Cùng dự Hội thảo, có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các ban Đảng Trung ương, nguyên lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương các thời kỳ; lãnh đạo Ban Tuyên giáo một số tỉnh, thành ủy; các Học viện, Tổng cục Chính trị; các chuyên gia, nhà khoa học.
Các đồng chí chủ trì Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Để tổng kết, đánh giá lại những chặng đường 90 năm qua, tiếp nối truyền thống vẻ vang, xác lập tầm nhìn và sứ mệnh cho giai đoạn tới, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Công tác tuyên giáo của Đảng - 90 năm chặng đường vẻ vang: Thành tựu và Tầm nhìn”.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của hàng trăm chuyên gia, các cơ quan bộ, ban, ngành, địa phương trên khắp cả nước với hơn 90 bài tham luận có chất lượng, tâm huyết. Trong số các tác giả đã gửi bài tham luận, có nhiều đồng chí là lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương qua các thời kỳ, lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn về lĩnh vực xây dựng Đảng, tư tưởng - lý luận, văn hóa - văn nghệ, khoa giáo; ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; các bộ, ban, ngành ở Trung ương; Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; nhiều trường đại học, học viện trọng điểm...
Hội thảo tập trung vào các nội dung chủ yếu sau: Một là, nhìn lại quá trình hình thành và phát triển, thành tựu, những dấu mốc quan trọng của ngành Tuyên giáo trong sự nghiệp cách mạng 90 năm vẻ vang của Đảng; trong đó, tập trung vào phân tích những đóng góp nổi bật qua 35 năm đổi mới, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng.
Cụ thể hóa, làm rõ những đóng góp quan trọng của công tác tuyên giáo trên các mặt, các lĩnh vực; cũng như lắng nghe kinh nghiệm thực tiễn từ các ban, bộ, ngành, địa phương...
Hai là, phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện công tác tuyên giáo.
Ba là, phân tích bối cảnh, tình hình mới, dự báo các yếu tố, nhìn rõ những thuận lợi cần phát huy và thách thức, khó khăn cần vượt qua.
Bốn là, đề xuất các giải pháp, kiến nghị thiết thực, khả thi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả để ngành Tuyên giáo tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc trong giai đoạn mới.
Hình ảnh tại Hội thảo.
Các ý kiến tại Hội thảo đã khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của ngành Tuyên giáo đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta trong 90 năm qua. Đặc biệt, công tác tuyên giáo đã đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện sự nghiệp đối mới và đã đạt được nhiều thắng lợi.
Sự đóng góp của công tác tuyên giáo được thể hiện trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực nổi bật, như tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế; củng cố niềm tin, niềm tự hào về Đảng, về đất nước và con người Việt Nam; nâng cao uy tín và vị thế của đất nước; góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...
Đặc biệt là trong 5 năm trở lại đây, công tác tuyên giáo từ Trung ương đến địa phương đã có sự chuyển biến sâu sắc và đạt được những kết quả nổi bật, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Bên cạnh việc đánh giá về sự trưởng thành, lớn mạnh của ngành Tuyên giáo qua 90 năm xây dựng và phát triển, các ý kiến tại Hội thảo cũng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm và những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tuyên giáo trong thời gian tới, nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc trong giai đoạn mới.
Tham luận tại Hội thảo, nhấn mạnh vai trò của công tác tư tưởng, lý luận đối với công tác tuyên giáo, đồng chí Hà Đăng- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) khẳng định, công tác tư tưởng, lý luận là linh hồn sống của công tác tuyên giáo; thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục quan tâm, đầu tư sâu sắc hơn nữa đối với công tác tư tưởng, lý luận, nhất là đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ lý luận kế cận ngang tầm nhiệm vụ theo hướng vừa tinh, vừa gọn.
Còn theo PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, ngay từ khi mới thành lập, do nhận thức đúng tầm quan trọng đặc biệt của công tác tư tưởng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm thành lập ngành Tuyên giáo. Đây không chỉ là công cụ quan trọng, một bộ phận cấu thành trong hoạt động lãnh đạo của Đảng nói chung mà còn là bộ phận trọng yếu trực tiếp góp phần xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Trong suốt 90 năm qua, ở mỗi thời kỳ, công tác tuyên giáo luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong những đóng góp ấy, điều đọng lại trong gần 100 triệu người dân Việt Nam hiện nay chính là nhận thức chính trị và lòng tin đối với Đảng.
Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Linh, nhìn lại 90 năm qua, chưa bao giờ ngành Tuyên giáo có quy mô, thành tựu lớn về mặt lực lượng và kinh nghiệm như hiện nay. Toàn ngành đang có khoảng 3.800 cán bộ tuyên giáo chuyên trách, hơn 200.000 báo cáo viên, tuyên truyền viên; 17.400 cộng tác viên dư luận và hàng nghìn cán bộ lý luận...
Đồng chí Hà Đăng tham luận tại Hội thảo.
Từ thực tiễn công tác quản lý báo chí, một lĩnh vực quan trọng trong công tác tuyên giáo của Đảng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, phải hoàn thiện về cơ chế, chính sách đối với báo chí, nhất là cơ chế ưu đãi về kinh tế báo chí. Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nói: “Nếu xác định báo chí là sản phẩm, dịch vụ đặc thù có liên quan đến công tác tư tưởng, văn hóa thì phải có ứng xử đặc biệt, tương xứng”. Cùng với đó, cần bồi dưỡng nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ phóng viên để giữ vững vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam.
Chia sẻ kinh nghiệm về phối hợp giữa Ban Tuyên giáo với UBND cùng cấp trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết vấn đề bức xúc của nhân dân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học cho biết, Đảng bộ Hà Nội luôn xác định, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống luôn là một đòi hỏi sống còn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tiễn, đồng chí Mai Đình Định, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai cho biết: “Đề án thực hiện thí điểm mô hình Ban tuyên vận xã, phường, thị trấn; Tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lào Cai” được triển khai thực hiện thí điểm từ năm 2012 đến năm 2016. Năm 2012 có 36 xã, phường tham gia thực hiện mô hình, năm 2013 bổ sung thêm 40 xã, phường, thị trấn. Căn cứ vào kết quả thực tế, từ năm 2014 đến năm 2020 mô hình đã được triển khai thực hiện tại 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh với 152 ban tuyên vận và gần 2.000 tổ tuyên vận. Sau 5 năm thực hiện và sơ kết, tổng kết giai đoạn thí điểm 20122016 ngày 26/10/2016 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Quy định tạm thời về công tác tuyên vận. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu việc kết thúc giai đoạn thực hiện thí điểm, chuyển công tác tuyên vận trên địa bàn tỉnh Lào Cai trở thành nhiệm vụ thường xuyên, cấp ủy, chính quyền các cấp.