Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2023
I. SỰ RA ĐỜI NÔNG HỘI ĐỎ, TIỀN THÂN CỦA HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM
Đầu năm 1920, sau khi dập tắt các cuộc khởi nghĩa của nông dân, ruộng đất nước ta chủ yếu tích tụ vào tay một số ít địa chủ Pháp, phong kiến, quan lại, địa chủ thường và địa chủ kiêm công thương đã làm xã hội phân hóa mạnh mẽ. Giai cấp địa chủ chiếm 9% tổng số chủ ruộng nhưng lại sở hữu trên 50% diện tích đất canh tác. Tiểu nông chiếm trên 90% tổng số chủ ruộng nhưng lại chỉ có gần 40% diện tích trồng trọt. Ngoài ra còn khoảng 2,2 triệu hộ trong tổng số 4 triệu hộ nông thôn lúc bấy giờ hoàn toàn không có đất. Họ bị bóc lột dã man bởi tô, tức, thuế…
Đời sống nông dân dưới thời Pháp thuộc vô cùng nghèo nàn, đau khổ. Song chính trong sự áp bức bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp và tay sai đã khiến cho họ nhận rõ bộ mặt thực của kẻ thù dân tộc và kẻ thù giai cấp. Bằng những kinh nghiệm trực tiếp của mình, giai cấp nông dân đã tiến từng bước tới giác ngộ chính trị. Họ sẵn sàng ủng hộ, đi theo các phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì quyền lợi của người lao động.
Nguyễn Ái Quốc là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam, từ lâu, Người đã hiểu và gắn bó với nông dân Việt Nam. Trong cuốn Đường Kách mệnh (1927), đồng chí Nguyễn Ái Quốc đặt vấn đề nông dân Việt Nam muốn thoát khỏi ách áp bức, bóc lột thì phải “tổ chức nhau lại”, vì vậy, Người đã dành riêng một chương phân tích về tình hình nông dân Việt Nam và tầm quan trọng của “Tổ chức dân cày” (1). Vạch rõ nguồn gốc đói nghèo, đau khổ của nông dân Việt Nam chính là do sự áp bức, bóc lột tàn nhẫn của đế quốc, phong kiến và bè lũ tay sai. Vì vậy “Nếu dân cày An Nam muốn thoát khỏi vòng cay đắng, thì phải tổ chức nhau kiếm đường giải phóng”; (2). Giai cấp nông dân cần phải có tổ chức riêng của mình là Hội dân cày. Nhưng trong tình hình hiện tại chưa nên gọi là Hội dân cày, mà nên gọi là phường lợp nhà, phường đánh cá, phường chung lúa…
Ngày 1/11/1929, Báo “Dân cày” số đầu tiên của tỉnh Ninh Bình được phát hành, nội dung tờ báo tố cáo sự bóc lột dã man của thực dân, kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh chống đế quốc cướp nước và đánh đổ tay sai.
Cuối thập kỷ 20 của thế kỷ XX, Nông hội đỏ đã xuất hiện ở một số địa phương. Tháng 11/1929, Ban Chấp hành Tổng Nông hội Nghệ An ra đời, do đồng chí Phan Thái Ất làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của xứ ủy Trung Kỳ, ngày 10/12/1929 ở thành phố Vinh – Bến Thủy và một số vùng ở Nghệ An rải truyền đơn kêu gọi các tầng lớp nhân dân tham gia các tổ chức quần chúng của Đảng cộng sản. Truyền đơn có phần kêu gọi Dân cày gia nhập Nông hội, theo Đảng Cộng sản đấu tranh đòi bỏ thuế người, thuế vườn, thuế chợ, thuế đò, bỏ lệ bắt phu… Tiếp theo nhiều tổ chức Nông hội đỏ được thành lập ở Thái Bình, Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Hải Dương và các tỉnh Trung Kỳ, Nam Kỳ…
Đầu năm 1930, Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Cửu Long (Hương Cảng - Trung Quốc), trong Sách lược vắn tắt của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc dự thảo, được Hội nghị hợp nhất thông qua ngày 03/02/1930 đã nêu ra những vấn đề cơ bản đối với giai cấp nông dân: “Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày nghèo làm cách mạng thổ địa đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến''; đồng thời, Đảng nhấn mạnh ''Nông dân là lực lượng to lớn của cách mạng". Vì vậy, phải tập hợp nông dân vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, đấu tranh giành độc lập tự do và thực hiện cách mạng ruộng đất.
Cao trào cách mạng 1930 - 1931, dưới sự lãnh đạo của các Đảng bộ địa phương, các tổ chức Nông hội cấp cơ sở được hình thành ở Nam Kỳ, Trung Kỳ, đặc biệt là ở Nghệ - Tĩnh. Nông dân cả nước đã vùng lên đấu tranh cùng với công nhân giành thắng lợi từng bước. Chỉ tính từ tháng 5/1930 – 10/1930 cả nước có 53.000 hội viên nông hội.
