Cụ thể, tại Văn bản số 674/TTg-CN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 20/TB-VPCP ngày 26/1/2021 của Văn phòng Chính phủ và ý kiến của Bộ Giao thông vận tải tại Văn bản số 3391/BGTVT-KHĐT ngày 19/4/2021, đồng thời, để đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, UBND tỉnh Bình Phước phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương, UBND TPHCM báo cáo HĐND cấp tỉnh để đồng thuận giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ, trong đó xác định rõ trách nhiệm chi trả chi phí giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn ngân sách của từng địa phương. Việc hỗ trợ ngân sách Trung ương cho Dự án phải được Chính phủ xem xét cân nhắc kỹ lưỡng và chỉ hỗ trợ một phần.
Theo báo cáo từ UBND tỉnh Bình Phước, quy hoạch trước đây, dự án cao tốc này có chiều dài 69 km. Tuy nhiên, để đảm bảo tính kết nối, đồng bộ mạng lưới giao thông, UBND tỉnh Bình Phước đề xuất phương án thay đổi hướng tuyến, theo đó cao tốc dài khoảng 70 km.
Đoạn qua TPHCM dài khoảng 1,5 km, từ nút giao Gò Dưa (đường Vành đai 2) đi trên cao đến giáp ranh tỉnh Bình Dương, chi phí đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng.
Đoạn qua Bình Dương khoảng 57 km, bao gồm 28 km đi trên cao, xây dựng khoảng 10 cầu vượt, chi phí đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng.
Đoạn qua tỉnh Bình Phước dài khoảng 11,5 km, có quy mô 6 làn xe để đồng bộ với tuyến cao tốc Đắk Nông-Chơn Thành, chi phí đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng.
Dự án đường cao tốc TPHCM-Thủ Dầu Một (Bình Dương)-Chơn Thành (Bình Phước) là công trình quan trọng nhằm kế nối giao thông giữa các tỉnh Bình Phước, tỉnh Bình Dương với TPHCM, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.