Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận (Ảnh: Cổng TTĐT Bình Thuận)
Tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao công tác bàn giao mặt bằng hai tuyến cao tốc qua tỉnh Bình Thuận. Hiện khối lượng bàn giao mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn một số vị trí và hệ thống hạ tầng kỹ thuật cần sớm được di dời.
Theo Thứ trưởng, kiểm tra công trường cho thấy, các nhà thầu đã và đang triển khai thi công đồng loạt nhưng phát sinh vấn đề thiếu nguồn vật liệu đất đắp nền đường và giá bị đội lên cao. Hiện các nhà thầu đang thử nghiệm áp dụng việc tận dụng đá đổ thải để nghiền sàng dùng làm vật liệu đắp nền đường. Việc này được làm theo quy trình, chỉ dẫn kỹ thuật của các cơ quan liên quan. Nếu được, một số gói thầu sẽ giảm được áp lực đất đắp nền đường đang thiếu như hiện nay.
"Theo tiến độ, đến cuối năm 2021 phải thi công xong phần nền đường. Do vậy, phải khẩn trương thi công nền để tận dụng thời tiết khô ráo. Các ban QLDA tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác tháo gỡ nguồn vật liệu thi công, công tác bàn giao mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật để sớm thông tuyến", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu.
Thi công trên công trường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, sau cuộc làm việc này sẽ giao giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn nghiên cứu việc khai thác cải tạo đất cằn nông nghiệp để xem xét tận dụng làm đất đắp đường.
Ông Phong cũng yêu cầu các huyện có tuyến cao tốc đi qua vận động, tuyên truyền để những người dân chưa giao mặt bằng gấp rút bàn giao mặt bằng.
"Sau khi rà soát hồ sơ và vận dụng các khung chính sách, trường hợp nào chưa bàn giao mặt bằng sẽ thực hiện cưỡng chế theo quy định", ông Phong cho biết.
Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, các gói thầu qua địa phận tỉnh Bình Thuận còn vướng một số vị trí mặt bằng, đường điện. Tình trạng khan hiếm vật liệu đất đắp cũng đang ảnh hưởng đến kế hoạch thi công của các nhà thầu và cần sớm được tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban QLDA 7 cho biết, hiện công tác GPMB và tái định cư của dự án đã cơ bản hoàn thành. Đến nay đã bàn giao được 99,8/100,8Km, hiện vẫn còn 20/1.977 hộ dân (diện tích khoảng 7,3ha) chưa chấp thuận nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng. Trong quá trình nhà thầu triển khai, có khoảng 26 hộ dân cản trở thi công.
Theo ông Khoát, liên quan việc khan hiếm vật liệu đất đắp, nhà thầu thi công gói thầu XL01 đã kiến nghị tận dụng đá đổ thải để nghiền sàng dùng làm vật liệu đắp nền đường. Theo kết quả tính toán sơ bộ, không làm phát sinh chi phí đầu tư. Việc tận dụng nguồn đá từ thi công đào nền sẽ giải quyết được một số khó khăn, vướng mắc hiện nay như: Khan hiếm vật liệu đắp nền, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản, hạn chế tối đa ảnh hưởng về môi trường do đổ thải...
Gần đây một số dự án giao thông cũng đã áp dụng thành công việc tận dụng đá đổ thải để nghiền sàng dùng làm vật liệu đắp nền đường. Quy trình, chỉ dẫn kỹ thuật quy định cũng đã có.