Trên cơ sở đó, Hội nghị lần thứ Nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp trong tháng 10/1930 tại Hương Cảng đã thông qua bản Luận cương chính trị, trong đó nêu rõ: “Dân cày là hạng người chiếm đại đa số ở đông Dương (hơn 90 phần trăm), họ là một động lực mạnh cho cách mạng tư sản dân quyền”. Luận cương vạch rõ: “Vấn đề thổ địa là cái cốt của cách mạng tư sản dân quyền, vô sản giai cấp có đứng đầu và cùng với quần chúng dân cày để tranh đấu và binh vực quyền lợi hằng ngày cho dân cày và để thực hành thổ địa cách mạng cho triệt để thì mới giành quyền lãnh đạo dân cày được”.
Cùng với việc thông qua Luận cương chính trị, Hội nghị còn ra Nghị quyết về Tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng, trong đó nêu rõ các quyết định quan trọng của Hội nghị, một trong các quyết định đó là “phải chỉnh đốn Nông hội lại cho có hệ thống theo điều lệ mới và dự bị việc tổ chức Đông Dương Tổng Nông hội”.
Tại Hội nghị quan trọng này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương và thông qua Điều lệ Tổng Nông Hội Đông Dương gồm 8 điều trong đó nêu rõ mục đích ''Thống nhất hết thảy Tổng Nông Hội Đông Dương để tranh đấu bênh vực quyền lợi hàng ngày của nông dân và để thực hiện cách mạng thổ địa''. Điều lệ Tổng Nông hội Đông Dương quy định: “Hễ Nông hội nào thừa nhận mục đích, Điều lệ và chịu thi hành những án nghị quyết của Tổng Nông hội Đông Dương và nộp hội phí thì được nhận làm hội viên”. trong đó trọng tâm là xây dựng tổ chức Nông hội, cơ sở của Nông hội là làng. Tổ chức phải theo hệ thống dọc: từ tổng Tổng Nông hội, huyện Tổng Nông hội, tỉnh Tổng Nông hội, xứ Tổng Nông hội, đông Dương Tổng Nông hội. Cũng tại hội nghị này Điều lệ Nông hội làng được thông qua. Mục đích của Nông hội làng là đoàn kết hết thảy bần và trung nông trong làng, liên hiệp với nông dân và công nhân các nơi trong nước để đấu tranh chống áp bức, bóc lột, bênh vực quyền lợi của nông dân và thực hiện cách mạng ruộng đất.
Việc thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay) đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam, sự trưởng thành và lớn mạnh về của phong trào nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
II. HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ
1. Hội Nông dân Việt Nam và cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc (1930 – 1945)
Ngày 20/3/1931, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về vấn đề chỉnh đốn Nông hội đỏ, trong đó khẳng định vai trò to lớn của Nông hội trong cách mạng, giai cấp nông dân “là một lực lượng chính của cách mạng”. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ hai, tháng 3/1931 nhấn mạnh: Cần phải đẩy mạnh việc tổ chức Nông hội làng, tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, đồng thời chỉ rõ: trong điều kiện địch khủng bố trắng, nông dân cùng các tầng lớp nhân dân đoàn kết đấu tranh, giương cao khẩu hiệu: chống sưu thuế, địa tô, chống nạn thất nghiệp, chống khủng bố trắng, chống cải lương lừa dối, chống chiến tranh….
Thực hiện Nghị quyết Trung ương hai, các tổ chức Nông hội được củng cố và trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh của nông dân. Tháng 6/1932 Trung ương Đảng đã khởi thảo Chương trình hành động nhằm khôi phục nhanh chóng phong trào cách mạng, đồng thời đề ra phương hướng đấu tranh và những biện pháp cụ thể phù hợp với tình hình mới. Chủ trương của Đảng nêu rõ: phải tận dụng mọi khả năng hợp pháp, nửa hợp pháp để tổ chức đấu tranh và phát triển tổ chức bí mật (Nông hội). Trên cơ sở Chương trình hành động của Đảng, Chương trình hành động của Nông hội ra đời bao gồm 10 điểm.
Tháng 3/1937, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp, đề ra đường lối chính trị và phương pháp tổ chức mới, tên của các tổ chức quần chúng đều được thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Quyết định lấy tên Nông hội thay Nông hội đỏ. Nông dân có tổ chức chính là Nông hội và có thể tổ chức nhiều hội: hội tương tế, ái hữu, hợp tác xã, hội cấy, hội gặt, hội hiếu hỉ, hội góp họ, phường đi săn, hội chèo, nhóm học quốc ngữ... đã thu hút đông đảo nông dân đấu tranh giành quyền lợi của giai cấp mình. Chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng đã giúp cho Nông hội khắp nơi trong nước phát huy vai trò của mình trong việc tập hợp, lãnh đạo nông dân hợp lực với công nhân và nhân dân lao động đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ.
Trong năm 1937, có hơn 150 cuộc đấu tranh của nông dân chống cướp ruộng đất, đòi chia ruộng công, giảm tô, tức, khất thuế,... Từ tháng 01 - 11/1938, có 125 cuộc đấu tranh của nông dân với 55.442 người tham gia.
