Nguyên mẫu tàu đệm từ Trung Quốc có thể đạt tốc độ 600km/h
Trung Quốc - đất nước có tốc độ phát triển đường sắt thần kỳ nhất thế giới đang tiến gần hơn tới viễn cảnh sở hữu công nghệ đường sắt tốc độ cao lên đến 600km/h, sau khi giới chức Bắc Kinh “bật đèn xanh” cho phép tiếp tục thử nghiệm loại tàu đệm từ.
Tiết kiệm 1 giờ so với di chuyển bằng… máy bay
Nhật báo Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho hay, Bộ Giao thông nước này đã chấp thuận cho phép đơn vị thiết kế tàu Qingdao Sifang thuộc Tập đoàn China Railway Rolling Stock Corporation (CRRC, chuyên sản xuất đầu máy xe lửa) được tiếp tục thực hiện thêm nhiều cuộc thử nghiệm tàu đệm từ với tốc độ tối đa lên tới 600km/h.
Thông báo được đưa ra trong hướng dẫn của Bộ Giao thông Trung Quốc về kế hoạch xây dựng hạ tầng giao thông siêu tốc, thông minh. “Việc phát triển tàu đệm từ cao tốc có thể giúp Trung Quốc bắt kịp công nghệ vận tải đường sắt hàng đầu và duy trì lợi thế quốc gia trong lĩnh vực đường sắt cao tốc thế giới”, ông Wu Donghua, Phó Kỹ sư trưởng đến từ Tổng công ty Qingdao Sifang của CRRC cho biết.
Ông Ding Sansan, người đứng đầu đội phát triển, nghiên cứu viên - kiêm Phó kỹ sư trưởng Công ty Qingdao Sifang cho biết, tàu đệm từ sẽ giảm tải lượng khách hàng không với nhu cầu đi lại trong khoảng dưới 1.500km.
Chẳng hạn, với chuyến đi từ Bắc Kinh tới Thượng Hải, nếu sử dụng máy bay, hành khách sẽ mất khoảng 4,5 giờ, bao gồm cả thời gian chuẩn bị; khoảng 5,5 giờ bằng tàu cao tốc hiện có và chỉ mất 3,5 giờ nếu di chuyển bằng tàu đệm từ.
Loại hình này cũng mang đến một lựa chọn khả quan cho các hành khách chặng ngắn và tầm trung như những người có nhu cầu đi lại hàng ngày giữa các thành phố lớn, kết nối các siêu thành phố thuộc cụm đô thị như khu vực đồng bằng sông Dương Tử hay cụm Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, từ đó, tăng cường sự phát triển nhất quán của các cụm đô thị.
Hiện thực hóa chiến lược hạ tầng vận tải thông minh
Bước đi mới của Bộ Giao thông Trung Quốc thể hiện quyết tâm mạnh mẽ để hiện thực hóa ước mơ xây dựng hạ tầng giao thông thông minh, xu hướng tương lai của thế giới.
Kế hoạch phát triển tàu công nghệ đệm từ được liệt vào một trong những mục tiêu chiến lược của Trung Quốc về xây dựng hạ tầng vận tải cuối năm ngoái. Ngoài Trung Quốc, Đức và Nhật cũng đang nghiên cứu để chiếm lĩnh công nghệ này, đến nay đã có phương tiện đạt tới tốc độ tương đương 550km/h và 603km/h. Trong khi đó, các tàu cao tốc hiện tại của Trung Quốc có tốc độ cao nhất ở mức 350km/h - 380km/h.
Tàu cao tốc đầu tiên của Trung Quốc do Đức chế tạo, đi vào hoạt động từ năm 2003, đang phục vụ tuyến đường từ sân bay Thượng Hải đến trung tâm thành phố.
Năm 2016, đất nước tỷ dân mới mở tuyến đường sắt đô thị cao tốc đầu tiên, do họ tự chế tạo, tại thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, nhưng chưa hoàn thành hay thử nghiệm đối với mẫu tàu có thể đạt tới tốc độ 600km/h.
Chỉ sau đó 4 năm, vào tháng 7/2020 vừa rồi, Trung Quốc đã tự tin tuyên bố sẽ sản xuất tới 9 tàu đệm từ, bao phủ trên quãng đường hơn 1.000km. “Cha đẻ” của hệ thống tàu này - CRRC hứa hẹn, ngay cuối năm nay, sẽ có 5 tàu cao tốc thử nghiệm “ra lò”. Đồng thời toàn bộ hệ thống kỹ thuật của nguyên mẫu đệm từ cao tốc 600km/h sẽ hoàn thành. Đồng nghĩa, đến thời điểm đó, Trung Quốc đủ khả năng làm chủ toàn bộ khả năng kỹ thuật và công nghệ.
Dự kiến, năm tới, Bắc Kinh sẽ thương mại hóa công nghệ này nếu toàn bộ kế hoạch thử nghiệm suôn sẻ.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, nhu cầu sử dụng hình thức vận tải này không cao vì bản thân tàu viên đạn (bullet train) do Trung Quốc sản xuất đạt tới tốc độ 350km/h, đáp ứng đủ nhu cầu kết nối liên thành phố. Theo họ, sự kết hợp giữa máy bay và tàu đầu đạn đã đủ để đáp ứng hoạt động vận tải cao tốc hiện nay.
Phía trước còn lắm chông gai
Theo giới chuyên gia, để có thể hoàn tất toàn bộ kế hoạch và các hoạt động thử nghiệm trước khi chính thức đi vào vận hành thương mại tàu đệm từ, Trung Quốc sẽ phải mất tới vài năm nữa và triển vọng trước mắt vẫn khá mờ mịt bởi nước này chưa đạt được đồng thuận về vấn đề hiệu quả kinh tế và an toàn.
Một bộ phận dư luận còn hoài nghi, liệu có cần thiết “đốt tiền” để phát triển công nghệ này trong khi nó tiềm ẩn khả năng sản sinh ra phóng xạ đệm từ nguy hiểm hay không? Trong khi đó, nhiều chuyên gia trong ngành tính toán, chi phí tàu đệm từ cao gấp 1,5 lần so với tàu cao tốc thông thường.