Tham dự buổi làm việc về phía Bộ GTVT có Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ. Về phía tỉnh Thái Bình có Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Thành; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận cùng lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành của tỉnh.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết, trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành TƯ, hệ thống GTVT Thái Bình đã có những bước phát triển đáng kể.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu tại buổi làm việc
Hiện tại, mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Thái Bình có tổng chiều dài khoảng 9.300km (Quốc lộ có chiều dài 151km, đường tỉnh dài 323km, đường huyện dài hơn 738km, đường đô thị dài gần 171km, đường xã dài hơn 1.140km, các loại đường giao thông khác dài khoảng 6.737km). Đường sông có tổng cộng 12 tuyến. Đường bờ biển có chiều dài 56km.
Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải và phát triển KT-XH của tỉnh. Các tuyến đường mang tính kết nối vùng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nhiều tuyến đường huyết mạch có quy mô nhỏ hẹp, chưa có tuyến đường đáp ứng nhu cầu vận tải lớn, tốc độ cao.
Về chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng GTVT thời gian tới, tỉnh cần tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế vùng Duyên hải Bắc Bộ; trong đó tập trung hoàn thành đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển và các tuyến đường huyết mạch trong tỉnh.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, tỉnh Thái Bình đề xuất, kiến nghị Bộ GTVT một số nội dung cụ thể: Nâng cấp QL10 trên toàn tuyến có quy mô phù hợp với quy mô QL10 đoạn trên địa bàn TP Hải Phòng và Nam Định. Hiện tại, QL10 đoạn từ cầu Nghìn đến nút giao tuyến tránh S1 (Km81+00) được cải tạo nâng cấp từ năm 1999 theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, thường xuyên bị ùn tắc, không đáp ứng được nhu cầu vận tải.
Đối với Dự án cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình và cầu sông Hóa đã được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 904 tỷ đồng, kinh phí thực tế để hoàn thành công trình dự kiến khoảng 610 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến nay, giá trị khối lượng thực hiện dự án chỉ đạt khoảng 100 tỷ đồng do tài chính khó khăn. Từ thực tế đó, Tỉnh đề nghị Bộ GTVT bố trí kế hoạch vốn cho dự án năm 2021 và năm 2022 để thi công hoàn thành toàn bộ dự án.
Đông đảo các đại biểu tham dự buổi làm việc
Trên địa bàn tỉnh còn có QL37B đoạn qua địa bàn huyện Kiến Xương là tuyến đường huyết mạch duy nhất nối phía Nam huyện Kiến Xương với TP Thái Bình. Hiện trạng tuyến đường là cấp 5 đồng bằng, mặt đường nhỏ hẹp, các phương tiện lưu thông khó khăn. Đặc biệt, do cầu hẹp nên thường xuyên xảy ra sự cố giao thông. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thái Bình kiến nghị Bộ GTVT cho đầu tư, cải tạo và nâng cấp tuyến đường.
Về giao thông kết nối vùng, UBND tỉnh Thái Bình cũng đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng triển khai đầu tư Dự án đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, đáp ứng năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn.
Ngoài ra, Tỉnh cũng đề nghị Bộ GTVT bổ sung cảng nhập khí LNG phục vụ trung tâm điện - khí, khu bến Ba Lạt - Cảng biển Thái Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận cũng đề xuất Bộ GTVT ủng hộ các đề nghị của tỉnh Thái Bình triển khai một số dự án như: Xây dựng tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 2); Dự án tuyến đường bộ ven biển đi qua tỉnh Thái Bình,…
Phát biểu chỉ đạo liên quan đến những kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN và Vụ Đối tác công tư phối hợp với tỉnh Thái Bình thực hiện tốt công tác duy tu, sửa chữa ở thời điểm hiện tại.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu kết luận buổi làm việc
Đồng thời, hỗ trợ địa phương nghiên cứu, rà soát lại tuyến đường từ TP Thái Bình đến cầu Nghìn song song QL10, đánh giá lại phương án tài chính, tính khả thi của dự án.
Đối với dự án QL37, Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch vốn NSNN năm 2021 gửi Bộ KH-ĐT tổng hợp báo cáo Thủ tướng. Riêng với QL37B, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Đường bộ, Vụ Kết cấu hạ tầng xem xét bề rộng, tải trọng cầu Cam để đưa ra giải pháp tăng cường hiện trạng mất an toàn ở thời điểm hiện tại. Về phần đường, cơ quan chức năng cần nghiên cứu phương án gia cố lại, mở rộng khoảng hai làn xe bằng vốn duy tu bảo trì đường bộ để bảo đảm ATGT. Phấn đấu hoàn thành trong năm 2021 - 2022, giúp địa phương tháo gỡ khó khăn trước mắt.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình đánh giá lại hệ thống đường thủy trên địa bàn tỉnh hiện nay để đưa ra phương án tuyến đường thủy nào cần ưu tiên nâng cấp nhằm đảm bảo hiệu quả trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách eo hẹp.
Đối với đề xuất hỗ trợ bổ sung các dự án: Khu bến cảng Ba Lạt, Cảng cạn ICD, cảng điện - khí LNG vào các quy hoạch liên quan, Bộ trưởng khẳng định Bộ GTVT hoàn toàn ủng hộ và sẽ giao các đơn vị chuyên môn nghiên cứu, hỗ trợ bổ sung để tỉnh có cơ sở triển khai các dự án, phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh./.
KC