Ảnh minh họa
Để tiếp tục phát huy thế mạnh vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa, sớm khắc phục ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đảm bảo đạt được các mục tiêu của vận tải đường thủy nội địa đã đặt ra trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức, doanh nghiệp liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp.
7 nhóm nhiệm vụ chính
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương, theo chức năng và nhiệm vụ được giao có kế hoạch cụ thể tổ chức triển khai thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ chính sau đây:
1- Tiếp tục tập trung triển khai Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19 đối với lĩnh vực vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.
2- Nghiên cứu, rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách theo hướng tạo điều kiện và hỗ trợ hơn nữa đối với vận tải thủy nội địa; tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ nhằm đẩy mạnh cải cách, đơn giản thủ tục hành chính đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước trong lĩnh vực vận tải thủy nội địa.
3- Tập trung nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia, vùng, tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan đến vận tải thủy nội địa, trong đó lưu ý tăng cường kết nối đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.
4.-Quản lý và sử dụng hiệu quả vốn trong đầu tư xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; khuyến khích, thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt ưu tiên các dự án giao thông kết nối với các cảng, bến thủy nội địa quy mô lớn tại các vùng kinh tế trọng điểm.
5- Thu hút đầu tư phát triển cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện thủy nội địa nhằm phát triển đội tàu vận tải với chất lượng ngày càng cao, cơ cấu hợp lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng.
6- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển; nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.
7- Tiếp tục quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp kinh doanh vận tải thủy nội địa, vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa, song song với việc tổ chức, triển khai hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm đối với công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, vừa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả việc tuân thủ quy định pháp luật của các chủ thể liên quan đến vận tải thủy nội địa, vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp...
Tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa,
Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng công tác lập, tổ chức thực hiện các quy hoạch lĩnh vực giao thông vận tải đảm bảo tính đồng bộ kết nối của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa; phù hợp với chiến lược, quy hoạch quốc gia, các quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan nhằm gắn kết tốt với trung tâm logistics, cảng cạn.
Đồng thời, tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, phát huy tối đa vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics. Cụ thể, kêu gọi đầu tư phát triển các cảng thủy nội địa khai thác hàng công-ten-nơ có chức năng đầu mối tại khu vực phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long với cơ sở vật chất, trang thiết bị bốc xếp đồng bộ, hiện đại nhằm gia tăng nhanh thị phần vận tải công-ten-nơ bằng đường thủy nội địa.
Ưu tiên kết nối đường thủy nội địa với cảng biển trên cơ sở đầu tư xây dựng bến thủy nội địa, bến phao neo trong vùng nước cảng biển (Hải Phòng, Nghi Sơn; Bà Rịa - Vũng Tàu; Thành phố Hồ Chí Minh …) nhằm khai thác hiệu quả hạ tầng cảng biển tại khu vực, giảm thiểu tình trạng phương tiện thủy nội địa phải chờ làm hàng, bốc xếp hàng hóa do thiếu cảng, bến; từ đó tạo điều kiện kết nối tốt các cảng biển với các khu vực hậu phương, vùng sản xuất hàng hóa tập trung trong nội địa bằng đường thủy nội địa.
Đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch được duyệt, trong đó ưu tiên đầu tư các cảng cạn kết nối với đường thủy nội địa ở khu vực phía Nam, các cảng cạn kết nối với đường thủy nội địa, đường sắt ở khu vực phía Bắc làm đầu mối kết nối các phương thức vận tải kết hợp cung cấp các dịch vụ logistics; tăng cường kết nối các phương thức vận tải, giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.
Khuyến khích các doanh nghiệp vận tải và chủ hàng sử dụng sàn giao dịch vận tải để tối ưu hóa vận tải hai chiều hàng hóa thông thường và hàng công-ten-nơ; tiếp tục tăng cường hoạt động của tuyến vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để thực hiện thủ tục thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu đường thủy Vĩnh Xương - An Giang và Thường Phước - Đồng Tháp đến 22 giờ 00 hàng ngày, tiến tới thực hiện thủ tục 24/24 nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển vận tải thủy qua biên giới Việt Nam - Campuchia.
Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư
Giải pháp trọng tâm khác là Bộ Giao thông vận tải nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thủy nội địa. Cụ thể, xây dựng kế hoạch trung hạn và hằng năm để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước và của từng địa phương theo từng giai đoạn cân đối, bố trí các nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn ngân sách, vốn ODA cho các dự án nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải, ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình tại các nút thắt hạ tầng có tính quan trọng, cấp bách. Đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy.
Sớm triển khai nâng cấp các tuyến vận tải thủy huyết mạch như: tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2), tuyến Cà Mau - Rạch Giá - Hà Tiên, sông Hàm Luông…; triển khai thực hiện theo Hiệp định đã ký kết đối với Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ; cân đối đủ vốn đối ứng để triển khai dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới để nâng cao năng lực thông qua, rút ngắn thời gian vận chuyển trên toàn hành lang;
Từng bước giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn về tĩnh không các cầu trên các hành lang vận tải thủy chính (Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, Hải Phòng - Ninh Bình, Hồ Chí Minh - Cà Mau, tuyến vận tải thủy kết nối Campuchia), trong đó đặc biệt ưu tiên nâng tĩnh không các cầu: cầu Đuống, cầu Đồng Nai cũ, cầu Bình Triệu, cầu Phước Long, cầu Măng Thít, cầu Nàng Hai, cầu Rạch Ông, cầu An Long…;
Tiếp tục tổ chức khai thác, bảo trì có hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa hiện có; chú trọng hoàn thiện hệ thống phao tiêu báo hiệu, công trình hỗ trợ phục vụ vận tải thủy nội địa.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác kinh doanh vận tải thủy nội địa, vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa: từ công tác quản lý thực hiện thủ tục vào, rời cảng, bến thủy nội địa; điều hành, khai thác vận tải, quản lý vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics; phát triển sàn giao dịch vận tải; xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử quản lý phương tiện, thuyền viên, dữ liệu về chứng chỉ, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên…
Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/1/2020 của Chính phủ. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vận tải thủy nội địa; tối thiểu 01 lần/quý, tổ chức đối thoại, gặp mặt, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải thủy về những khó khăn, vướng mắc để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định.
Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động vận tải thủy nội địa, vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa để kiểm soát tải trọng, thuyền viên, người lái phương tiện để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao để phát triển vận tải thủy nội địa
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, rà soát phối hợp với các bộ, ngành có liên quan chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học triển khai đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có trình độ cao đáp ứng nhu cầu thực tế để phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, rà soát phối hợp với các bộ, ngành có liên quan chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu thực tế để phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, căn cứ theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải tổng hợp và xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định. Bộ Tài chính nghiên cứu cân đối, bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện tổng điều tra phương tiện thủy nội địa, doanh nghiệp kinh doanh vận tải thủy nội địa theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;
Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, rà soát sửa đổi các văn bản có liên quan theo hướng ưu tiên quỹ đất và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa bốc xếp công-ten-nơ tại khu vực phía Bắc và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, rà soát các quy định để ưu tiên xây dựng công trình xếp, dỡ, vận chuyển hàng hóa của các cảng thủy nội địa ở ngoài đê, không ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ, an toàn đê điều.
Tạo điều kiện thuận lợi đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa theo quy hoạch
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu, rà soát, ưu tiên quỹ đất, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa theo quy hoạch (đặc biệt sớm triển khai xây dựng các cảng thủy nội địa bốc xếp công-ten-nơ tại khu vực Phù Đổng, các cảng thủy nội địa tại Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, khu vực đồng bằng sông Cửu Long); nâng cấp, mở rộng, phát triển cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện thủy nội địa; quy hoạch bãi đổ chất nạo vét luồng lạch và giải toả khu vực lấn chiếm về hành lang an toàn giao thông đường thuỷ nội địa.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng chủ động tuyên truyền đến doanh nghiệp, hội viên lựa chọn phương thức vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa để nâng cao thị phần của phương thức này; khuyến khích doanh nghiệp, các hội viên đầu tư phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa, tham gia phát triển kết cấu hạ tầng vận tải thủy nội địa; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá các dịch vụ trong hoạt động vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.