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám, tháng 5/1941 khẳng định nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tạm gác nhiệm vụ cách mạng ruộng đất thay bằng khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của đế quốc, Việt gian chia cho dân cày nghèo, thực hiện giảm tô, giảm tức; thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh); Mặt trận các đoàn thể lấy tên là Cứu quốc.
''Nông hội từ nay gọi là Việt Nam Nông dân cứu quốc hội, là một bộ phận của Việt Nam độc lập đồng minh; thu nạp hết thảy nông dân đến cả hạng phú nông, địa chủ muốn tranh đấu đuổi Pháp - Nhật''. Điều lệ Việt Nam Nông dân cứu quốc hội được Hội nghị tháng 5/1941 thông qua gồm 11 điều. Mục đích liên hiệp hết thảy các hạng nông dân yêu nước để binh vực quyền lợi hàng ngày cho nông dân và cùng với các đoàn thể khác chuẩn bị đánh Pháp đuổi Nhật giành quyền độc lập lại cho nước Việt Nam. Hội lấy làng, ấp làm cơ sở,… có Ban chấp hành hội chỉ huy, làng, tổng, tỉnh, xứ và toàn quốc.
Từ đầu năm 1941, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, nông dân các dân tộc Cao Bằng đã tổ chức những đoàn thể cứu quốc đầu tiên. Sau đó, nông dân từ miền ngược đến miền xuôi nô nức tham gia vào các đoàn thể của Mặt trận Việt Minh. Nông dân cứu quốc hội là lực lượng to lớn của Mặt trận Việt Minh, đồng thời nông dân còn chiếm đại đa số trong hầu hết các tổ chức cứu quốc ở nông thôn như: thanh niên, phụ nữ ... tạo nên một lực lượng chính trị rộng lớn, áp đảo kẻ thù. Các tổ chức nông dân cùng với công nhân đã trở thành ''xương sống'' của Mặt trận. Từ các bản làng heo hút ở vùng rừng núi Việt Bắc đại ngàn xuống đến vùng châu thổ sông Hồng hay trong các thôn xóm của Trung Kỳ, Nam Kỳ, các đội tự vệ cứu quốc mà lực lượng chủ yếu là thanh niên nông dân ưu tú đã lần lượt ra đời làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh của quần chúng.
Năm 1941 - 1942, dưới sự lãnh đạo của Nông dân cứu quốc hội, nông dân đã đấu tranh chống thu thóc, chống nhổ lúa trồng đay, nhổ ngô trồng thầu dầu... Từ năm 1943, với khẩu hiệu ''Đoàn kết toàn dân đánh đuổi Nhật - Pháp'', đã đưa nông dân tham gia mạnh mẽ vào các phong trào đấu tranh với những hình thức như biểu tình chống Nhật, vũ trang đánh Nhật… Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (ngày 09/3/1945), phong trào ''Phá kho thóc Nhật giải quyết nạn đói'' đã lôi cuốn hàng triệu nông dân vùng lên đấu tranh trực diện với kẻ thù. Qua phong trào đấu tranh các tổ chức cứu quốc của nông dân càng phát triển mạnh mẽ, góp sức vào làn sóng khởi nghĩa từng phần đang nổi lên cuồn cuộn trong cả nước, làm tan rã từng mảng chính quyền cơ sở của phát xít, tay sai, tạo nên khí thế cách mạng sôi sục, đưa cả nước hừng hực bước vào cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Thành công vĩ đại của Cách mạng tháng Tám là một minh chứng cho tinh thần, khả năng và vai trò cách mạng to lớn của nông dân với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đồng thời, là một thắng lợi của sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng đối với các tổ chức của giai cấp nông dân, thể hiện sự gắn bó giữa Đảng với nông dân, nông dân với Đảng.
2. Giai cấp nông dân Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước (1945 - 1975)
Trong điều kiện chiến tranh ngày càng lan rộng với mức độ gay go ác liệt hơn, nhiệm vụ kháng chiến càng đòi hỏi phải động viên toàn thể nông dân tham gia trên tất cả các mặt trận. Đảng và Nhà nước ta chủ trương thành lập Ban Nông vận Trung ương, kiện toàn tổ chức ở cấp Trung ương.
Ngày 06/8/1949, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 02 – NQ/TW về việc thành lập Ban Nông vận Trung ương, gồm 6 đồng chí: Hồ Viết Thắng, Nguyễn Hữu Thái, Nguyễn Mạnh Hồng, Phạm Xuân Di, Trương Việt Hùng, Trần Đào, đồng chí Hồ Viết Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng làm Trưởng ban.
Với nhiệm vụ của Ban Nông vận Trung ương là vận động nông dân: tăng gia sản xuất, tự cấp tự túc, nuôi dưỡng bộ đội, xây dựng hợp tác xã, hoàn thành giảm tô, thực hiện giảm tức, đào tạo cán bộ và thanh toán nạn mù chữ. Thực hiện chủ trương trên Ban Nông vận Trung ương đã tổ chức Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ nhất họp từ ngày 28/11 – 07/01/1949 tại thôn Phong Vân, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Dự Hội nghị có đông đảo cán bộ đại diện cho tổ chức Hội Nông dân ba miền Bắc, Trung, Nam. Hội nghị đã tập trung kiểm điểm, đánh giá ưu, khuyết điểm của tổ chức Hội, phong trào nông dân, đặc biệt là đánh giá vai trò của tổ chức và hoạt động của phong trào nông dân từ khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ.
