Làn chờ cho xe máy tại Đài Loan
Thế giới bắt đầu biết đến những thiết kế làn đường dành riêng cho xe máy đầu tiên từ năm 1984. Tuy nhiên, đến nay, hầu như chỉ có các nước tại châu Á ứng dụng rộng rãi và cho thấy hiệu quả thiết thực trong giảm thiểu TNGT liên quan tới xe máy.
3 loại làn đường riêng cho xe máy
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2010 với tiêu đề “An toàn với xe mô tô 2 - 3 bánh” thuộc Chương trình Hành động thập kỷ vì ATGT của Liên hợp quốc cho thấy, biện pháp xây dựng làn dành riêng cho xe máy đã được chứng minh giúp kéo giảm TNGT liên quan tới loại xe này, chủ yếu ở khu vực châu Á.
Sở dĩ vậy vì đây là một trong những khu vực có nhiều quốc gia/thành phố có mật độ xe máy dày đặc và xu hướng này không ngừng tăng. Đi kèm với đó là thực trạng xe máy len lỏi giữa các làn ô tô, phóng nhanh vượt ẩu, giao thông lộn xộn gây TNGT nghiêm trọng tăng cao, buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý.
Hiện tại, một số nước/thành phố đã áp dụng phân làn riêng dành cho xe máy để kéo giảm TNGT, tắc đường như Indonesia, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc)... Mỗi nước lại có cách thiết kế đường khác nhau trong đó phổ biến là 3 loại làn.
Loại thứ nhất là làn chuyên biệt cho xe máy, được tách biệt hẳn, có rào chắn. Loại thứ hai không chuyên biệt (hay còn gọi là làn đường chia sẻ), chỉ được phân biệt bằng vạch kẻ đường liền mạch, thường nằm ngoài cùng bên trái của đường, để dành cho xe máy/phương tiện thô sơ đi lại, hạn chế xung đột với các phương tiện khác. Dù được phân định dành riêng cho xe máy nhưng làn đường này vẫn được phép chia sẻ với các phương tiện khác.
Cuối cùng là làn chờ/dừng dành riêng cho xe máy, được sử dụng phổ biến nhất ở Đài Loan (Trung Quốc)
Thiết kế làn chờ/dừng dành riêng cho xe máy được thực hiện từ năm 2000 trên tuyến đường giới hạn tốc độ dưới 60km/h của Đài Loan. Làn đường này được nhận dạng với hình chữ nhật, thường có kích thước rộng 0,8m và dài 2,3m, tại các góc của ngã tư và được đánh dấu bằng nhiều chiều mũi tên chỉ hướng như đi thẳng, rẽ trái, rẽ phải. Người đi xe máy sẽ tập trung dừng chờ đèn đỏ bên trong làn chờ này.
Sau thời gian áp dụng, phương án trên thể hiện rõ hiệu quả trong việc giảm tổng thời gian chờ đợi trên đường tại các ngã tư có đèn tín hiệu, theo nghiên cứu khoa học về “Thiết kế làn dành cho xe máy tại một số nước châu Á” của hai tác giả Tô Lệ Quyên đến từ Khoa Kỹ thuật, Đại học Tôn Đức Thắng, TP HCM và Zuni Asih Nurhidayati đến từ Bộ Công chính và Nhà ở Indonesia, được đăng tải trên nền tảng tiếp cận gần 2.500 tạp chí khoa học và hơn 26.000 sách điện tử ScienceDirect.
Cách tách làn hiệu quả tại Malaysia
Thiết kế đường dành riêng cho xe máy trên một trong những đường cao tốc
có lượng phương tiện lưu thông nhiều nhất của Malaysia
Tại Malaysia, nước này bắt đầu triển khai làn dành riêng cho xe máy lần đầu tiên tại Thủ đô Kuala Lumpur từ 20 năm trước và tiếp tục duy trì đến nay. Malaysia áp dụng cả hai loại làn dành cho xe máy/xe thô sơ đó là làn chuyên biệt và làn chia sẻ nhưng đáng chú ý và hiệu quả nhất là làn chuyên biệt.
Làn đường này được đặt ngay ngoài cùng bên trái mỗi chiều đường, được tách biệt riêng rẽ bằng vạch kẻ liền mạch, biển hiệu nhận biết, thậm chí là rào chắn. Tại đây, phương tiện được phép di chuyển với tốc độ chậm hơn, dưới 60km/h. Để ra khỏi đường, các phương tiện có thể tìm các lối ra rẽ phải.
Với phương án trên, theo Giáo sư Pichai Taneerananon, giảng viên tại Đại học Hoàng tử Songkla, Malaysia đã kéo giảm tới 83% số người thiệt mạng vì TNGT đường bộ. Trong khi đó, theo báo cáo từ WHO, làn đường chỉ dành cho xe máy tại Malaysia đã góp phần làm giảm khoảng 39% số vụ TNGT.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Chính phủ Malaysia lại bắt gặp vấn đề về an ninh. Rất nhiều người dân phàn nàn vì loại đường chuyên biệt cho xe máy thường không thu phí nên không được bảo trì, chất lượng đường kém, đường hẹp và tối, tạo điều kiện cho những kẻ có ý đồ xấu thực hiện hành vi tấn công, trộm cắp.
Anh Mohd Faizal Ahmad Razali, 26 tuổi sống tại Malaysia là một trong nhiều trường hợp đã “làm phúc phải tội” khi dừng lại giúp đỡ một người bị nổ lốp xe lúc đang đi trên đường dành riêng cho xe máy. Hóa ra, đó là màn dàn cảnh để ăn trộm. Khi Razali dừng xe, một gã khác nhảy ra từ bụi rậm, kề dao vào cổ và đòi tiền.
Tình hình mất an ninh trên các tuyến đường dành riêng cho xe máy thường xuyên tiếp diễn và mãi đến gần đây, giữa năm 2016, Chính phủ Malaysia mới cấp ngân sách để cải thiện chất lượng đường như lắp thêm đèn chiếu sáng, sơn vạch kẻ đường, mở rộng làn, lấp ổ gà, bổ sung thêm biển báo... Đến nay, vấn đề an ninh, an toàn trên các tuyến đường này đã được đảm bảo tốt hơn.
Làn đường chuyên biệt trên cao tốc đoạn từ TP Petaling Jaya đến TP Shah Alam là một trong những tuyến cao tốc bận rộn nhất Malaysia với lưu lượng giao thông qua lại như mắc cửi. Sau khi áp dụng tách làn chuyên biệt cho xe máy, kết quả thống kê cho thấy, con đường này chỉ chứng kiến hai vụ tai nạn nghiêm trọng/năm liên quan tới xe gắn máy hai bánh.