Ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh
báo cáo Thứ trưởng tình hình triển khai dự án, các điểm vướng mặt bằng...
Vướng mặt bằng bãi thải, khan hiếm đất đắp...
Ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban QLDA đường HCM cho biết, đến nay, tất cả 11 gói thầu của dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã đủ điều kiện pháp lý để thực hiện, được chia làm 3 nhóm.
2 gói thầu đầu tiên (gói 1 và 2) đã triển khai đạt trên 20%, 3 gói có quyết định trúng thầu cuối năm 2019 đã huy động công trường và đã triển khai được 3- 5%. Riêng nhóm 3 mới có quyết định cuối tháng 4, Ban đã huy động công trường, hiện nay một số nhà thầu đã tiến hành đào bóc hữu cơ, chủ động đẩy nhanh tiến độ.
Trong tháng 5 này, cả 11 gói thầu đồng loạt bố trí các mũi thi công đẩy nhanh tiến độ, với mục tiêu là công tác nền đất phải xong trước mùa mưa...
Theo Tư vấn giám sát (TVGS), về tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn vị đã nghiên cứu xem xét một số hạng mục có phát sinh những bất cập nhất định và đã có kiến nghị để Ban có ý kiến với Bộ GTVT. Ban QLDA đường HCM đã có các văn bản hướng dẫn về quy trình nghiệm thu, thanh toán, đồng thời TVGS đã thành lập tổ chuyên trách hàng tuần phối hợp cùng Ban đến tận từng nhà thầu kiểm tra cụ thể… và công tác giải ngân tiến triển tốt, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Thứ trưởng trao đổi cụ thể về các khó khăn vướng mắc, đặc biệt đoạn qua Thừa Thiên - Huế
Vướng mắc khó khăn nhất hiện nay là mặt bằng bãi đổ thải, điều phối đất đắp giữa một số gói thầu do vướng mặt bằng, thiếu vật liệu đất đắp.
Đơn cử, gói thầu số 9 có 3,5km tuyến chính, 1,6km tuyến tránh Huế, cầu Tuần và một số cầu nhỏ. Tuy nhiên đến nay, trong 3,5km tuyến chính nhà thầu chỉ mới triển khai được 1,1km, còn 1,6km tuyến tránh Huế chưa được địa phương bàn giao mặt bằng.
“Với vướng mắc trên, hiện nay chỉ mới bố trí được 1/3 mũi thi công nền đường. Còn đối với phần cầu, trong phương án thi công triển khai 5 mũi, nhưng hiện nay còn 2 mũi chưa có mặt bằng để triển khai”, nhà thầu gói 9 cho hay.
Đáng chú ý, gói thầu số 9 có tổng số khối lượng đắp nền đường khoảng hơn 500.000m3, theo thiết kế điều phối nội bộ khoảng 150.000m3, còn lại 350.000m3 điều phối từ gói 8 về, nhưng hiện nay, mặt bằng gói 8 chưa được bàn giao đầy đủ, những vị trí điều chuyển từ gói 8 về gói 9 cũng rất khó khăn. Còn bãi đổ thải trong hồ sơ thầu chỉ được 1 vị trí, nhưng hiện nay địa phương xác định là không được đổ mà phải tìm vị trí khác...
Kiểm tra kích thước, độ chặt nền đường
Theo nhà thầu thi công gói 6, khối lượng đất đắp của gói thầu khoảng 1 triệu m3, trong đó nhân với hệ số nữa là khoảng 1,4 triệu khối đất rời, nhưng khối lượng điều phối không có m3 nào. Nhà thầu này đã đi nhiều mỏ để điều tra về công tác vật liệu, đầu tiên là các mỏ được chỉ dẫn trong hồ sơ thiết kế thì gần như không còn đất, hoặc chưa được cấp phép. Để tìm nguồn vật liệu này phải đi trên 20km, nhưng các mỏ không báo giá hoặc không có trữ lượng bán… Gói 6 hiện mới hợp đồng được khoảng 230.000m3 trong năm nay để đắp đường công vụ. Còn khối lượng tuyến chính, trước tình trạng trên, Ban QLDA đã cùng nhà thầu đi điều tra giấy phép, công suất mỏ để đề xuất với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Cũng theo các nhà thầu, các chủ mỏ cho biết, công suất mỏ khai thác chủ yếu khoảng 50.000 m3/năm, bán cho các dự án khác đang triển khai trong tỉnh hết. Trên địa bàn Thừa Thiên - Huế hiện có 3 dự án lớn là Nhà Ga T2 khoảng 1 triệu m3, Cam Lộ - La Sơn khoảng 2 triệu m3 và một dự án khác khoảng 700.000 m3. Các giấy phép 6 mỏ trên địa bàn dự kiến có thể cấp cho dự án Cam Lộ- La Sơn được khoảng 250.000 m3 công suất, nhưng riêng nhu cầu của gói 6 là 2,5 triệu m3.
