Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với Bộ GTVT thúc đẩy giải ngân, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các DA giao thông quan trọng

Thứ năm, 30/07/2020 18:43

Sáng 30/7, tại trụ sở Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với Bộ GTVT về tình hình triển khai các dự án quan trọng ngành GTVT nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các dự án đầu tư năm 2020 của Bộ GTVT.

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Về phía Bộ GTVT có Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn; lãnh đạo các Vụ tham mưu, Cục, Tổng cục chuyên ngành, Ban Quản lý dự án, Tổng công ty và đại diện lãnh đạo 17 Sở GTVT, địa phương liên quan đến các dự án. 


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan dự buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã báo cáo tóm tắt kết quả giải ngân kế hoạch năm 2020 và nhấn mạnh, tình hình giải ngân có chiều hướng chuyển biến tích cực hơn các năm trước do Bộ GTVT đã có chỉ đạo điều hành linh hoạt, chủ động trong việc điều hành kế hoạch, điều chỉnh vốn đối với các dự án được giao.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng, mặc dù tình hình giải ngân của Bộ GTVT nằm trong top các bộ ngành có tỷ lệ cao nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, theo Bộ trưởng, khó khăn trong việc giải ngân đầu tư công hiện nay là do công tác dự báo và lập kế hoạch, bởi Bộ GTVT vừa là cơ quan quản lý Nhà nước, vừa làm chủ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Vốn được bố trí theo giai đoạn trung hạn 5 năm, trong khi đó, thời gian chuẩn bị để phê duyệt dự án quá dài, thường kéo dài 2-3 năm, do đó thời gian còn lại để giải ngân vốn là rất ít.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, trong giai đoạn trung hạn 2021-2025, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch trình Chính phủ với nguồn ngân sách khoảng 400.000 tỷ đồng. Trong đó, ưu tiên xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc với các tuyến trọng yếu như cao tốc từ Cần Thơ tới Mũi Cà Mau, kết nối cao tốc lên Bắc Kạn, cao tốc Hà Nội-Hữu Nghị, cao tốc kết nối lên Móng Cái, cao tốc Hoà Bình-Mộc Châu-Sơn La…

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông
báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020 của Bộ GTVT

Thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT báo cáo với Phó Thủ tướng về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Tổng kế hoạch (KH) năm 2020 của Bộ GTVT khoảng 39.762 tỷ đồng, gồm 35.977 tỷ đồng kế hoạch năm 2020 và 3.785 tỷ đồng kế hoạch kéo dài. Đến nay, Bộ GTVT đã cơ bản giao chi tiết toàn bộ được TTgCP giao. Đến 30/6/2020, Bộ đã giải ngân đạt 33,7% KH giải ngân cả năm (bình quân chung cả nước 28,9%). Dự kiến tới hết tháng 7, Bộ sẽ giải ngân 41,7% KH giải ngân cả năm, trong đó vốn trong nước giải ngân đạt 48,5%; vốn nước ngoài giải ngân đạt 34,3%. 

"Bộ GTVT nằm trong số 10 bộ, ngành có kết quả giải ngân 6 tháng tốt nhất", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định đồng thời cho biết vướng nhất trong công tác giải ngân chính là giải phóng mặt bằng. Do đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành chỉ đạo quyết liệt và đặc biệt là sự vào cuộc của hệ thống chính trị các địa phương để đạt được các mốc tiến độ giải ngân theo yêu cầu của Chính phủ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Bộ đã rất tích cực, chủ động nhưng do vướng nhiều thủ tục liên quan nên không thể đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án. Thứ trưởng cũng đề xuất với Phó Thủ tướng về vấn đề trong quá trình xây dựng kế hoạch, chuẩn bị dự án cần tính đến “độ trễ” của chính sách khi áp dụng đúng trình tự, thủ tục từ các Luật hiện hành như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công và sắp tới là Luật PPP.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ,  khâu thi công có thể làm tăng ca, làm thêm giờ để đẩy nhanh tiến độ thì giải quyết thủ tục không thể làm tắt như vậy đồng thời khẳng định, đối với các dự án xây dựng sau này “dứt khoát phải có mặt bằng sạch xong mới tiến hành xây lắp”.

"Một vấn đề mang tính “đặc thù ngành” là tiến độ thi công phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết, do đó, trong quá trình xây dựng kế hoạch thi công cần phải tính thêm yếu tố này, tránh việc mùa khô thuận lợi cho thi công thì ta lại đang xử lý thủ tục giấy tờ, và ngược lại, đến mùa mưa khi có vốn lại không thể thi công trên hiện trường", Thứ trưởng Lê Đình Thọ chia sẻ và lấy ví dụ, hiện để kịp tiến độ thi công, giải ngân cho đoạn Cam Lộ - La Sơn theo hình thức đầu tư công, Bộ GTVT đang yêu cầu Ban quản lý dự án Hồ Chí Minh thi công liên tục cả ngày và đến 22h hàng ngày, nhưng thời gian từ nay đến mùa mưa không còn nhiều...

Các  đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Nhật, Lê Anh Tuấn, cũng nêu các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án hạ tầng sân bay, cảng biển, nạo vét luồng lạch các tuyến giao thông thuỷ nội địa, theo đó sự chồng chéo giữa các quy định đang là nguyên nhân dẫn đến việc triển khai các công trình, dự án bị chậm.

