Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Vụ tham mưu, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Ban QLDA Đường sắt, Ban QLDA 85, Tổng công ty ĐSVN và các đơn vị Tư vấn liên quan.
Đại diện đơn vị Tư vấn báo cáo nội dung cuối kỳ các dự án
Đây là 2 dự án trong 14 dự án quan trọng, cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, bao gồm 4 dự án đường sắt và 10 dự án đường bộ.
Theo báo cáo của Tư vấn về Dự án Gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, phạm vi nghiên cứu từ điểm đầu là ga Vinh (Km319+020), điểm cuối là ga Nha Trang (Km1314+930). Dự án đi qua 11 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài chính tuyến khu đoạn nghiên cứu khoảng 996km và 96 ga. Nguồn vốn thực hiện sử dụng nguốn vốn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án đường sắt và các dự án đường bộ quan trọng, cấp bách.
Về Dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn, đại diện đơn vị Tư vấn cho biết, phạm vi nghiên cứu từ điểm đầu tại ga Nha Trang (Km1314+391), điểm cuối tại ga Sài Gòn (Km1726+200). Dự án đi qua 6 tỉnh, thành phố có chiều dài 411km với 36 ga. Thời gian thực hiện từ 2019-2021.
Đơn vị tư vấn cũng phân tích mục tiêu nhằm đảm bảo an toàn giao thông ĐS trong khu vực dự án, cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng ĐS; tạo điều kiện nâng cao năng lực, tốc độ thông qua trên khu đoạn cũng như toàn tuyến, từng bước nâng cao thị phần vận tải bằng ĐS, rút ngắn thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa, hành khách; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường đảm bảo quốc phòng an ninh cho khu vực.
"Hiện đã rà soát và đề xuất các hạng mục công trình đưa vào đầu tư trong giai đoạn hiện nay trên cơ sở xây dựng các tiêu chí và mức độ ưu tiên. Theo đó, quy mô đầu tư dự án được đề xuất trên cơ sở đáp ứng các mục tiêu: Nâng cao an toàn công tình và giao thông ĐS; Nâng cao sức chuyên chở vận tải ĐS; Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải ĐS", đại diện cơ quan tư vấn cho biết.
Bên cạnh đó, Tư vấn đã báo cáo cụ thể các nội dung về dự án như gia cố hầm yếu; cải tạo đường ngang, xây dựng hàng rào và đường gom; nâng cấp nền đường và kiến trúc tầng trên; cải tạo bình diện tuyến; kéo dài đường ga và đặt thêm đường ga mới; mở thêm ga mới; tiến độ thi công xây dựng dự án… cũng như phân tích và kiến nghị các giải pháp thiết kế các hạng mục công trình tuyến, cải tuyến; phương án thiết kế các ga (mở thêm đường, kéo dài đường, mở mới…); phương án thiết kế hàng rào, đường gom và cải dịch đường ngang; giải pháp thiết kế thông tin tín hiệu; tổng mức đầu tư; dự kiến phân kỳ đầu tư; kế hoạch thực hiện dự án.
Sau khi nghe đơn vị Tư vấn thuyết trình, đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị dự họp đã đánh giá, phân tích và góp ý để hoàn chỉnh nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các Dự án, đồng thời thống nhất một số phương án được Tư vấn đề xuất tại cuộc họp.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, hai dự án nằm trong tiến độ cấp bách, Thứ trưởng yêu cầu, các Ban QLDA chỉ đạo đơn vị Tư vấn tập trung cao độ, thực hiện song song tất cả nội dung từ nghiên cứu đến hoàn thiện thủ tục pháp lý. Tiếp tục thúc đẩy lấy ý kiến của các địa phương còn lại đối với hồ sơ thiết kế cơ sở. Tập trung bám sát để sớm hoàn thành công tác phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; phê duyệt khung chính sách, giải phóng mặt bằng, tái định cư của các Dự án.
"Để hoàn thành công tác thẩm định phê duyệt dự án, yêu cầu các đơn vị Tư vấn, Ban QLDA Đường sắt, Ban QLDA 85 tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu dự họp để sớm hoàn thiện Hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo.
V.H