Trong Thư gửi Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vị trí, vai trò và tiềm lực lớn lao của giai cấp nông dân cả nước trong đấu tranh giành chính quyền và sự nghiệp kháng chiến. Hội nghị đã nhất trí thành lập Hội Nông dân cứu quốc Trung ương (sau đổi tên là Ban Liên lạc Nông dân toàn quốc). Lần đầu tiên trong lịch sử Hội và phong trào nông dân, giai cấp nông dân có một tổ chức Hội ở cấp Trung ương, đáp ứng nguyện vọng của nông dân cả nước.
Ngày 16/4/1951 Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 09 – NQ/TW về “Thành lập các ban và tiểu ban giúp việc”, trong đó có Tiểu ban Nông vận gồm có 8 đồng chí: Hồ Viết Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng làm Trưởng ban và các đồng chí Trương Việt Hùng, Nguyễn Hữu Thái, Trần Đức Thịnh, Phạm Xuân Dy, Nguyễn Mạnh Hồng, Nguyễn Ca, Trần Đào.
Phong trào nông dân từ sau Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ nhất có bước phát triển mới, toàn diện và rất mạnh mẽ. Để tiếp tục đánh giá phong trào nông dân và tổ chức Hội. Ban Liên lạc nông dân toàn quốc quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ Hai, tháng 5/1951, tại thôn Đồng Quắc, xã Bình Nhân, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Dự Hội nghị có hơn 100 đại biểu đại diện cho giai cấp nông dân cả nước. Hội nghị đánh giá phong trào nông dân, hoạt động của tổ chức Hội và quán triệt nhiệm vụ Hội Nông dân trước yêu cầu nhiệm vụ đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tới toàn thắng. Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tới dự và phát biểu. Đồng chí Tổng Bí thư dành nhiều thời gian nói về Chính cương, quan điểm của Đảng đối với nông dân và chính sách ruộng đất. Hội nghị đã tập trung quán triệt những nhiệm vụ mới của Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào nông dân và xây dựng tổ chức Hội đáp ứng với những yêu cầu trước mắt.
Ngày 08/3/1956, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 05 – NQ/TW về “Thành lập Ban Công tác nông thôn của Đảng”, lãnh đạo Ban Công tác nông thôn, gồm Trưởng ban là đồng chí Hồ Viết Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng (4/1956 – 10/1956); các đồng chí Phó Trưởng ban: Nguyễn Mạnh Hồng, Nguyễn Hữu Khiếu, Trần Đức Thịnh; các đồng chí Ủy viên: Nguyễn Hữu Thái, Trương Việt Hùng, Phạm Xuân Di, Trần Đào, Nguyễn Ca.
Ở miền Bắc
Với tinh thần ''Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng'', nông dân đã hăng hái tham gia "Phong trào thi đua ái quốc sản xuất lập công đề cao chiến sĩ'' do Đảng và Chính phủ phát động. Các cấp Hội nông dân đã tập trung vận động thực hiện các phong trào, như: xây dựng “Cánh đồng 5 tấn”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, phong trào thanh niên nông thôn lên đường tòng quân giết giặc, bảo vệ Tổ quốc…
Hội Nông dân trong các vùng địch tạm chiếm đã tiến hành nhiều hình thức đấu tranh như bám ruộng đất, làng xóm để sản xuất; lên án hành động bắn phá, đốt hoa màu của địch; tranh thủ sản xuất, thu hoạch và cất giấu lương thực, thực phẩm ở vùng địch hậu trong cả nước để đảm bảo được nhu cầu của nhân dân mà còn đóng góp cho Nhà nước, phục vụ sự nghiệp kháng chiến.
Phong trào cách mạng của giai cấp nông dân và Hội Nông dân đã đóng góp quan trọng vào thắng lợi của các chiến dịch. Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ ngày 07/5/1954 và thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ ngày 20/7/1954 về Đông Dương mở ra một thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam. Hoà bình được lập lại ở Đông Dương, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ, tiến lên chủ nghĩa xã hội.Ở miền Nam
Được đế quốc Mỹ giúp sức, chính quyền Ngô Đình Diệm đã trắng trợn vi phạm Hiệp định Giơnevơ và tập trung sức củng cố bộ máy thống trị phản động, đẩy mạnh việc xây dựng quân đội ngụy làm lực lượng xung kích chống cộng và đàn áp nhân dân. Thực hiện chủ trương chuyển hướng đấu tranh của Đảng, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng ở nông thôn miền Nam, Nông hội vừa tích cực tổ chức, vận động nông dân chuẩn bị đấu tranh lâu dài, vừa khẩn trương tranh thủ thời gian trước khi bàn giao các địa bàn cho đối phương để củng cố sản xuất, ổn định đời sống. Nam Bộ và khu V tiếp tục đẩy mạnh việc chia cấp ruộng đất cho nông thôn nâng tổng số ruộng đất chia cho đồng bào lên 750.000ha cho 1.299.000 hộ nông dân.
