Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải và UBND các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức tuyên truyền về chủ trương giải tỏa hành lang, lập lại trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; tổ chức các đợt ra quân xử lý, giải tỏa các vi phạm hành lang an toàn giao thông trên các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện. Đồng thời, tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không vi phạm hành lang an toàn giao thông; lập biên bản vi phạm hành chính, tháo dỡ, thu giữ nhiều biển quảng cáo, mái che, lều quán tạm.
Từ năm 2015 đến năm 2018, các lực lượng chức năng của tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 100 trường hợp với tổng số tiền trên 750 triệu đồng.
Tuy nhiên, do khó khăn về nhân lực, trang thiết bị hỗ trợ còn thiếu và lạc hậu, đặc biệt là không có kinh phí hỗ trợ các lực lượng địa phương thực hiện công tác duy trì, bảo vệ hàng lang đường bộ, tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt sau khi giải tỏa vẫn tiếp diễn ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.
Từ năm 2016 đến tháng 6/2019, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý hơn 1.925 trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ.
Số vụ vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ chủ yếu xảy ra trên các tuyến quốc lộ và đường tỉnh, đường đô thị thuộc địa bàn thành phố Vĩnh Yên, trong đó chủ yếu là các vi phạm: Xây dựng lều quán tạm, để vật liệu, bày bán hàng hóa trên lòng, lề đường…Tuy số vụ đã giảm dần qua từng năm nhưng thực tế công tác quản lý hành lang cho thấy vẫn còn nhiều bất cập, nhiều trường hợp vi phạm kéo dài từ năm này qua năm khác chưa được giải quyết dứt điểm, điển hình là các vi phạm về đấu nối trái phép, xây dựng công trình trái phép, lấn chiếm, tái lấn chiếm.
Đối với đường sắt, theo số liệu của cơ quan quản lý tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai qua địa bàn tỉnh, Công ty Cổ phần đường sắt Vĩnh Phú đã phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 33 vị trí (đoạn tuyến đường sắt) vi phạm hành lang an toàn đường sắt đối với các cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm hành lang an toàn đường sắt còn nhiều khó khăn, bất cập do phần lớn đất dành cho đường sắt chưa có điều kiện xây dựng hàng rào bảo vệ và hồ sơ quản lý chưa đồng bộ với cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của địa phương. Vì vậy đến nay, nhiều trường hợp vi phạm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Để tăng cường quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực thực hiện quyết liệt, triệt để công tác quản lý, bảo vệ và giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, hè phố, trật tự đô thị gây mất mỹ quan đô thị và mất an toàn giao thông. Duy trì thường xuyên, liên tục và đưa công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, vỉa hè, lòng đường, công tác đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông đi vào nề nếp, ổn định.
Giai đoạn 2020-2025, tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến đầu tư trên 132,8 tỷ đồng cho việc quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt, đường bộ trên địa bàn. Trong đó, mục tiêu đến năm 2020, chấm dứt các vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt mới phát sinh; giải quyết ít nhất 20% các tồn tại, vi phạm. Năm 2021, duy trì bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt sau xử lý, giải tỏa; giải quyết ít nhất 20% các tồn tại, vi phạm. Đến năm 2025, duy trì bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt sau xử lý, giải tỏa; giải quyết xong các tồn tại, vi phạm còn lại.