Sáng 5/10, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc họp nghe và cho ý kiến về giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn Tỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh chủ trì. Tham dự có đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án giao thông 6, Bộ Giao thông vận tải; đại diện các sở, ban, ngành và địa phương liên quan.
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp
Tình hình triển khai
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An có chiều dài khoảng 87,84km, thuộc tiểu dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và tiểu dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, đi qua thị xã Hoàng Mai và các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc và Hưng Nguyên. Số vốn đã cấp cho dự án là 1.891,5 tỷ đồng. Trong đó đã giải ngân hơn 74% với chiều dài 77,61km.
Theo tiến độ, đến cuối tháng 12 phải bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, tuy nhiên, đến nay theo đánh giá, báo cáo của các địa phương và sở, ngành thì việc thi công các khu tái định cư, công tác rà soát, kiểm kê để GPMB các hộ đền bù đất ở, đất vườn không thuộc khu tái định cư còn chậm. Việc di dời các đường điện cao thế chậm cả về tiến độ và giải ngân, đến nay nhiều nơi chưa làm xong các thủ tục ban đầu.
Bên cạnh đó, việc di dời mồ mả cũng chưa đạt yêu cầu, mới chỉ di dời được 73/645 ngôi. Còn hơn 2 km đất nông nghiệp vẫn có những vướng mắc nhỏ lẻ chưa tháo gỡ cần phải đẩy nhanh hơn nữa. Vì vậy, cuộc họp đánh giá so với mốc 30/10/2020 phải GPMB xong là rất khó đạt nếu không đẩy nhanh tiến độ.
Cụ thể, về đường điện cao thế 220kv có 13 vị trí đang trình thẩm định bước dự án đầu tư, gồm Quỳnh Lưu 4 vị trí, Diễn Châu 7 vị trí, Hưng Nguyên 2 vị trí. Đường điện cao thế 110kv có 10 vị trí, trong đó 1 vị trí đã di dời (Yên Thành); các vị trí còn lại đang trình cấp trên thẩm định. Đường điện trung thế và hạ thế có 114 vị trí, trong đó 31 vị trí đang di dời; 40 vị trí đã chọn xong nhà thầu nhưng đang chờ điều chỉnh, các vị trí còn lại đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục.
Đối với hệ thống cáp viễn thông cần di dời của VNPT thì đã thẩm định xong ở Hoàng Mai, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Đối với cáp Viettel tại Hoàng Mai, Quỳnh Lưu đang điều chỉnh lại, còn các huyện khác đang trong giai đoạn lập báo cáo. Toàn tuyến có 645 mồ mả phải di dời, tuy nhiên, đến nay mới chỉ di dời được 73 ngôi. Ngoài ra, một số tuyến tín hiệu đường sắt, đường ống nước sạch cũng bị ảnh hưởng và đang được các bên liên quan hoàn thiện các thủ tục để di dời.
Đề nghị tháo gỡ các vướng mắc
Tại cuộc họp, vướng mắc được các địa phương đề nghị tháo gỡ tập trung việc thẩm định nguồn gốc đất và điều chỉnh giá đất đền bù. Bên cạnh đó, việc thẩm định, lập dự toán di dời các đường điện cũng gặp bất cập khi kiểm tra thực tế phát sinh số lượng nhiều so với ban đầu.
Tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An có chiều dài: 87,84 km. Đã GPMB: 77,61 km (88,35%). Trong đó, đất nông nghiệp: 77,15/79,31 km (97,3%). Đất ở, đất vườn: 0,46/3,47 km (13,3%). Đất tái định cư: 5,06 km chưa được giải phóng (0%). |
Ông Phan Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành nêu, tại địa bàn Yên Thành còn vướng mắc về GPMB một số diện tích đất nông nghiệp, đất thương mại, dịch vụ thuộc diện GPMB. Cụ thể, khi áp giá bồi thường theo quy định nhưng người dân không đồng tình, huyện đề nghị áp dụng giá bồi thường theo giá đất ở. Yên Thành có 6 hộ không đồng tình với giá đất ở tại khu tái định cư, huyện xin ý kiến tiếp tục họp hội đồng bồi thường GPMB để thẩm định lại giá bồi thường. Bên cạnh đó, việc thi công khu tái định cư ở Yên Thành còn có 1 hộ chống đối, huyện đang xin ý kiến bảo vệ thi công và tháo gỡ những vướng mắc về nguồn gốc đất.
