Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Thắng (bên phải) trực tiếp tham gia tuyên truyền tại trạm thu phí.
Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, kế hoạch của Tổng cục Đường bộ là trong vòng một tháng sẽ phân làn hướng dẫn xe nộp phí thủ công không đi vào làn ETC, dành riêng làn này cho xe đã dán thẻ nộp phí tự động. Đồng thời các trạm thu phí phát tờ rơi tuyên truyền, tờ cam kết cho tài xế xe trả phí tiền mặt "lỡ" đi vào làn ETC.
Giai đoạn tiếp theo, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ xử lý những xe không nộp phí tự động đi vào làn ETC theo nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Việc này đã có sự thống nhất của Tổng cục Đường bộ và Cục cảnh sát giao thông.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Thắng cho biết Tổng cục ĐBVN đã yêu cầu các trạm thu phí cắm biển hướng dẫn làn ETC chỉ dành riêng cho xe trả phí tự động cách trạm thu phí 500m và sơn kẻ, chỉ dẫn làn ETC dành riêng cho xe nộp phí tự động. Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng hy vọng các tài xế tuân thủ, không có trường hợp nào bị xử phạt là hay nhất.
Tổng cục Đường bộ kỳ vọng việc phân làn kết hợp tuyên truyền theo kế hoạch của cơ quan này tại các trạm thu phí từ 11 đến 26/11/2019 sẽ tăng lượng xe sử dụng thu phí tự động khi họ luôn được đi qua làn ETC tại trạm thu phí mà không phải dừng chờ những xe trả tiền mặt đi vào làn này.
Hiện nay trạm thu phí đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang đã lắp 6 làn ETC trong số 13 làn thu phí. Xe gắn thẻ nộp phí tự động đi qua rất thuận tiện, không phải dừng xe trả tiền, lấy vé. Nhưng trong sáng 11-11 vẫn có một số xe trả tiền mặt đi vào làn ETC khiến xe nộp phí tự động phải dừng chờ những xe này.
"Trạm BOT cầu Đồng Nai tuyên truyền, phân làn tốt nên số xe nộp phí tự động tại đây từ 10% đã tăng lên 25-30% và hầu như làn này chỉ có xe nộp phí tự động đi vào"- ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết.
Nhà đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang đã hoàn thiện lắp đặt hệ thống biển báo, chỉ dẫn, sơn kẻ vạch hướng dẫn xe dán thẻ đi đúng làn thu phí tự động.
Ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động (VETC) cho biết, đến nay mới có khoảng 812.000/3.000.000 xe đã dán thẻ Etag. Trong số những xe đã dán thẻ, tỷ lệ chủ xe đã nạp tiền vào tài khoản giao thông để sử dụng mới chỉ đạt khoảng 30%, một con số quá thấp so với kỳ vọng. Mặc dù VETC đến nay đã mở nhiều hình thức dán thẻ Etag ở các trung tâm đăng kiểm và 210 điểm dán thẻ trực tiếp trên toàn quốc, mỗi phương tiện dán thẻ chỉ 5 phút, nhưng nhiều phương tiện vẫn "phớt lờ".
Dự án lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng giai đoạn I được thực hiện ở 44 trạm thu phí, đến nay đã triển khai 31 trạm, với 13 trạm còn lại do nhà đầu tư BOT triển khai kết nối với VETC hoặc chưa được đầu tư, trách nhiệm đầu tư thuộc về nhà đầu tư BOT. Theo tiến độ của Chính phủ giao, đến ngày 31/12/2019, tất cả các trạm thu phí sẽ có làn thu phí tự động không dùng song song với làm một dừng, nhưng trước thực tế trên, tiến độ này sẽ khó cán đích.
"VECT đã đầu tư khá nhiều vốn để lắp đặt hệ thống, nhưng doanh thu/trạm hiện chỉ đạt thấp, khoảng 10 - 12%, nên VETC đã đề xuất Bộ GTVT tìm hướng giải quyết rốt ráo, nếu không dự án sẽ phá sản", ông Hồ Trọng Vinh lo lắng.
Vẫn còn xe nộp phí bằng tiền mặt đi vào làn ETC.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng khẳng định: Dự án thu phí tự động vẫn được tiếp tục triển khai theo kế hoạch và cam kết của nhà đầu tư VETC. Các trạm thu phí trên đường cao tốc của VEC vẫn phải thực hiện trước 31/12/2019 và VEC chịu trách nhiệm việc này. Còn các đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội – Hải Phòng đang thực hiện lắp đặt để đưa làn ETC hoạt động trong tháng 12/2019.
K.H