Thiết kế nội thất máy bay của Công ty Priestman Goode với ghế được tối giản hóa,
có màn chắn ghế, sử dụng ánh sáng cực tím xa để khử khuẩn
Kể cả khi có vaccine, thế giới chắc chắn vẫn sẽ phải sống chung với dịch Covid-19. Với ngành hàng không, việc tìm ra những giải pháp khả thi để vừa nối lại hoạt động bay, vừa hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo sẽ là ưu tiên hàng đầu.
Ưu tiên biện pháp cải tiến nhanh chóng, tiện dụng
Ngành hàng không khắp nơi trên thế giới đang tha thiết kêu gọi, vận động Chính phủ các nước dỡ bỏ các quy định hạn chế đi lại, mở cửa hàng không quốc tế, đưa hoạt động hàng không dần trở lại bình thường.
Với việc áp dụng quy định giãn cách trên máy bay, dù các hãng vẫn có khách nhưng không đủ lợi nhuận để duy trì hoạt động. Năng suất mỗi chuyến phải đạt được mức 70 - 80% lượng ghế/1 chuyến, các hãng mới có lãi.
Do đó, giải pháp lắp thêm các thiết bị ngăn cách như vách ngăn bên ghế, tấm che trên đầu để hành khách ngồi cạnh nhau nhưng không bị chạm đầu, vai hay khuỷu tay; tăng cường công nghệ khử khuẩn trên cabin… là lựa chọn hàng đầu.
Hiện tại, một trong những công ty lớn nhất trong ngành công nghiệp thiết kế hàng không là Recaro Aircraft Seating GmbH, có trụ sở tại Đức đã bổ sung một số thiết bị như tấm che đầu, vách ngăn cách bằng vải vào ghế ngồi trên cabin, cho phép hành khách giữ khoảng cách và hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Giám đốc điều hành Recaro, ông Mark Hiller cho biết, đã có nhiều hãng hàng không đang cân nhắc lắp đặt thiết bị của Recaro như một giải pháp tạm thời khi thế giới chưa thể khống chế virus Corona.
“Điều quan trọng là khách hàng cần những thiết kế dễ cải tiến, trọng lượng nhẹ và thời gian giao hàng nhanh chóng. Mức độ quan tâm tới các sản phẩm này rất lớn, trải rộng khắp khu vực”, ông Hiller chia sẻ thêm.
Một công ty khác của Anh là Priestman Goode cũng mới công bố loại ghế ngồi mới, cho phép hành khách ngồi theo từng nhóm 2 - 3 người (thuận tiện cho những nhóm người thân và bạn bè).
Giữa mỗi hàng ghế sẽ có tấm ngăn cách kéo dài từ trần máy bay xuống đỉnh của hàng ghế để tăng khả năng phòng tránh lây lan virus. Mỗi chiếc ghế được thiết kế theo nguyên tắc tối giản, ít chi tiết, đường viền nhỏ để dễ khử khuẩn, giảm nguy cơ virus lưu lại.
Bộ phận trên ghế được thay đổi rõ nhất chính là phần lưng và khay bàn ăn. Ở đó, Priestman Goode đã thay màn hình tích hợp cảm ứng trên ghế phục vụ mục đích giải trí và thông báo trên chuyến bay bằng những thiết kế cho phép đính kèm để hành khách có thể dựng chính điện thoại di động và máy tính bảng của mình lên lưng ghế, tự trải nghiệm theo phong cách của mình.
Thông tin về an toàn và chuyến bay được in lên lưng ghế để hạn chế việc hành khách cầm nắm sử dụng các tờ tạp chí, văn bản thông báo.
Ứng dụng phát minh mới về diệt khuẩn lên máy bay
Một vấn đề khác mà ngành công nghiệp hàng không bắt buộc phải nhìn nhận lại sau đại dịch Covid-19 lần này, đó là không thể đặt hoàn toàn niềm tin sẽ diệt sạch virus vào công nghệ khử khuẩn của hệ thống điều hòa trên máy bay, điều mà họ vốn tự tin là có hiệu quả.
Điển hình, tháng 8 vừa rồi, 187 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay của hãng Hàng không TUI AG xuất phát từ khu nghỉ dưỡng Zante của Hy Lạp tới Cardiff, đã buộc phải cách ly khi có ít nhất 16 người được phát hiện bị nhiễm virus sau chuyến bay.
Để cải thiện nỗi lo này, nhiều công ty như Recaro đưa ra biện pháp phủ lớp khử trùng lên ghế và được nhiều hãng quan tâm ứng dụng. Phía công ty Đức cho biết, sản phẩm này được bổ sung thêm chất kháng một số loại virus như Corona, để tăng khả năng diệt khuẩn, virus trên máy bay.
Trong khi đó, công ty Priestman Goode tung ra phát minh sử dụng nguyên liệu vải “thông minh” có thể đổi màu khi vải đã được khử khuẩn, làm sạch, để làm chất liệu bọc ghế. Nguyên liệu này được xử lý với các loại chất nhuộm có khả năng thay đổi màu khi tiếp xúc với tia UV hoặc nhiệt.
Công ty của Anh còn đưa ra sáng kiến sử dụng ánh sáng tia cực tím xa (far-UVC) cho phép diệt khuẩn và virus trên cabin. Trong quá trình khử khuẩn, ánh sáng này sẽ có màu xanh và chuyển sang màu vàng khi hoàn tất.
Đã có một số nghiên cứu mới chỉ ra, tia far-UVC có thể diệt các virus, vi khuẩn nhỏ trên bề mặt và trong không khí tới 99,9%. Song giới chuyên gia vẫn khuyến cáo cần thực hiện thêm một số nghiên cứu dài hạn để đánh giá mức độ an toàn của các loại tia này đối với sức khỏe con người.