Thứ trưởng Nguyễn Văn Công có bài phát biểu quan trọng về những việc đã đang
và sẽ thực hiện của ngành Hàng hải Việt Nam với mục tiêu phát triển bền vững
Đại hội đồng Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) là cơ quan điều hành cao nhất của IMO họp hai năm một lần với mục tiêu thông qua các chương trình làm việc và ngân sách của IMO cho hai năm tới, tiến hành bầu cử 40 nước thành viên Hội đồng của IMO cũng như thông qua các nội dung quan trọng được đưa lên từ Hội đồng IMO và các Ủy ban của IMO.
Ngành vận tải biển đang đòi hỏi những thay đổi nền tảng để thích ứng với những thách thức to lớn
Tổng thư ký IMO ông Kitack Lim đã có bài phát biểu khai mạc Phiên họp. Tại bài phát biểu của mình, ông Kim nhấn mạnh “Trong khi chúng ta đã và đang thực hiện các nhiệm vụ của IMO để bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả của vận tải biển, chúng ta phải đối mặt với các thách thức to lớn như các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, cần có nỗ lực chung của toàn cầu để đưa thế giới phát triển bền vững, những lợi ích và những rủi ro ngày càng tăng từ cách mạng số hóa và yêu cầu bảo vệ đại dương của chúng ta. Do vậy, ngành vận tải biển đang đòi hỏi những thay đổi nền tảng để thích ứng với những thách thức này".
Tại phiên họp Đại hội đồng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã có bài phát biểu quan trọng để chia sẻ về những việc đã đang và sẽ thực hiện của ngành Hàng hải Việt Nam với mục tiêu phát triển bền vững. Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nhấn mạnh: “Việt Nam đã phê duyệt và tham gia 24 các Công ước và Nghị định thư của IMO một cách có trách nhiệm. Với tư cách là quốc gia có cảng, quốc gia có tàu treo cờ, quốc gia có biển, Việt Nam đã và đang thúc đẩy các hợp tác song phương và đa phương để phát triển mạnh mẽ ngành Hàng hải. Trong năm 2019, Việt Nam cũng đã hoàn thành Chương trình đánh giá bắt buộc việc thực hiện các Công ước của IMO với những đánh giá rất tích cực từ các chuyên gia của IMO”. Thứ trưởng khẳng định: “Việt Nam sẽ tiếp tục là một thành viên IMO có trách nhiệm để đóng góp cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững do IMO đề ra”.
Vụ HTQT