Phong trào đấu tranh chính trị của nông dân miền Nam diễn ra hết sức mạnh mẽ, quyết liệt. Các làng, xã chiến đấu được hình thành và phát triển.
Ngày 20/12/1960, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam đã họp tại căn cứ Bắc Tây Ninh, tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Ngày 21/4/1961, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập và là thành viên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sự ra đời của Hội là một mốc lịch sử đánh dấu sự phát triển của tổ chức nông dân, mà trên thực tế hàng ngàn cơ sở Nông hội cứu quốc ở các khu, tỉnh, huyện, xã đã được phục hồi trong thời gian Đồng khởi.
Để phát huy những thành quả đạt được sau 5 năm hoạt động, tháng 01/1965 Đại hội lần thứ nhất của Hội Nông dân Giải phóng miền Nam được khai mạc. Đại hội đã đánh giá tình hình họat động của Hội từ khi ra đời và quán triệt yêu cầu nhiệm vụ mới của nông dân trong đấu tranh chống kế hoạch bình định nông thôn của ngụy quyền Sài Gòn. Đại hội đã biểu dương những thành tích to lớn của nông dân miền Nam trong việc phát triển thế trận chiến tranh nhân dân và chiến tranh du kích, đánh địch bảo vệ vùng giải phóng, vùng căn cứ cách mạng và là lực lượng chủ yếu trên mặt trận sản xuất, bảo đảm đời sống và cung cấp hậu cần cho bộ đội ở tiền phương đánh giặc.
Qua Đại hội I Hội Nông dân Giải phóng miền Nam, phong trào của Hội tiếp tục được phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Lúc này bộ máy tổ chức của Hội Nông dân Giải phóng miền Nam đã hình thành theo 5 cấp: Miền, Khu, Tỉnh, Huyện và Xã. Xã là tổ chức cơ sở của Hội, xã có Ban Chấp hành, dưới xã có Ban cán sự thôn, ấp và tiểu tổ Hội. Bộ máy của Hội được củng cố từ Xã lên Huyện, Tỉnh và Khu.
Tháng 7/1965, Hội Nông dân giải phóng miền Nam đã ban hành dự thảo Điều lệ hoạt động của Hội nhằm tiếp tục mở rộng hoạt động của các cấp Hội cơ sở, phát triển hội viên và động viên nông dân phát huy vai trò tích cực của mình trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tháng 1/1969, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam đã tiến hành Đại hội lần thứ II, nhằm tổng kết phong trào đấu tranh của nông dân trong tám năm, đồng thời quán triệt yêu cầu và nhiệm vụ mới của nông dân trong đấu tranh chống kế hoạch ''Bình định cấp tốc'' của địch. Đại hội đã biểu dương những thành tích to lớn của nông dân miền Nam trong việc phát triển thế trận chiến tranh du kích, đánh địch, bảo vệ vùng giải phóng, vùng căn cứ và là lực lượng chủ yếu trên mặt trận sản xuất, bảo đảm đời sống và cung cấp hậu cần cho bộ đội. Hội tập trung vận động, tuyên truyền nông dân thực hiện đúng đường lối kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng.
Thực hiện chủ trương của Đảng, lấy địa bàn nông thôn làm hướng tiến công chính, đánh mạnh vào kế hoạch “Bình định cấp tốc” của địch, giữ đất, giành dân, Hội Nông dân giải phóng miền Nam đã chủ động giáo dục hội viên khắc phục tư tưởng nôn nóng, thoát ly thực tế muốn thắng nhanh, đồng thời vạch rõ nhiệm vụ quan trọng nhất ở nông thôn là phải ''giành dân, giành đất, phát triển thế và lực của ta". Nông dân liên tục nổi dậy phá rã, phá banh nhiều khu dồn dân, phá thế kìm kẹp, giành quyền làm chủ trên nhiều địa bàn quan trọng. Vùng giải phóng đã mở rộng tới sát Sài Gòn. Ở đồng bằng Nam Bộ, nông dân nổi dậy mở thêm nhiều vùng, nhiều lõm (nằm trong vùng) giải phóng, nối các vùng giải phóng thành thế liên hoàn liên xã, liên huyện.
Thắng lợi của phong trào nông dân nổi dậy và cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè 1972 đã làm chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh ở miền Nam và tiến tới "Tổng tấn công" mùa Xuân năm 1975 giành trọn vẹn thắng lợi, đất nước thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà.
3. Hội Nông dân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Phát huy vai trò của tổ chức Hội Nông dân trong sự nghiệp cách mạng và tiến tới Đại hội đại biểu nông dân toàn quốc, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đối với giai cấp nông dân Việt Nam, như:.
Ngày 18/9/1974, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 209 - CT/TW về tổ chức Đại hội Đại biểu nông dân tập thể các cấp.
Ngày 11/10/1974, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông báo số 16 – TB/TW về việc thành lập Ban Trù bị Đại hội đại biểu nông dân tập thể Trung ương (gắn với Ban Nông nghiệp Trung ương).
