Nhật Bản dự kiến triển khai các trạm gốc 5G trên đèn giao thông

Thứ sáu, 07/06/2019 08:37

Chính phủ Nhật Bản đang xem xét việc cho phép 4 công ty viễn thông lớn của Nhật Bản là NTT Docomo, KDDI, Softbank và Rakuten lắp đặt trạm gốc 5G trên đèn giao thông.

Ý tưởng này được đưa ra trong dự thảo kế hoạch chiến lược CNTT của chính phủ Nhật Bản như một lộ trình để đẩy nhanh việc triển khai và giảm chi phí triển khai 5G bằng cách tận dụng mật độ đèn giao thông dày đặc của quốc gia này. Dự kiến, đề xuất ​​sẽ được nội các xem xét vào giữa tháng 6 tới.

Dự thảo Kế hoạch này cho biết có khoảng 200.000 đèn tín hiệu giao thông được các chính quyền địa phương kiểm soát. Chính quyền địa phương có thể sử dụng các mạng này cho các dự án xe tự lái và liên lạc khẩn cấp trong các trường hợp xảy ra thảm họa tự nhiên

Theo đó, các thử nghiệm về thiết bị 5G trên các đèn tín hiệu giao thông sẽ được bắt đầu tại nhiều thành phố Nhật Bản vào năm 2020 và kéo dài đến tháng 3/2021, với mục tiêu hoàn thành việc triển khai rộng khắp trên toàn quốc vào cuối năm 2023.

Các cơ quan chính phủ Nhật Bản có liên quan - bao gồm Bộ Nội vụ và Truyền thông, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải và các chính quyền địa phương - sẽ thiết lập một hội đồng để điều phối sáng kiến này.

Để phủ sóng 5G trên toàn quốc dự kiến sẽ cần vài trăm nghìn trạm gốc, các nhà mạng sẽ tiếp tục sử dụng các trạm 4G hiện có, nhưng do phạm vi tín hiệu 5G ngắn hơn so với tín hiệu 4G nên cần đầu tư số lượng trạm gốc lớn hơn, đòi hỏi các công ty viễn thông phải tìm nhiều vị trí lắp đặt trạm gốc mới.

Bốn công ty viễn thông, bao gồm KDDI, SoftBank Corp và nhà mạng mới Rakuten, dự định đầu tư tổng cộng khoảng 1,6 nghìn tỷ yên (14,8 tỷ USD) trong vòng 5 năm đến năm 2024 để triển khai các trạm gốc 5G.

Thông thường, các nhà mạng thường lắp đặt các trạm thu phát sóng trên các nóc nhà tại những khu vực thiếu đất trống. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết không gian trống đều đã được sử dụng. Việc đàm phán với chủ nhà để lắp đặt trạm thu phát sóng cũng rất mất thời gian và công sức.

Vì thế, chính phủ Nhật Bản xem đề xuất việc tích hợp hạ tầng viễn thông vào hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị, cụ thể là đèn tín hiệu giao thông là một giải pháp giúp đẩy nhanh tốc độ việc triển khai mạng 5G. Nhật Bản có mật độ đèn giao thông cao hơn các quốc gia khác trên thế giới nên việc này còn góp phần tiết kiệm đáng kể chi phí.

NTT Docomo đã đầu tư khoảng 2,4 nghìn tỷ yên vào các trạm gốc 4G trong giai đoạn từ năm 2010 - 2018 và có 208.500 trạm vào cuối giai đoạn, với chi phí cho mỗi trạm là hơn 10 triệu yên.

Để nhanh chóng phủ sóng toàn quốc, chi phí trung bình cho các trạm 5G cần thấp hơn. Các trạm gốc hiện tại có thể tương thích với các dịch vụ mới chỉ bằng cách nâng cấp phần mềm và việc lắp đặt các trạm 5G trên đèn giao thông sẽ cắt giảm chi phí cần thiết để xây dựng các trạm mới.

Mặt khác, các cảm biến được lắp đặt trên đèn giao thông sẽ tạo ra "mạng hình lưới tin cậy" - các mạng cục bộ này có thể truyền thông tin ngay cả trong trường cập khẩn cấp khi bị ngắt kết nối với mạng Internet. Hội đồng thành phố sẽ có thể sử dụng các đèn giao thông được trang bị trạm gốc để phát triển các dịch vụ cho người dân. Ví dụ, trong trường hợp khẩn cấp, mọi người có thể quét thẻ nhận dạng cá nhân của mình tại các đèn tín hiệu để xác nhận sự an toàn và các thông tin đó sẽ được sử dụng để liên lạc với gia đình của họ.

Nguồn: Tạp chí CNTT

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:195916
Lượt truy cập: 176.183.402