Trở thành thuyền viên vì không thích gò bó
Lê Nguyễn Bảo Thư vừa được Stolt Tankers (Thụy Điển) - một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất, vận chuyển hóa chất tiếp nhận xuống tàu Stolt Factor làm thực tập sỹ quan.
Nữ thuyền viên đầu tiên của Việt Nam cho biết, ngày 25/1 cô cùng các thuyền viên trả hàng tại cảng Ulsan (Hàn Quốc) sau khi khởi hành từ cảng Yokohama (Nhật Bản). Sau đó, tàu di chuyển qua các cảng ở Đài Loan, Trung Quốc trước khi vượt Thái Bình Dương đến châu Mỹ nhận hàng.
Nói đến cơ duyên đến với nghề đi biển đầy hiểm nguy, nữ thuyền viên sinh năm 1998 chia sẻ, bản thân vốn không thích gò bó trong môi trường văn phòng nên lựa chọn chuyên ngành điều khiển tàu biển tại Trường Đại học GTVT TP Hồ Chí Minh vào năm 2016.
“Quá trình học, nhận thấy ở Việt Nam chưa có chủ tàu nào tuyển dụng thuyền viên nữ, em quyết tâm thi đỗ vào chương trình tuyển chọn đào tạo do UT-STC và Slolt Tankers liên kết để được đi tàu nước ngoài. May thay, mọi việc diễn ra suôn sẻ, em được xuống tàu thực tập sau hơn hai tháng tốt nghiệp”, Thư nói.
Thư tiết lộ, những ngày qua, cô được phân công trực ca vào các khung giờ: 00h00 - 04h00 và 12h00 - 16h00 hàng ngày. “Em đã được Sỹ quan Phó 2 hướng dẫn viết nhật ký tàu, nhật ký radar, xác định sai số la bàn, theo dõi và ghi lại các số liệu khi tàu trả hàng.
Ngoài ra, em còn được một nữ Sỹ quan Phó 3 là người Philippines hướng dẫn quá trình làm dây khi tàu cập và rời cảng, cách sử dụng các thiết bị trên boong và buồng lái. Sự thân thiện, cởi mở của mọi người xóa đi cảm giác bỡ ngỡ những buổi đầu của một sỹ quan thực tập”, Thư giãi bày.
Nữ thuyền viên của Việt Nam nhớ như in cảm xúc ngày đầu xuống tàu. “Lúc nhập tàu ở Yokohama, em phải lên tàu bằng thang dây trong khi sóng khá mạnh. Rồi phải quyết tâm vượt qua những cơn buồn ngủ, vượt qua cái lạnh thấu xương trên biển khi nhiệt độ xuống 4 độ C”, Thư nói.
Sinh ra trong một gia đình có bốn chị em gái, ba mẹ Thư đều là nông dân, kinh tế dựa vào một mùa thu hoạch trái cây duy nhất. “Ba mẹ cố gắng làm lụng để các con được ăn học đầy đủ. Cả bốn chị em đều quyết tâm học thật tốt và có công việc ổn định để san sẻ gánh nặng cơm áo với ba mẹ”, nữ thuyền viên 23 tuổi nói và cho biết, kỳ thực tập sẽ kéo dài 6 tháng, sau đó Thư sẽ về đất liền nghỉ ngơi và học thêm các chứng chỉ để đi chuyến tiếp theo, hoàn thành 12 tháng thực tập.
Em bị áp lực với câu: Nữ thuyền viên đầu tiên ở Việt Nam. Tuy nhiên, đó cũng chính là động lực để em phấn đấu và vượt qua khoảng thời gian khó khăn ban đầu. Với sự nỗ lực của mình, em mong sẽ có thể chung tay xóa bỏ định kiến về nghề đi biển đối với phụ nữ trong xã hội. Bởi, những định kiến tiêu cực sẽ là cản trở tâm lý lớn nhất đối với các bạn nữ trong quá trình nhận thức và đến với nghề thuyền viên.
Quyết tâm xóa bỏ định kiến trong nghề đi biển
Lê Nguyễn Bảo Thư và các sinh viên ngành Điều khiển tàu biển,
Trường Đại học GTVT TP Hồ Chí Minh
Nhắc đến Lê Nguyễn Bảo Thư, PGS.TS. Nguyễn Xuân Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT TP Hồ Chí Minh không giấu được sự tự hào. “Bảo Thư xuống tàu viễn dương thực tập không chỉ mang đến động lực lớn để các sinh viên nữ khác tiếp bước, em còn là tấm gương để nhiều nam sinh học nghề đi biển nhưng ngại vất vả, sóng gió nhìn vào, quay lại theo đuổi nghề đi biển”, ông Phương chia sẻ.
“Lâu nay, người Việt Nam đi tàu vẫn tự ti về thể hình, ngôn ngữ, trình độ… song việc một cô gái nhỏ nhắn như Thư có đủ trình độ xuống làm việc với các thuyền viên châu Âu phần nào xóa đi sự tự ti đó”, ông Phương nói và tin tưởng, với bản lĩnh, quyết tâm, Thư có nhiều tố chất, tiềm năng trở thành nữ thuyền trưởng Việt Nam đầu tiên trên tàu viễn dương.
PGS.TS. Nguyễn Phùng Hưng, Phó Viện trưởng Viện Hàng hải (Trường Đại học GTVT TP Hồ Chí Minh) cũng chia sẻ, quyết tâm theo nghề đi biển của Thư thể hiện qua nỗ lực học tập với kết quả ấn tượng.
“Với chuyên ngành điều khiển tàu biển, từ năm 2013 (thời điểm có sinh viên nữ theo học) đến nay đã đào tạo được khoảng 30 sinh viên nữ. Tuy nhiên, hầu hết đều công tác ở lĩnh vực quản lý tàu biển, kinh doanh hàng hải trên bờ. Bảo Thư là trường hợp đầu tiên thực tập chức danh sỹ quan vận hành trên tàu viễn dương nước ngoài”, ông Hưng chia sẻ.
Lê Nguyễn Bảo Thư cho rằng, quan niệm nghề đi biển chỉ dành cho nam giới là cổ hủ. “Với nghề đi biển, thách thức lớn nhất với phụ nữ chỉ là sức khỏe. Tuy nhiên, hiện các đội tàu đã được đầu tư hiện đại, trang thiết bị tiên tiến nên các công việc chân tay không còn nhiều. Chỉ cần đảm bảo vốn tiếng Anh vững chắc để giao tiếp thì mọi việc điều có thể vượt qua”, Thư nói.
Lao động nữ dư sức hoạt động trên tàu biển
Mặc dù tại Việt Nam, nguồn thuyền viên nữ đang được các trường đào tạo ngày càng nhiều, trao đổi với PV, đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, theo quy định tại Thông tư 26/2013 của Bộ LĐ, TB&XH, các công việc trên tàu đi biển (trừ công việc phục vụ nhà hàng, buồng, bàn, lễ tân trên các tàu du lịch) thuộc danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ.
“Với chương trình đào tạo chuyên ngành hàng hải hiện nay tại Việt Nam, lao động nữ hoàn toàn dư sức hoạt động trên tàu viễn dương, tàu vận tải. Thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu sửa đổi quy định hiện hành để thu hút nguồn lực cho nghề biển, tạo động lực phát triển đội tàu và khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ hàng hải thế giới”, đại diện này nói.