Ngành công nghiệp ô tô có thể mất 60,6 tỉ USD vì “khát” chip

Thứ hai, 22/02/2021 08:16

Tình hình thiếu chíp bán dẫn có thể tồi tệ hơn nếu các công ty sản xuất ô tô đấu đá tranh giành nguồn cung những linh kiện ô tô quan trọng.

Dây chuyền sản xuất xe bán tải F-150 đời 2018 - 2019
thuộc Khu phức hợp Rouge của Ford Motor

Năm 2021, ngành sản xuất ô tô toàn cầu dự kiến sẽ mất trắng hàng chục tỉ USD lợi nhuận chỉ vì thiếu hụt một linh kiện rất nhỏ nhưng đặc biệt quan trọng đó là chip bán dẫn. Giới phân tích dự báo, tình hình có thể tồi tệ hơn nếu các công ty sản xuất ô tô đấu đá tranh giành nguồn cung những linh kiện ô tô quan trọng.

Thiệt hại 60,6 tỉ USD, giảm năng suất

Theo dự báo mới nhất từ Công ty Tư vấn AlixPartners (có trụ sở tại New York), vấn đề thiếu hụt chip bán dẫn sẽ khiến ngành sản xuất ô tô toàn cầu mất đi 60,6 tỉ USD lợi nhuận, bao trùm lên toàn bộ chuỗi cung ứng từ các đại lý, nhà sản xuất ô tô cho đến các hãng cung cấp cấp 1 và một số đối tác nhỏ hơn.

Thực tế, nhiều nhà sản xuất ô tô như General Motors từng công bố dự đoán, thiếu hụt chip có thể khiến họ giảm 1,5 - 2 tỉ USD lợi nhuận trong năm 2021. Ford Motor cũng tính toán, tình hình hiện nay có thể khiến họ giảm từ 1 - 2,5 tỉ USD lợi nhuận trong năm nay.

Công ty Nghiên cứu IHS Markit dự tính, năng suất sản xuất ô tô quý I/2021 sẽ giảm 672.000 phương tiện vì nguyên nhân kể trên, bao gồm 250.000 xe tại thị trường ô tô lớn nhất toàn cầu - Trung Quốc.

Một số dự đoán khác như Honda Motor và Nissan ước tính cả 2 hãng sẽ bị giảm doanh số tổng cộng 250.000 xe tính đến tháng 3 năm nay vì thiếu chip bán dẫn.

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu là tổng thể của một hệ thống các nhà cung cấp, nhà bán lẻ và sản xuất ô tô cực kỳ phức tạp. Bất cứ nút thắt nào xảy ra trong chuỗi cung ứng đều có thể dẫn tới ảnh hưởng cực lớn lan đến toàn dây chuyền.

Tình trạng thiếu hụt chip xảy ra từ đầu năm ngoái khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ kéo theo nhiều nhà máy sản xuất ô tô phải đóng cửa. Trước tình hình đó, các nhà cung cấp chip nhanh chóng chuyển hướng sang sản xuất chip phục vụ các ngành điện tử dân dụng vì dự kiến ngành này không bị ảnh hưởng vì các quy định giới nghiêm phòng dịch.

Tuy nhiên, trái với dự đoán, bất chấp dịch bệnh, nhu cầu mua xe vẫn tăng vọt tạo đà cho ngành ô tô phục hồi rất nhanh và nhu cầu chip tăng trở lại, khiến các nhà sản xuất chip trở tay không kịp dẫn tới tình hình như hiện nay.

Theo ông Hearsch, tình thế khan hiếm lúc này có thế đẩy các công ty sản xuất ô tô, các ngành công nghiệp, thậm chí nhiều nước cung cấp chip vào cuộc “sát phạt”.

Các hãng xe chật vật tìm lối đi

Trong cơn bĩ cực, một số hãng như General Motors và Ford đã sử dụng những kế sách linh hoạt như sản xuất dần một phần các loại phụ tùng và cất kho, chờ cho đến khi nguồn cung chip sẵn sàng trở lại và hoàn thiện lắp ráp.

Một số hãng tìm cách mua trực tiếp phụ tùng từ một số nhà cung cấp nhỏ hơn, cắt giảm phần lớn chuỗi cung ứng hiện tại.

Một trong những nhà sản xuất bị ảnh hưởng nhiều nhất là Ford cho biết đã chọn cách cắt giảm đáng kể năng suất đối với xe bán tải F-150 vốn là dòng xe quan trọng quyết định lợi nhuận của công ty.

Ford cũng đang đàm phán rất sát sao với nhiều nhà cung cấp để mua chip dành cho xe bán tải (chip dành cho xe bán tải gần như là độc nhất và không thể thay thế bởi những loại chip thường dùng cho xe rẻ hơn).

Trong khi đó, đối thủ của Ford là General Motors vừa thông báo tạm ngừng sản xuất đối với 3 nhà máy sản xuất xe hơi và xe đa dụng tại Bắc Mỹ, ít nhất là đến giữa tháng 3. Hãng này sẽ ưu tiên sản xuất các dòng xe bán tải và SUV có lợi nhuận cao hơn.

Đài Loan - miền đất hứa của chip bán dẫn

Cơn khát chip của ngành ô tô cũng buộc chính phủ nhiều nước như Mỹ và Đức vào cuộc và tất cả đều tìm đến Đài Loan nơi có các nhà cung cấp chip bán dẫn lớn nhất thế giới như Taiwan Semiconductor Manufacturing.

Mới đây nhất, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã giao nhiệm vụ cho các Đại sứ quán Mỹ xác định các công ty, quốc gia nào sản xuất chip có thể giúp “giải khát chip” cho các công ty Mỹ và phối hợp với các đối tác cùng đồng minh kêu gọi giải quyết tình trạng này. Đài Loan chính là một trong những đối tác đầu tiên mà Mỹ tìm đến.

Trong bức thư ngày 17/2, cố vấn kinh tế cấp cao của ông Biden là Brian Deese đã gửi lời cảm ơn tới người đứng đầu Cơ quan Kinh tế Đài Loan Vương Mỹ Hoa vì hợp tác giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt qua việc điều phối các nhà sản xuất lớn trên hòn đảo này.

Song theo các chuyên gia, dù các nhà cung cấp chip bán dẫn lớn nhất như Taiwan Semiconductor Manufacturing và United Microelectronics tăng năng suất nhưng những kế hoạch này sẽ không thấm vào đâu so với nhu cầu thiếu hụt trong ngắn hạn.

Chip bán dẫn là thành phần cực kỳ quan trọng trong ô tô, nhất là những ô tô đời mới vì nó tham gia vào rất nhiều hệ thống, đóng góp vào các chức năng từ cơ bản như điều khiển lực và phanh cho đến hệ thống giải trí.

Đặc biệt khi xe điện và xe tự động lái ngày càng phổ biến, con chip nhỏ bé này trở thành một phần không thể thiếu. Một chiếc xe điện có thể cần số lượng chất bán dẫn gấp đôi so với xe chạy bằng xăng. Tùy thuộc vào phương tiện và phiên bản, các chuyên gia cho rằng một chiếc xe có thể cần tới hàng trăm chiếc chip. Những phương tiện giá càng cao, có hệ thống giải trí và an toàn tiên tiến, càng sử dụng nhiều loại chip khác nhau.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:155199
Lượt truy cập: 176.722.006