Hòa Bình: Siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông

Thứ năm, 31/12/2020 08:50

Để khắc phục những bất cập, tồn tại, thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát tải trọng phương tiện (KSTTPT), giảm thiểu tình trạng xe chở hàng quá tải trọng cho phép, gây mất an toàn giao thông (ATGT), ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (KCHTGTĐB)... ngày 8/10/2019, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về việc đẩy mạnh các giải pháp KSTTPT và bảo vệ KCHTGTĐB trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng Cảnh sát giao thông trong tỉnh Hòa Bình tăng cường kiểm tra,
kịp thờ phát hiện và xử lý vi phạm nhằm đảm bảo TTATGT

Thực hiện chỉ thị, các cấp, ngành đã triển khai tới cơ sở, đơn vị có liên quan các nội dung về KSTTPT và bảo vệ KCHTGTĐB, kết hợp triển khai, tuyên truyền thực hiện các nội dung, nhiệm vụ về đảm bảo TTATGT. Đồng chí Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình cho biết: Hơn 1 năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã phối hợp tốt với ngành GTVT trong thực hiện nhiệm vụ. Hiện tượng xe chở hàng quá khổ, quá tải giảm rõ rệt, nhất là xe chở hàng quá tải hoạt động ngang nhiên trên các tuyến đường trọng điểm cơ bản được kiểm soát. Lực lượng thanh tra được kiện toàn, cơ cấu lại và có sự chỉ đạo quyết liệt; thành lập các đội xử lý quá tải, phối hợp lực lượng thanh tra chuyên ngành của cơ quan T.Ư trong thực hiện nhiệm vụ. Tình trạng xe cơi nới thành thùng phần nào được kiểm soát. Sở chỉ đạo, 100% phương tiện tự ý cơi nới thành thùng sẽ không được thực hiện đăng kiểm, trước khi tự giác chấp hành cắt thành thùng theo đúng thiết kế kỹ thuật của nhà sản xuất.

Năm qua, Sở GTVT Hòa Bình đã tổ chức kiểm tra đối với 57 đơn vị đầu mối bốc xếp hàng hóa. Kết quả cho thấy, phần lớn các đơn vị chưa có biện pháp kiểm soát và xử lý phương tiện chở hàng quá tải trọng ngay trong khi bốc hàng, mà chủ yếu bán theo nhu cầu người mua hàng. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 75 trường hợp, xử phạt tổng số tiền 163,5 triệu đồng.

Đối với lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Hòa Bình đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật tiến hành kiểm tra 1.100 lượt phương tiện có dấu hiệu chở hàng quá tải. Qua đó, lập biên bản vi phạm hành chính 116 trường hợp, tước giấy phép lái xe có thời hạn 86 trường hợp. Lực lượng CSGT các huyện, thành phố mặc dù mới có 5/10 đơn vị được trang bị bộ cân lưu động, nhưng đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm về chở hàng quá tải. Kết quả, đã xử phạt đối với 56 trường hợp vi phạm.

Cùng với KSTTPT, thời gian qua, công tác bảo vệ KCHTGTĐB được UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, tổ chức các đợt ra quân, chiến dịch giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh và đường địa phương. Chính quyền các địa phương phối hợp lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Thanh tra giao thông và các đơn vị quản lý đường bộ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, lập biên bản đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các hành vi về bảo vệ KCHTGTĐB, như: đào, đắp, san lấp mặt bằng trong phạm vi đất của đường bộ và HLATĐB; xây dựng nhà kiên cố, công trình tạm, tường bao... trong phạm vi HLATĐB. Điển hình như huyện Lương Sơn đã giải tỏa được 326 trường hợp trong tổng số 527 trường hợp vi phạm hành lang giao thông. Huyện Mai Châu giải tỏa 160 điểm bán hàng rong trên lề đường; xử lý 10 hộ lấn chiếm lề đường để xây lều quán tạm. Lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hòa Bình phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính 66 trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ...

Tuy nhiên, theo đồng chí Ngô Văn Điềm, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hòa Bình, hầu hết các tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý và bảo vệ KCHTGTĐB sau khi bị Thanh tra sở và các lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu đến để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, nhưng đã không chấp hành và các công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại.

Ngoài ra, theo đánh giá của Sở GTVT Hòa Bình, việc phối hợp xử lý các hành vi vi phạm về HLATĐB của các cơ quan chức năng chưa được thực hiện chặt chẽ ngay từ đầu, dẫn đến việc xử phạt, giải toả gặp nhiều khó khăn, nhất là với công trình kiên cố. Công tác giải tỏa hành lang chưa triệt để, nên tại một số địa phương chỉ một thời gian ngắn sau khi ra quân lại xảy ra tình trạng tái lấn chiếm HLATĐB.

Ở một số địa phương vẫn còn nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho người dân cả phần diện tích HLATĐB. Do đó, khi có nhu cầu xây dựng, người dân thực hiện theo ranh giới đất được cấp, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng khi tuyên truyền, xử lý...

Cùng với đó, công tác KSTTPT còn nhiều tồn tại, hạn chế. Hiện tượng xe chở hàng quá tải trọng vẫn diễn ra trên các tuyến Quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh, đường Hòa Lạc - Hòa Bình. Chính quyền địa phương chưa tổ chức ký cam kết với các chủ mỏ về không bốc, xếp hàng hóa quá tải trọng khi phương tiện ra khỏi mỏ, dẫn đến các phương tiện chở hàng quá tải trước khi ra tuyến quốc lộ đã phá nát các tuyến đường do địa phương quản lý.

Cũng theo Sở GTVT Hòa Bình, hiện, trong tỉnh mới có 4 địa phương được cấp bộ cân tải trọng lưu động, do đó, các địa phương khác đôi khi chưa có cơ sở để xử phạt đối với các phương tiện có dấu hiệu chở hàng quá tải...

Nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác KSTTPT, bảo vệ KCHTGTĐB, đồng chí Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình đề nghị: Cần phát huy vai trò các thành viên Ban chỉ đạo của tỉnh về vấn đề này cũng như ở cấp huyện, để làm sao giảm được số vụ liên quan đến tải trọng. Vấn đề tải trọng sẽ gắn với ATGT; còn hành lang giao thông gắn với vấn đề phát triển KT - XH, ùn tắc giao thông, do vậy, cần phải được tăng cường các giải pháp, trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền và phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa ngành GTVT, Công an để thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND tỉnh thực sự hiệu quả.

Nguồn: Báo Hòa Bình

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:300961
Lượt truy cập: 176.089.496