Ngày 25/6/1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Công văn số 156 – CV/TW, quyết định tách Ban Trù bị Đại hội đại biểu nông dân tập thể Trung ương (trước đây nằm trong Ban Nông nghiệp Trung ương) thành một cơ quan riêng trực thuộc Ban Bí thư, thuộc hệ thống các đoàn thể quần chúng.
Ngày 27/9/1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 78 – CT/TƯ về việc tổ chức Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam.
Để phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đoàn kết nông dân lao động, đưa nông thôn nước ta tiến lên CNXH, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập tổ chức thống nhất của nông dân lao động trong cả nước, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, lấy tên là Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam. Chỉ thị khẳng định Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam là tổ chức quần chúng rộng rãi của nông dân lao động trong cả nước, Hội có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết nông dân để giáo dục, vận động nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, hoàn thiện quan hệ sản xuất XHCN ở miền Bắc và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp miền Nam, đưa nông thôn tiến lên CNXH. Hội kết nạp tất cả nông dân hăng hái phấn đấu vào con đường làm ăn tập thể XHCN, theo nguyện tắc tự nguyện.
Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam được thành lập có ý nghĩa chính trị to lớn. Sau nhiều năm không có tổ chức Hội (ở miền Bắc), nay giai cấp nông dân cả nước có tổ chức thống nhất từ Trung ương xuống cơ sở.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nông nghiệp nước ta chưa có những chuyển biến tích cực. Mô hình hợp tác xã nông nghiệp trong thời gian qua không còn phù hợp. Những hạn chế của nó đã dẫn đến những biểu hiện suy thoái trong phát triển sản xuất, những dấu hiệu khủng hoảng, bất hợp lý bộc lộ ngày càng rõ, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Tổ chức Hội Nông dân ngày càng được Đảng quan tâm hơn. Ngày 27/9/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 116 – CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam.
Về tổ chức Hội, Ban Bí thư quy định: “Ở Trung ương, tỉnh, huyện thành lập Hội đồng của Hội Liên hiệp nông dân tập thể ở từng cấp; cơ quan của Hội đồng gắn với Ban Nông nghiệp của Đảng, là một bộ phận của Ban Nông nghiệp Trung ương, Ban Nông nghiệp tỉnh, thành phố. Ở cấp huyện, cử đồng chí thường vụ cấp ủy Đảng phụ trách nông nghiệp trực tiếp làm chủ tịch Hội đồng nông dân tập thể ở huyện và một số cán bộ có chất lượng giúp việc làm những nhiệm vụ thường trực của Hội đồng nông dân tập thể huyện”. Đồng thời, quyết định cho ban hành Điều lệ Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam quy định rõ tính chất, mục đích, nhiệm vụ của Hội và tổ chức Hội ở các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam.
Ngày 20/12/1982, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông tri số 22 – TT/TW quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Trù bị Đại hội đại biểu nông dân tập thể toàn quốc.
Ngày 13/02/1984, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông báo số 32 – TB/TW về việc mở Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam.
Ngày 10/3/1984, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Công văn số 326 – CV/TW về hướng dẫn công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội đại biểu nông dân tập thể các cấp và đại hội toàn quốc Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam.
Từ ngày 28/5 - 31/5/1984, tại Hậu Giang, Ban Trù bị Đại hội đại biểu nông dân tập thể toàn quốc đã tổ chức họp với 39/40 tỉnh, thành phố trong cả nước để sơ kết Đại hội các cấp chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam.
Ngày 22/6/1984, Ban Bí thư ra Thông tri số 45 – TT/TW, về tổ chức của Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam. Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam là một tổ chức quần chúng rộng rãi của nông dân lao động do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Địa bàn hoạt động chủ yếu của Hội là cơ sở. Cơ quan của Hội các cấp là Hội đồng Hội Liên hiệp nông dân tập thể. Tổ chức cơ sở của Hội là Hợp tác xã quy mô toàn xã, xã viên là hội viên, được kết nạp tập thể. Ở cấp huyện do đồng chí huyện ủy phụ trách nông nghiệp làm Chủ tịch; ở cấp tỉnh, thành phố do Trưởng hoặc Phó Ban Nông nghiệp làm Chủ tịch. Hội đồng sử dụng bộ máy của Ban Nông nghiệp tỉnh, thành làm thường trực của Hội. Ở Trung ương do đồng chí Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương làm Chủ tịch. Hội đồng sử dụng bộ máy của Ban Nông nghiệp Trung ương làm thường trực Hội. Chuyển Ban Chấp hành của Hội ở các cấp thành Hội đồng.
Để thống nhất quan điểm, nhận thức về vị trí, vai trò, tổ chức hoạt động của Hội Liên hiệp Hội Nông dân tập thể, đồng thời chuẩn bị tốt hơn về mọi mặt cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam. Từ ngày 26/4 – 28/4/1986, tại thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Sơn Bình, Ban Nông nghiệp Trung ương đã tổ chức hội nghị các Trưởng ban Nông nghiệp và Chủ tịch Hội Nông dân tập thể các tỉnh, thành phố dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Trung ương Đảng, cùng các đồng chí Vũ Oanh, Dương Quốc Cẩm.