Để tạo điều kiện đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương quyết liệt xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng của các dự án. Các bộ, ngành liên quan sớm đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, cơ cấu tổng mức đầu tư đối với một số dự án ODA; cho phép bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 đối với một số dự án cần thiết, cấp bách có khả năng giải ngân ngay khi được bố trí vốn, nhưng đã hết hạn mức kế hoạch trung hạn hoặc chưa có kế hoạch trung hạn; sớm hướng dẫn thủ tục thanh toán cho các dự án BT; tạo điều kiện xử lý nhanh thủ tục điều hòa, điều chỉnh vốn ngân sách giữa nguồn vốn TPCP và nguồn vốn ngân sách; hỗ trợ xử lý nhanh các thủ tục điều chỉnh cơ cấu TMĐT, cơ cấu khoản vay của một số dự án ODA để đảm bảo điều kiện giải ngân kế hoạch, để đảm bảo có thể giải ngân hết nguồn vốn được Chính phủ giao.


Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ GTVT và các bộ, ngành, đơn vị liên quan đã báo cáo tình hình thực hiện và tiến độ giải ngân, đánh giá nguyên nhân và kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành GTVT; gồm 11 dự án thành phần Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông; 10 dự án đường bộ và 04 dự án đường sắt, sử dụng 15.000 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; 12 dự án ODA lớn của ngành GTVT cũng như giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn theo KH được giao...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của Bộ GTVT, đặc biệt biểu dương những cố gắng trong chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Bộ, các cơ quan của Bộ GTVT trong 5 năm qua. "Giai đoạn 2016-2020 , Bộ GTVT là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ giao quản lý nhà nước về lĩnh vực GTVT, thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng giao thông quan trọng. Bộ GTVT đã tập trung nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện các dự án quan trọng. Chất lượng các công trình giao thông được ngày càng tốt hơn; thất thoát lãng phí trong các công trình, dự án từng bước được hạn chế; hiệu quả đầu tư ngày càng nâng cao”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid -19 nhưng Bộ GTVT đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để hoàn thành các dự án trọng điểm.

“Trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ GTVT đã giải ngân đạt 33,7% vốn kế hoạch cả năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Chất lượng công trình giao thông ngày càng tốt hơn, thất thoát lãng phí trong các dự án dần được hạn chế, hiệu quả đầu tư của nhiều công trình ngày càng nâng cao”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Bên cạnh những kết quả đạt được của Ngành GTVT, Phó Thủ tướng đã chỉ ra nhiều khó khăn, hạn chế. Trước hết là phát triển hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng ở các đô thị lớn còn phát triển chậm, đặc biệt việc đầu tư những dự án lớn như đường cao tốc... 

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nguyên nhân dẫn tới tồn tại trên là do công tác quy hoạch, kế hoạch hóa đầu tư còn bất cập, thiếu bài bản, tầm nhìn. Kế hoạch hóa đầu tư không đạt mục tiêu để dẫn dắt, định hướng thực hiện quá trình đầu tư xây dựng. Nhu cầu vốn đầu tư rất lớn nhưng khả năng đáp ứng hạn chế. Trong khi đó, việc huy động vốn xã hội hóa để đầu tư gặp nhiều khó khăn, cần tháo gỡ vướng mắc. “Các cơ chế, chính sách phải được quan tâm, thực hiện công khai minh bạch, đúng pháp luật để huy động được vốn từ các nguồn lực, trong đó có vốn của các nhà đầu tư”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Ngoài ra, do chính sách; năng lực của nhà đầu tư, trách nhiệm các chủ thể liên quan đầu tư xây dựng trong đó có cơ quan quản lý nhà nước. Việc giao kế hoạch chậm, chuẩn bị đầu tư chậm. Công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc. Công tác lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu còn lúng túng. Công tác nghiệm thu khối lượng chậm, thiếu thủ tục để thanh toán, đây là trách nhiệm của các ban QLDA, nhà thầu...

Vì vậy, để khắc phục những tồn tại hạn chế đòi hỏi phải tăng cường trách nhiệm của các cấp, ngành, chủ thể liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng.

Nhấn mạnh nhiệm vụ của ngành GTVT thời gian tới rất nặng nề, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tập trung tối đa cho công tác giải ngân vốn đầu tư công; chủ động thực hiện điều chuyển vốn để đẩm bảo tiến độ. Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, cùng với Bộ GTVT tập trung, chủ động tháo gỡ những khó khăn liên quan đến cơ chế, thủ tục, bảo đảm giải ngân hết vốn đầu tư công theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như Đường cao tốc Bắc-Nam,Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, Bến Lức - Long Thành, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, các dự án nâng cấp đường sắt Bắc - Nam, các dự án hàng không, nâng cấp đường thủy nội địa, các dự án cấp bách...

Về nhiệm vụ trung hạn và dài hạn, Bộ GTVT tập trung rà soát lại quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung, lập các dự án xây dựng mới. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định rõ vốn đầu tư, vốn ODA, vốn xã hội hóa; nhu cầu đầu tư theo chiến lược phát triển, xã hội hóa nguồn vốn bằng nhiều hình thức. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư; giải phóng mặt bằng. Nâng cao chất lượng các dự án, thiết kế kỹ thuật dự án. Tiếp tục nâng cao năng lực của Ngành GTVT, ban quản lý dự án chuyên nghiệp….

V.H
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:267754
Lượt truy cập: 176.084.066