
Hạt quản lý đường bộ Tĩnh Gia xử lý đẩy trồi mặt cầu Sông Lý Km344+114, QL.1. Ảnh minh họa.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), năm 2021, kế hoạch bảo trì đã cho các công việc, danh mục có tổng kinh phí cần thiết thực hiện là 11.760,98 tỷ đồng. Hiện nay Tổng cục ĐBVN đang tiếp tục trình điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bảo trì với kinh phí 1.976,45 tỷ đồng để sửa chữa QL.1, đường Hồ Chí Minh, một số công việc đột xuất khác đã được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương.
Việc xây dựng kế hoạch bảo trì 2022 đã được thực hiện tại từng đơn vị cho từng tuyến đường và được Tổng cục ĐBVN xây dựng kế hoạch cả hệ thống quốc lộ và trình Bộ GTVT. Hiện nay, Tổng cục ĐBVN đang tiếp tục hoàn thiện CSDL quản lý tình trạng mặt đường (PMS), cơ sở dữ liệu cầu trên các quốc lộ (VBMS), đồng thời triển khai từng bước việc ứng dụng phần mềm lập kế hoạch bảo trì. Đồng thời, Tổng cục ĐBVN đã phối hợp với các cơ quan của Bộ GTVT, Viện Chiến lược PTGTVT để xây dựng các đề án liên quan đến khai thác quốc lộ (đề án thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và các đề án khác).
Cùng với đó, Tổng cục cũng tiến hành kiểm tra, theo dõi, đôn đốc để các Cục QLĐB, Sở GTVT, Nhà đầu tư BOT triển khai công tác quản lý, vận hành khai thác và bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống quốc lộ, đường cao tốc; đồng thời đã phối hợp với các địa phương, các cơ quan khác tiến hành kiểm tra, xử lý các vấn đề vướng mắc trong quản lý bảo trì đường bộ; xử lý vi phạm hành lang ATĐB (điển hình là đóng các điểm mở trái phép trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai). Đồng thời đã hướng dẫn, kiểm tra và tổng hợp các nhiệm vụ quản lý đường bộ. Do đó, hệ thống quốc lộ, đường cao tốc của Trung ương quản lý trong 6 tháng qua cơ bản an toàn, thông suốt, phục vụ tốt Đại hội XIII, công tác bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Mặt khác đã triển khai có hiệu quả việc đánh giá, thu thập cơ sở dữ liệu quản lý cầu, đường và đã tiến hành công bố điều chỉnh, bổ sung tải trọng, khổ giới hạn đường bộ 2021; đang tiến hành rà soát để công bố loại đường phục vụ tính giá cước vận tải; phối hợp với các địa phương tiếp tục xây dựng báo cáo tổng kết công tác phát triển giao thông nông thôn theo Nghị quyết 26 của BCH Trung ương Đảng, Khóa X.
Công tác quản lý, bảo dưỡng và vận hành khai thác đã được các Cục QLĐB, Sở GTVT tổ chức lập, duyệt và hoàn thành đấu thầu qua mạng 100% các gói thầu để lựa chọn nhà thầu thực hiện hợp đồng với thời hạn hợp đồng 3 năm (đến hết 31/3/2024) với tiêu chí nghiệm thu theo chất lượng theo các quy định của nhà nước. Đến hết ngày 30/6/2021 đạt 50% khối lượng cả năm 2021. Tuy nhiên nghiệm thu và giải ngân quý I và II đạt 25% năm 2021. Dự kiến đến 20/7/2021, các đơn vị sẽ hoàn thiện thủ tục nghiệm thu khối lượng thực hiện cả quý II và giải ngân xong 50% khối lượng thực hiện và dự toán cả năm.

Thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên trên QL45. Ảnh minh họa
Đối với việc thực hiện các dự án sửa chữa, toàn bộ (100%) các dự án sửa chữa có trong kế hoạch bảo trì 2021 và đã được giao vốn, đến 15/5/2021 đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án và đã hoàn thành đấu thầu qua mạng. Một số dự án đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu từ giữa tháng 4 năm 2021. Hiện nay các đơn vị đang tích cực triển khai thi công. Đối với công tác sửa chữa đột xuất trong phần kế hoạch chi, chủ yếu là để thanh toán các nhiệm vụ sửa chữa khắc phục thiên tai bão lũ năm 2020 và một số dự án SCĐX khác đã thực hiện cũng như triển khai khắc phục 100% các sự cố do thiên tai, bão lũ, tai nạn giao thông trên toàn bộ hệ thống quốc lộ; tổ chức thi công xóa 51 điểm đen và tiềm ẩn mất an toàn giao với các giải pháp bền vững, tiết kiệm và hiệu quả.