Quán triệt tinh thần đổi mới theo nội dung Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, nhằm đẩy mạnh hoạt động của Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam, ngày 24/3/1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 05/CT-TW về Tổ chức Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội.
Ngày 01/3/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 42 – QĐ/TW về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam.
Tại phiên họp ngày 17/01/1991, Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14 tháng 10 năm 1930 làm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.
Ngày 20/5/1991, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 69 – CT/TƯ về việc Tổ chức kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/1991). Lần đầu tiên Hội Nông dân Việt Nam tổ chức mít tinh kỷ niệm trọng thể 61 năm Ngày thành lập Hội tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Đỗ Mười tới dự và có bài phát biểu quan trọng.
Tại Lễ Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2010), giai cấp nông dân Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân Chương Sao Vàng (lần 2).
4. Các kỳ đại hội của Hội Nông dân Việt Nam
4.1. Đại hội lần thứ I (nhiệm kỳ 1988 - 1993)
Đại hội được tổ chức từ ngày 28/3 - 29/3/1988 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Tham dự Đại hội có 613 đại biểu thay mặt cho 11.188.789 hội viên của cả nước. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 95 đồng chí và bầu 17 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Phạm Bái - Ủy viên BCH Trung ương Đảng được bầu giữ chức Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Đại hội là sự kiện chính trị trọng đại, đã đánh dấu một mốc son quan trọng trên chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng, mở ra giai đoạn phát triển mới của phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam. Từ đây, Hội Nông dân Việt Nam, một tổ chức chính trị - xã hội rộng rãi của giai cấp nông dân có hệ thống tổ chức hoàn chỉnh từ Trung ương đến cơ sở, khẳng định những quan điểm cơ bản của Đảng về vị trí, vai trò của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam.
4.2. Đại hội lần thứ II (nhiệm kỳ 1993 - 1998)
Đại hội được tổ chức từ ngày 15/11 - 19/11/1993 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Dự Đại hội có 600 đại biểu đại diện cho 7.269.982 hội viên (số hội viên giảm nhiều so với Đại hội I là do Hội có chủ trưởng rà soát danh sách, nâng cao chất lượng hội viên) . Đại hội đã bầu 77 đồng chí vào Ban Chấp hành và 14 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) - Ủy viên BCH Trung ương Đảng được bầu lại làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Đây là Đại hội “Đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động”, là Đại hội của trí tuệ và niềm tin, nơi hội tụ ý chí và nguyện vọng của giai cấp nông dân quyết tâm đổi mới và xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh về mọi mặt.
4.3. Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 1998 - 2003)
Đại hội được tổ chức từ ngày 17/11 - 20/11/1998 tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội. Tham dự Đại hội có 700 đại biểu thay mặt cho 7.215.544 hội viên. Đại hội đã bầu 114 Ủy viên Ban Chấp hành, 19 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Nguyễn Đức Triều - Ủy viên BCH Trung ương Đảng được bầu lại giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Đại hội khẳng định tiếp tục đổi mới và phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt của Hội, tổ chức, động viên giai cấp nông dân phát huy nội lực, cần kiệm xây dựng đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
4.4. Đại hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 2003 - 2008)
Đại hội được tổ chức từ ngày 22/11 - 25/11/2003 tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội. Tham dự Đại hội có 860 đại biểu đại diện cho 8.173.238 hội viên cả nước. Đại hội đã bầu 120 Ủy viên Ban Chấp hành và 21 Ủy viên Ban Thường vụ; đồng chí Vũ Ngọc Kỳ - Ủy viên BCH Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Chủ đề Đại hội là ''Đoàn kết - Đổi mới - Dân chủ - Phát triển''. Đại hội đã xác định phương hướng là: Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh về mọi mặt, là trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới; nâng cao vai trò đại diện của giai cấp nông dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
4.5. Đại hội lần thứ V (nhiệm kỳ 2008 - 2013)
Đại hội đã được tổ chức từ ngày 22/12 - 25/12/2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình - Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.175 đại biểu đại diện cho 9.563.577 hội viên. Đại hội đã bầu 124 Ủy viên Ban Chấp hành và 21 Ủy viên Ban Thường vụ; đồng chí Nguyễn Quốc Cường - Ủy viên BCH Trung ương Đảng tái đắc cử giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Chủ đề Đại hội: “Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”. Đại hội đã xác định phương hướng là: “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh, là chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; Hội Nông dân vững về chính trị, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động, là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế thế giới…”.
4.6. Đại hội lần thứ VI (nhiệm kỳ 2013 - 2018)
Đại hội được tổ chức từ ngày 30/6 - 03/7/2013 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình - Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.169 đại biểu thay mặt cho 9.913.432 hội viên cả nước. Đại hội đã bầu 122 Ủy viên Ban Chấp hành và 21 Ủy viên Ban Thường vụ; đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng được tái cử giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Chủ đề Đại hội: “Đoàn kết - Đổi mới - Chủ động - Hội nhập - Phát triển bền vững”. Đại hội xác định phương hướng: Phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới; đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động theo hướng kết hợp chặt chẽ công tác tập hợp, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giám sát, phản biện xã hội và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với đẩy mạnh hợp tác tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề, đáp ứng nhu cầu và lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân. Trực tiếp và phối hợp thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở nông thôn..
