao, vùng sâu tỷ lệ đường được bê tông hóa còn thấp nên vào mùa mưa còn lầy lội, trơn trượt, gây khó khăn cho người dân giao thương đi lại… Đây là những vấn đề cần được huyện Ngân Sơn quan tâm giải quyết trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh hoàn thiện mạng lưới đường giao thông nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.