Thứ trưởng thị sát kỹ tại dự án...
Các nhà thầu đề nghị tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc này, như đề nghị tỉnh nghiên cứu một số mỏ quy hoạch mới cấp đặc thù cho các đơn vị dự án Cam Lộ - La Sơn, tăng trữ lượng khai thác các mỏ đã được cấp phép và các mỏ phải tăng công suất; rút gọn quy trình cấp phép vì quy trình hiện mất khoảng 6 tháng. Một số nhà thầu cũng đề nghị cần phải có giải pháp quán lý giá vật liệu này, hiện nay giá có đơn vị báo giá 50.000 "đắt như khẩu trang mùa Covid".
Tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ…
Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá cao các đơn vị triển khai dự án, đồng thời yêu cầu phải thực hiện tốt từ khâu tổ chức, con người, chất lượng... tại dự án kiểu mẫu Cam Lộ - La Sơn.
“Kể cả nhà thầu, tư vấn giám sát, chủ đầu tư phải tạo nên một sản phẩm đúng như mong đợi chung”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, các gói thầu của dự án nên học tập mô hình gói 1 và 2 trên cơ sở quy định về khâu tổ chức hiện trường. Kiểm soát chặt chẽ từ con người, phương tiện, xe chở vật liệu vào đều phải đăng ký, xe nào không đăng ký Tư vấn giám sát, Ban quản lý phải có trách nhiệm nhắc nhở, nếu tái diễn lần 3 đình chỉ luôn. Mỏ vật liệu phải lấy đúng nơi quy định...
... Thứ trưởng trao đổi và có những chỉ đạo với đơn vị tư vấn, nhà thầu
Thứ trưởng cung cấp số điện thoại để các đơn vị, nhà thầu kịp thời phản ánh các vướng mắc cần phải tháo gỡ. Đề nghị Ban QLDA cùng TVGS, nhà thầu cần phải họp lại để tập huấn, phổ biến rõ các quy định, quy trình chỉ dẫn kỹ thuật… đến cán bộ kỹ thuật, TVGS, tư vấn thiết kế, Ban QLDA, nhà thầu để tuân thủ, phát hiện nhắc nhở và kiến nghị kịp thời. Khi có vấn đề phát sinh phải dự kiến thời gian xử lý, những bước cần phải xử lý và cùng thống nhất để xử lý ngay để đẩy nhanh tiến độ.
Thứ trưởng phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị
Thời tiết tại Quảng Trị và Huế thường đến tháng 8 là tốt nhất. Theo đó, còn khoảng hơn 3 tháng nữa, các nhà thầu tập trung xây dựng kế hoạch đẩy nhanh tiến độ; quy trình tăng ca phải chặt chẽ, kể cả ban đêm.
Thứ trưởng nhấn mạnh 3 vấn đề lớn là mặt bằng, vật liệu và bãi đổ thải phải ưu tiên số 1, Ban QLDA tập trung phối hợp với các nhà thầu, địa phương tháo gỡ, đảm bảo tiến độ dự án. Nếu giá vật liệu biến động mạnh… ảnh hưởng đến công trình phải báo cáo ngay để Bộ GTVT sẽ có báo cáo gửi UBND tỉnh...
Cũng trong ngày 14/5, Thứ tưởng Lê Đình Thọ làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị về công tác GPMB, tình hình triển khai dự án Cam Lộ - La Sơn…