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội lần thứ thứ 8 (khóa VI), họp ngày 24/6/2016 tại Hà Nội đã bầu đồng chí Lại Xuân Môn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực giữ chức Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thay đồng chí Nguyễn Quốc Cường được Bộ Chính trị cho nghỉ hưu; tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần thứ 13 (Khóa VI), họp ngày 12/01/2018, tại Hà Nội đã bầu đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thay đồng chí Lại Xuân Môn được Bộ Chính trị bố trí công tác mới.
4.7. Đại hội lần thứ VII (nhiệm kỳ 2018 – 2023)
Đại hội được tổ chức từ ngày 11 - 13/12/2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình - Hà Nội. Tham dự Đại hội có 999 đại biểu đại diện cho 10.192.865 hội viên cả nước. Đại hội vinh dự được đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đại diện các ban, bộ, ngành trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, các cơ quan thông tấn báo chí. Đại hội đã bầu 119 uỷ viên Ban Chấp hành; Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VII họp ngày 12/12/2018 tại Hà Nội đã bầu 21 uỷ viên Ban Thường vụ; đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng tái đắc cử giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Đây là Đại hội của tinh thần: “Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”. Đại hội xác định phương hướng chung của nhiệm kỳ 5 năm (2018-2023) là: Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của Hội và giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại. Hội Nông dân Việt Nam cần nắm chắc nguyên tắc liên minh công nông, tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo hướng giải quyết tốt lợi ích thiết thân của hội viên, nông dân, luôn dựa vào nông dân, vì nông dân; kết hợp chặt chẽ phương pháp vận động, tuyên truyền miệng với phương pháp tổ chức có hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh; vận động hội viên, nông dân thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển và nâng cao chất lượng hội viên.
Tiếp tục đẩy mạnh Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khóa VII) họp tại Hà Nội từ ngày 22-23/7/2019 đã thông qua ba Nghị quyết về xây dựng Hội: Nghị quyết số 04 - NQ/HNDTW “về đẩy mạnh xây dựng Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp”; Nghị quyết số 05 - NQ/HNDTW “về tăng cường công tác phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên Hội Nông dân Việt Nam”; Nghị quyết số 06 - NQ/HNDTW “về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới”.
5. Những bài học kinh nghiệm của Hội Nông dân Việt Nam
Một là, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi kết quả hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam; không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tinh thần sáng tạo của các cấp Hội, cán bộ, hội viên, nông dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ thị, nghị quyết của Hội Nông dân Việt Nam.
Hai là, chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội các cấp có đủ năng lực, phẩm chất, nhiệt tình, trách nhiệm, hiểu nông dân và vì nông dân, nắm vững các chủ trương, chính sách để tuyên truyền, giải thích cho nông dân hiểu; chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân thì sẽ phát huy được vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, đổi mới nội dung, phương thức vận động nông dân phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế thì mới đoàn kết, tập hợp nông dân và nâng cao được chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp; chú trọng chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích thiết thực, chính đáng của nông dân để tuyên truyền, vận động. Các hoạt động của Hội đều hướng về cơ sở, kịp thời nắm bắt, giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của hội viên nông dân và coi sự tham gia của hội viên, nông dân về các hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân làm thước đo đánh giá chất lượng công tác Hội và đội ngũ cán bộ Hội các cấp.
Bốn là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Hội phải có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở và thường xuyên cùng hội viên, nông dân sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, động viên khen, thưởng kịp thời để hoàn thiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến thì Hội Nông dân sẽ hoạt động có hiệu quả, phát động thành công các phong trào thi đua yêu nước.
Năm là, tăng cường phát huy dân chủ, mở rộng các hình thức đối thoại, tiếp xúc giữa cấp ủy, chính quyền, tổ chức Hội các cấp với hội viên, nông dân; nâng cao hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, nêu cao vai trò của hội viên, nông dân trong việc tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền. Chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân.
*
* *
Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam là dịp để cán bộ, hội viên, nông dân cùng nhân dân cả nước ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của tổ chức Hội và giai cấp nông dân Việt Nam; cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên, nông dân ra sức thi đua, phát huy vai trò, trách nhiệm của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hòa bình, thịnh vượng./.
MỘT SỐ KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN 90 NĂM KỶ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM
1. Nhiệt liệt chào mừng 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2020)!
2. Cán bộ, hội viên nông dân thi đua lập thành tích chào mừng 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2020)!
3. Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh là trách nhiệm của toàn thể cán bộ, hội viên nông dân!
4. Cán bộ, hội viên, nông dân cả nước tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
5. Cán bộ, hội viên, nông dân ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng!
6. Cán bộ, hội viên, nông dân cả nước quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại!
7. Giai cấp Nông dân Việt Nam đoàn kết, sáng tạo, phát triển vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”!
8. Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
9. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
10. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!
TRUNG ƯƠNG HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM