Mô hình cầu Châu Đốc
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh An Giang triển khai Dự án bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.
Dự án xây dựng Cầu Châu Đốc được khởi công xây dựng từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được do gặp một số khó khăn.
Vừa qua, tháng 4/2020, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số giải pháp nhằm cứu dự án. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Thủ tướng cho phép chuyển vai trò cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng Dự án từ Bộ Giao thông vận tải về UBND tỉnh An Giang.
Theo Bộ Giao thông vận tải, nếu UBND tỉnh An Giang tiếp nhận dự án thì việc triển khai dự án sẽ có khá nhiều thuận lợi. Cụ thể, ngoài việc chủ động điều hành, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; phát huy được nguồn lực tự có của các địa phương như khai thác quỹ đất và các ưu đãi hỗ trợ khác; xem xét, quyết định việc phương án thu phí, UBND tỉnh An Giang sẽ toàn quyền dự kiến sử dụng nguồn lực địa phương để hỗ trợ cho dự án có thể thực hiện được ngay các thủ tục cần thiết để điều chỉnh dự án và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án…
Cầu Châu Đốc sẽ thay thế phà Châu Giang, kết nối TP. Châu Đốc và thị xã Tân Châu.
Cầu Châu Đốc được xây dựng có điểm đầu nối vào Quốc lộ 91, khoảng Km113+071 tại khu vực phường Vĩnh Mỹ (TP. Châu Đốc), điểm cuối tại khu vực giao với đường tỉnh 953 (thị xã Tân Châu).
Tổng chiều dài toàn tuyến 3,26 km; quy mô đường cấp 3 với 2 làn xe; vận tốc thiết kế 60 km/h. Đường nối với đường tỉnh 953 đầu tư đường cấp 4 với 2 làn xe, nhánh nối trạm thu phí đầu tư đường cấp 5. Cầu Châu Đốc được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê công cốt thép dự ứng lực, dài 667 m, rộng 12 m cho xe siêu trường, siêu trọng lưu thông; có khổ thông thuyền 75 x 11 m; bề rộng cầu 12 m.