Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh,
bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19
Các đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Lê Đình Thọ, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Nhật và một số đồng chí lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ cùng dự họp tại trụ sở Bộ GTVT.
Các đơn vị như Tổng cục Đường bộ VN, các Cục quản lý chuyên ngành… tham dự họp tại các đầu cầu trực tuyến.
Hiện thực hoá văn bản, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chống dịch
Báo cáo tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết, ngay từ khi dịch bắt đầu có nguy cơ lan rộng, Bộ GTVT đã bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ ngành liên quan với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, coi nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh là một trong các nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách.
Theo Vụ trưởng Trần Bảo Ngọc, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã ban hành hơn 84 văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tập trung giải quyết những khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp trong Ngành GTVT do thiệt hại của dịch Covid-19 gây ra. Trong đó phải kể đến Quyết định 365/QĐ-BGTVT ngày 12/3/2020 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Chỉ thị số 04/CT-BCSĐ ngày 13/3/2020 về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới; Văn bản số 2271/BGTVT-VT ngày 15/3/2020 và Văn bản số 3329/BGTVT-VT ngày 8/4/2020 gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ về những thiệt hại do dịch Covid-19 và kiến nghị những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành GTVT. Đến ngày 30/3/2020 Bộ GTVT lại tiếp tục có Văn bản 2020/BGTVT – VT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logicstics theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Hầu hết các cuộc họp của Bộ GTVT trong giai đoạn giãn cách xã hội
theo chỉ đạo của Thủ tướng được tổ chức họp trực tuyến
Để hiện thực hoá các văn bản quan trọng nêu trên đồng thời thiết thực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực GTVT, Bộ GTVT liên tục có các văn bản gửi các bộ, ngành liên quan để báo cáo Chính phủ trong đó có nội dung hỗ trợ giá cho các hãng hàng hông Việt Nam. Sau đó, Tổng công ty Cảng Hàng không VN (ACV) đã miễn, giảm giá nhiều dịch vụ hàng không cho tất cả các hãng hàng không (bao gồm cả các hãng quốc tế và nội địa) đang sử dụng dịch vụ tại các cảng hàng không của ACV để chia sẻ khó khăn cùng với các hãng hàng không. Cụ thể, có 7 loại dịch vụ được miễn giảm trong thời gian từ 1/3-tháng8/2020 là dịch vụ dẫn tàu bay giảm 50%; dịch vụ thang ống, thuê băng chuyển, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất được giảm 10%; dịch vụ thuê văn phòng đại diện hãng nếu bị dừng bay thì miễn 100%, duy trì bay giảm 30%...
Bên cạnh vận tải hàng không, vận tải đường bộ là ngành bị thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19 kéo dài, Bộ cũng đã có văn bản chỉ đạo các Sở GTVT tạm thời không xử lý các doanh nghiệp vận tải không đảm bảo số chuyến khai thác tuyến trong thời gian có dịch.
Đối với hàng hải, tất cả tàu thuyền Việt Nam hoạt động trên tuyến nội địa (bao gồm cả tàu biển và phương tiện VR-SB), Cục Hàng hải VN cũng đã làm việc với Hiệp hội Hoa tiêu hàng hải VN và các công ty Hoa tiêu giảm giá 10% so với mức giá đang áp dụng hiện nay, thời gian 3 tháng kể từ ngày 1/5/2020. Các dịch vụ lai dắt cầu bến, phao neo, bốc dỡ container và lai dắt tại các các cảng biển Việt Nam đều được giảm giá về mực tối thiểu theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ GTVT được cắt giảm 80/134 thủ tục kiểm tra chuyên ngành (chiếm 59,7%, vượt 19,7% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ).
Cũng trong thờ gian vừa qua, Thanh tra Bộ GTVT cũng đã báo cáo đề xuất và được Bộ trưởng Bộ GTVT đồng ý cho phép tạm dừng các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch cho đến thời điểm phù hợp với thực tiễn công tác phòng chống dịch chung của cả nước.
Đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban phòng chống dịch Quốc gia về giãn cách xã hội, Lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo Trung tâm Công nghệ Thông tin (Bộ GTVT) hỗ trợ các cơ quan ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, làm việc từ xa, giải quyết các khâu có thể ứng dụng được cao nhất nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành và xã hội nhưng cũng phải đảm bảo yêu cầu, tiến độ mọi nhiệm vụ được giao.
Hiện Bộ đang duy trì và cung cấp 245 dịch vụ công trực tuyến (137 mức 3, 108 mức 4). từ 1/1/2020-15/4/2020 đã tiếp nhận và xử lý 129.284 hồ sơ trực tuyến, giảm 10,6% so vsi cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ hồ sơ nộp theo phương thức trực tuyến trên tổng số hồ sơ thực hiện tăng mạnh, chiếm tỷ lệ 68,3% so với 34,6% cùng kỳ năm 2019.
Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát cao điểm, Lãnh đạo Bộ GTVT đã họp 100% các cuộc họp bằng hình thức trực tuyến tới các đơn vị trực thuộc. Nhờ đó nhiệm vụ được triển khai tốt mà vẫn đảm bảo giãn cách xã hội theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, có thể nói, với tinh thần thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, Bộ GTVT đã chủ động triển khai Chỉ thị số 11/CT-TTg và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền thực hiện.
“Các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT tại Chỉ thị số 11/CT-TTg đều đã được cụ thể hoá tại Quyết định số 365/QĐ-BGTVT ngày 12/3/2020 của Bộ GTVT và đang được triển khai đầy đủ, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định”, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc khẳng định tại buổi họp trực tuyến chiều 19/4.
Kiến nghị cùng doanh nghiệp gỡ khó
Ngoài sự nỗ lực thực thi các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, Bộ GTVT cũng đã có Văn bản số 3329/BGTVT-VT ngày 8/9/2020 kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông, vận tải.
Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cho phép các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hàng không được giảm thuế, giãn thời hạn nộp thế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, phí, lệ phí cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh từ 23/1-31/12/2020 hoạc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng công bố hết dịch (tuỳ thời điểm muộn hơn); Áp dụng 50% giá cất hạ canh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa (dự kiến từ 1/3/2020 đến hết 31/8/2020 hoặc điều chỉnh theo diễn biến của dịch); cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian từ 1/3/2020 đến hết 31/12/2020; có chính sách hô trợ lãi suất ngân hàng, tín dụng, thời hạn thanh toán…
Đối với lĩnh vực đường bộ, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động như lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, nhân viên bến xe, trạm dừng nghỉ đường bộ ổn định cuộc sống trong thời gian có dịch bệnh như đối với một số loại hình khác trong 3 tháng, kể từ 1/4/2020; có chính sách cho đơn vị vận tải, lao động thuộc ngành đường bộ thuộc vào nhóm các đối tượng được hưởng gói cứu trợ, hỗ trợ kinh tế của Chính phủ;
Bộ GTVT cũng đề nghị UBND các tỉnh, TP báo cáo Chính phủ để hỗ trợ cơ chế chính sách cho các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe về miễn hoặc giảm các loại thuế…
Bộ cũng đề nghị Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước xem xét tham mưu cho Chính phủ về những kiến nghị của TCT đường sắt Việt Nam…
Xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch nhưng phải tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp
Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo của Vụ Vận tải cũng như ý kiến của các đồng chí Thứ trưởng và lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN, các Cục Hàng không, Đường sắt, Hàng hải, Đăng kiểm và các đồng chí lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá cao công tác phòng dịch cũng như nỗ lực triển khai các nhiệm vụ chuyên ngành của CB, CC,VC-LĐ toàn Ngành trong điều kiện nhiều khó khăn, thiệt hại kinh tế.
Bộ trưởng nhấn mạnh, tuy diễn biến dịch có chiều hướng giảm nhưng chắc chắn còn phức tạp, không được lơ là chủ quan. “Ngành GTVT là những nhóm ngành bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng do dịch gây ra. Do đó, chúng ta càng phải nỗ lực hơn nữa trong thực thi nhiệm vụ chống dịch cũng như đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo các cục quản lý chuyên ngành tập trung, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong mọi lĩnh vực giao thông vận tải.
“Với tinh thần lá lành đùm lá rách, hỗ trợ san sẻ vì cộng đồng trong giai đoạn dịch còn diễn biến phức tạp, các đồng chí lãnh đạo các Cục, Tổng cục phải chỉ đạo cán bộ rà soát từng nhóm ngành, từng nhiệm vụ cụ thể, xem có thể giảm, giãn, hoãn các thủ tục, phí, lệ phí cũng như giá dịch vụ cho các doanh nghiệp thì phải làm ngay để doanh nghiệp làm tiền đề tồn tại, ổn định và phục hồi. Đối với những việc không thuộc thẩm quyền của đơn vị thì phải đề xuất lên cấp cao hơn, lên Bộ để Bộ đề xuất các bộ, ngành hỗ trợ hoặc kiến nghị lên Chính phủ có cơ chế phù hợp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.
Cùng đó, Bộ trưởng giao các đồng chí Nguyễn Ngọc Đông, Lê Đình Thọ chỉ đạo các Vụ, Cục chuyên ngành xây dựng các kịch bản cụ thể ứng phó mọi tình huống với đại dịch, đặc biệt chú trọng hỗ trợ về cơ chế chính sách tốt nhất để doanh nghiệp ổn định và phục hồi.
“Phải đảm bảo an toàn, góp phần cắt đứt sợi dây lây lan của dịch nhưng cũng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, thúc đẩy phát triển KTXH của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
P.V