Tính đến 15/6/2021, toàn hệ thống giải ngân đạt 3515,4 tỷ đồng bằng 35% dự toán chi được giao. Khối lượng thực hiện đạt khoảng 30% (riêng công tác bảo dưỡng thường xuyên đạt 50%), khối lượng thực hiện đã đủ thủ tục để nghiệm thu A-B đạt 20%. Khối lượng thực hiện và khối lượng nghiệm thu A-B chưa cao là do quý I còn đấu thầu, việc triển khai thi công chủ yếu từ quý II, mặt khác các đơn vị chưa hoàn thành thủ tục thí nghiệm và thủ tục nghiệm thu. Trong thời gian tới các đơn vị hoàn thành các thủ tục thì tỷ lệ thực hiện sẽ cao hơn.

Thi công thảm thử lớp BTN công trình xử lý điểm đen Km46+100 - Km47+200, QL45. Ảnh minh họa
Để phục vụ công tác xây dựng nông thôn mới, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, hiện nay Tổng cục ĐBVN đang có văn bản yêu cầu các địa phương tiến hành tổng kết công tác phát triển, bảo trì hệ thống đường giao thông nông thôn theo đề cương của Ban chỉ đạo (thuộc Ban Kinh tế Trung ương). Hiện nay các địa phương đã và đang lập báo cáo gửi Tổng cục ĐBVN. Tuy nhiên một số địa phương đề nghị lùi thời gian báo cáo để tập trung công tác phòng chống dịch Covid 19 ở địa phương và điều chỉnh kế hoạch thực hiện chương trình XD nông thôn mới tại địa phương.
Để đảm bảo an toàn giao thông và bảo hệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Tổng cục ĐBVN và các đơn tiếp tục triển khai công tác KSTTX trên các tuyến đường, trong đó đã kiểm tra tải trọng 64.156 ô tô tải, phát hiện 6.725 xe quá tải trọng, xử lý tước giấy phép lái xe 1964 đối tượng, ban hành quyết định phạt 56.000.000.000 nộp ngân sách nhà nước. Đồng thời triển khai đề án Xây dựng hệ thống kiểm tra tải trọng phương tiện bằng cân tự động theo chỉ đạo tại văn bản 396/TB-VPCP ngày 15/12/2020 của Văn phòng Chính phủ. Tổ chức chỉ đạo và triển khai các nhiệm vụ về phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai năm 2021.
Trong 6 tháng cuối năm, Tổng cục ĐBVN cùng với các Cục QLĐB, Sở GTVT và các đơn vị phấn đấu hoàn thành toàn bộ các kế hoạch, chương trình công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ và cao tốc của cả năm.
Hoàn thành công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, đề án chương trình được giao; Hoàn thành báo cáo tổng kết đánh giá phát triển và quản lý bảo trì đường giao thông nông thôn; Triển khai thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ GTVT về công tác khắc phục nước dâng ngập 31 vị trí quốc lộ tại Tây Nam Bộ và các điểm ngập lụt khác; Triển khai các công việc cần thiết để chuẩn bị đầu tư các dự án thuộc KHBT 2022; Tập trung triển khai thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, quan trắc và các nhiệm vụ chi khác để bảo đảm hoàn thành kế hoạch giải ngân 100% vốn bảo trì từ Ngân sách nhà nước giao; Tăng cường quản lý chất lượng, khối lượng tiến độ và các thủ tục nghiệm thu, thanh toán đúng quy định của Nhà nước nhằm bảo đảm chất lượng các tuyến đường quốc lộ, chất lượng, hiệu quả các dự án sửa chữa và công tác bảo dưỡng thường xuyên, công tác vận hành các bến phà, cầu phao.
Triển khai nhanh chóng, kịp thời công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là thiên tai do bão, lũ, lụt gây ra đối với các công trình đường bộ; Tăng cường rà soát, xử lý điểm đen về tai nạn giao thông; theo dõi kiểm tra phát hiện các điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT báo cáo Bộ GTVT kịp thời để cho chủ trương khắc phục; Tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch mua sắm, trang cấp vật tư, thiết bị dự phòng phục vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2022 và 3 năm 2022-2024.
Tiếp tục triển khai công ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, bảo trì; duy trì vận hành hệ thống quản lý cầu (VBMS), hệ thống cơ sở dữ liệu đường bộ (dự án VRAMP tài trợ).