Còn trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, ông Nguyễn Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, hiện còn vướng mắc công tác đền bù cho 1 hộ gia đình về nguồn gốc đất sau khi tách thửa cho con và di dời một số ngôi mộ. Còn việc bồi thường đất lúa dự kiến khoảng 22 tỷ đồng chưa có trong hạng mục dự toán, huyện đề nghị tỉnh cho ý kiến về nguồn chi trả.
Cũng nêu các vướng mắc về GPMB đất đai, lãnh đạo huyện Hưng Nguyên phản ánh giá đền bù di dời nhà gỗ chưa hợp lý, cần điều chỉnh. Ngoài ra, Hưng Nguyên có 40 hộ thuộc diện giao đất nhưng không thuộc khu tái định cư. Huyện đề xuất đưa 40 hộ dân này vào khu tái định cư theo hình thức người dân tự đóng tiền xây dựng hạ tầng. Bên cạnh đó, có 8 hộ không nằm trong diện GPMB nhưng bị ảnh hưởng khi thi công và sau này vận hành đường cao tốc nên cũng đề nghị di dời 8 hộ này.
Trên địa bàn TX. Hoàng Mai còn vướng mắc GPMB cho khoảng 3.400m2 thuộc Giáo xứ Sơn Trang. Diện tích này trước đây là đất mồ mả đã di dời và trồng cây, thời gian gần dây người dân đã đắp các ụ đất để “tái hiện” lại mồ mả lúc trước để yêu cầu bồi thường. Ở Diễn Châu, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Xuân Vinh thì khó khăn nhất vẫn là kinh phí di dời hạ tầng đường điện với 2 tuyến Diễn Châu - Bãi Vọt và hướng ngoài. “Trước đây dự toán kinh phí di dời khoảng 90 tỷ đồng, nhưng thực tế sau khi kiểm đếm thẩm định thực tế thì lên đến 260 tỷ đồng, tăng từ 8 cột điện lên 15 cột điện cần di dời. Cụ thể, có 8 cột ở tuyến đường 220kv nằm ngoài hành lang di dời nhưng bị ảnh hưởng thi công và vận hành sau này nên huyện xin ý kiến đề nghị bổ sung di dời 8 cột này.
Trao đổi, trả lời các kiến nghị, đề xuất tại cuộc họp, đại diện các Sở Công thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường cũng như đại diện Ban Quản lý dự án giao thông 6 của Bộ GTVT đã giải thích, hướng dẫn các địa phương giải quyết các vướng mắc.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Lê Hồng Vinh đánh giá cao sự quyết liệt trong GPMB của các đia phương, nhấn mạnh đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên yêu cầu, các ngành, địa phương phải phối hợp tốt hơn nữa trong thực hiện. Bên cạnh đó, đối với các nội dung thuộc chuyên ngành thì yêu cầu các sở, ngành, địa phương mạnh dạn theo quy định hiện hành để giải quyết, không đùn đẩy hoặc xin ý kiến làm kéo dài thời gian.
Về hạ tầng điện đề nghị từ nay đến 30/11 phải giải ngân thêm 15%. Đề nghị Bộ Công Thương có hướng dẫn cụ thể về bồi thường đất lúa trước đó chưa đưa vào hạng mục bồi thường. Đề nghị các huyện có đề xuất bổ sung hạng mục khôi phục các tuyến đường bị ảnh hưởng trong quá trình thi công để có kế hoạch sửa chữa, đáp ứng quyền lợi của người dân.