Toàn cảnh hội nghị.
Các đồng chí: Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT; Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Mai Sỹ Diến, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh; Phạm Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; các thành viên đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XIV; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, huyện, thị xã có liên quan.
Tại hội nghị, đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo tình hình thực hiện dự án và những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Theo đó, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông qua địa phận tỉnh Thanh Hóa có tổng chiều dài 98,5 km gồm 3 dự án thành phần gồm: Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 chiều dài 49 km; dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn chiều dài 43 km; dự án Nghi Sơn - Diễn Châu chiều dài 6,5 km. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án là 9.495 hộ, trong đó số hộ dân phải di chuyển chỗ ở là 1.077 hộ dân; diện tích đất bị ảnh hưởng phải thu hồi là 820,8 ha; phải xây dựng 42 khu tái định cư; di dời 48 công trình công cộng...
Đến nay, đã hoàn thành công tác công tác giải phóng mặt bằng (GPMT) được 95,7/98,5 km, đạt 97,2%; trong đó dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 đã bàn giao 49/49 km, đạt 100%; dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn hoàn thành được 40,5/43 km, đạt 94,2%; dự án Nghi Sơn - Diễn Châu hoàn thành được 6,2/6,5 km, đạt 95,4%. Hoàn thành công tác chi trả tiền giải phóng mặt bằng cho các hộ bị ảnh hưởng được 9.325/9.495 hộ, đạt 98,2%, còn lại 170 hộ. Hoàn thành xây dựng hạ tầng 42 khu tái định cư và giao đất cho 917/1.077 hộ xây nhà ở, đạt 90,2% và cơ bản đã hoàn thành di dơi các công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật.
Về nguồn vật liệu, khả năng cung cấp của các mỏ đá đã được cấp phép đảm bảo khối lượng phục vụ thi công dự án. Tuy nhiên trong vòng 2 năm tới, công suất khai thác của các mỏ đất sẽ thiếu khoảng hơn 8,5 triệu m3; công suất khai thác của các mỏ cát sẽ thiếu hơn 407.000 m3. Nguyên nhân công suất khai thác tại các mỏ đất, cát đạt thấp là do trước khi Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông triển khai, nhu cầu sử dụng đất, cát cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh không nhiều; một số mỏ đất, cát chưa đảm bảo đủ điều kiện để cấp khai thác với công suất lớn.
Để đảm bảo nhu cầu phục vụ thi công dự án, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ GTVT, các Ban Quản lý dự án chỉ đạo các nhà thầu thi công làm việc cụ thể với các doanh nghiệp có mỏ được xác định đủ tiêu chuẩn phục vụ dự án để ký hợp đồng nguyên tắc, cam kết về giá và mua đất, cát từ mỏ với khối lượng lớn hơn công suất được phép khai thác; làm cơ sở để doanh nghiệp lập hồ sơ nâng công suất khai thác trình UBND tỉnh xem xét, chấp thuận và quản lý giá vật liệu.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là công trình trọng điểm Quốc gia; đồng thời Thanh Hoá cũng được hưởng lợi rất lớn từ dự án này, không chỉ giúp Thanh Hoá hoàn thiện hạ tầng giao thông, mà còn phục vụ trực tiếp cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và văn kiện của Đại hội Đảng bộ các địa phương có đường cao tốc đi qua, đều xác định đường bộ cao tốc Bắc - Nam có ý nghĩa rất lớn đối với việc hình thành hành lang kinh tế Bắc - Nam của Thanh Hoá. Do đó, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đã rất quyết liệt, tập trung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để khẩn trương triển khai các công việc có liên quan đến việc khởi công và thực hiện dự án này. Kết quả trong công tác giải phóng mặt bằng của Thanh Hoá đã khẳng định sự quyết tâm và đồng lòng của cả hệ thống chính trị của tỉnh trong việc thực hiện dự án trọng điểm quốc gia này.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Trọng Hưng khẳng định quyết tâm và cam kết với Trung ương là Thanh Hoá sẽ hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng dự án này trong thời gian sớm nhất. Những vấn đề vướng mắc trong việc đảm bảo nguồn vật liệu, bãi đổ thải, Thanh Hoá sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bên có liên quan để giải quyết.
Đối với việc sử dụng các tuyến đường tỉnh phục vụ thi công dự án và hoàn trả nguyên trạng các tuyến đường này sau khi dự án kết thúc, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Trọng Hưng đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo các Ban Quản lý dự án thực hiện nghiêm việc ký Biên bản cam kết sửa chữa và hoàn trả các tuyến đường của địa phương phục vụ thi công dự án; hoặc có phương án xử lý để các tuyến đường tỉnh được sửa chữa các hư hỏng và hoàn trả sau khi không còn có nhu cầu sử dụng, nhằm đảm bảo an toàn giao thông và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong vùng ảnh hưởng của dự án.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá rất cao những kết quả mà Thanh Hoá đạt được trong việc triển khai các công việc liên quan, phục vụ cho việc thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nhất là các công việc liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng.
Hiện nay tỷ lệ hoàn thành giải phóng mặt bằng của Thanh Hoá đã cao hơn mức bình quân chung của toàn tuyến. Điều này đã khẳng định sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị.
Đồng chí Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội ghi nhận các kiến nghị của Thanh Hoá, đồng thời đề nghị các bộ, ngành có liên quan đồng hành, phối hợp chặt chẽ với địa phương để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc đảm bảo nguồn vật liệu cho thi công xây lắp, giải quyết vấn đề bãi thải.
Đồng chí Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý: Các địa phương có đường cao tốc đi qua đã vào cuộc tích cực, Bộ GTVT cũng phải có trách nhiệm chỉ đạo các Ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công đồng hành cùng địa phương trong việc giải quyết các vấn đề liên quan phát sinh, nhất là việc hoàn trả các hạng mục hạ tầng như giao thông, các công trình công cộng sau khi thi công dự án, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong khu vực.
Ngay sau khi kết thúc buổi làm việc với Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Trọng Hưng đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành và các địa phương có đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Trọng Hưng đề nghị các sở, ngành và các địa phương có liên quan phải thống nhất về mặt nhận thức về dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông không chỉ là dự án trọng điểm Quốc gia, mà còn là công trình có ý nghĩa quan trọng, tác động lớn đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hoá cũng như các địa phương có dự án đi qua. Do vậy, các sở, ngành và các địa phương phải tập trung cao nhất cho dự án này.
Huyện Hà Trung phải hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 30/4/2021. Huyện Nông Cống và thị xã Nghi Sơn hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 30/6/2021.
UBND tỉnh, các sở ngành có liên quan rà soát hiện trạng các mỏ đất phục vụ việc san lấp, báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc. Đồng thời tuyên truyền cho các chủ mỏ nhận thức rõ trách nhiệm của mình để chung tay cùng tỉnh phục vụ cho công trình trọng điểm Quốc gia này.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Trọng Hưng cũng chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương có liên quan phối hợp chặt chẽ với các Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến bãi thải, vấn đề kết nối với đường cao tốc và đảm bảo việc hoàn trả các công trình hạ tầng, an sinh cho người dân.