Nhiều nước phạt nặng thả diều trái phép vì hậu họa khôn lường

Thứ sáu, 09/07/2021 08:33

Các cơ quan quản lý hàng không tại nhiều nước trên thế giới đã có quy định rất cụ thể về hoạt động này.

Biển cảnh báo không thả diều tại Los Angeles, Mỹ

Những chiếc máy bay chở hàng trăm hành khách hay máy bay quân sự phức tạp hoàn toàn có thể gặp tai nạn nghiêm trọng, chết người chỉ vì những hoạt động vui chơi tưởng chừng vô hại như thả diều. Do đó, các cơ quan quản lý hàng không tại nhiều nước trên thế giới đã có quy định rất cụ thể về hoạt động này.

Một chiếc trực thăng quân sự của lực lượng không quân Philippines từng bị rơi xuống đường phố đông người qua lại, khiến 2 người trên máy bay và 7 người dưới đất thiệt mạng vì nguyên nhân do diều.

Sự việc xảy ra năm 2007. Một người còn sống sót sau vụ tai nạn kể lại, chiếc trực thăng đã vận hành hoàn toàn bình thường nhưng ngay khi chuẩn bị hạ cánh trên đảo Cebu thì bị một chiếc diều cuốn vào trong cánh quạt. Người này khẳng định, động cơ không hề có vấn đề. Chính dây diều quấn vào làm cánh quạt ngừng quay. Thủ phạm là dân thường vô tình thả diều trong khu vực cấm.

Thậm chí, theo ông Horacio Tolentino, một Trung tướng của Philippines, diều còn là một công cụ mà các nhóm phiến quân nổi dậy ở nước này thường sử dụng để vô hiệu hóa trực thăng của lực lượng không quân Philippines.

Những cánh diều mỏng manh có thể gây tai nạn nghiêm trọng vì có nguy cơ cản trở tầm nhìn của phi công hoặc vướng vào cánh quạt máy bay trong lúc phương tiện cất/ cánh như sự việc kể trên.

Để hạn chế tình trạng này, nhiều nước trên thế giới đã quy định cụ thể khu vực thả và độ cao của diều theo điều kiện địa phương. Hầu hết các quy định liên quan đến diều đều do Cơ quan quản lý hàng không địa phương đưa ra.

Phạt tới 309 triệu VNĐ nếu thả diều không phép

Hình ảnh minh họa hoạt động thả diều có thể uy hiếp an toàn bay

Tại Mỹ, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) có quy định không cho phép thả diều bay trên 150 feet (khoảng 45m) tính từ mặt đất. Nếu muốn thả diều cao hơn mức quy định, người dân phải thông báo về kế hoạch thực hiện lên cơ quan kiểm soát không lưu gần nhất so với nơi dự định thả.

Về địa điểm bay, FAA quy định, khu vực thả diều phải cách ranh giới tất cả các sân bay ở Mỹ khoảng 5 dặm (8km). Đơn vị/cá nhân thả diều phải đảm bảo dây diều có gắn đuôi nheo hoặc dây chuyền màu ở điểm từ 45m trở lên so với khoảng cách 15m.

Tại châu Á, Cơ quan Hàng không Dân dụng Singapore (CAAS) phân chia độ cao cho phép thả diều theo từng khu vực. Có 3 mức: khu vực cấm hoàn hoàn, khu vực cấm thả diều cao trên 200 feet (60m) so với mực nước biển, khu vực cấm thả diều trên 500 feet (khoảng 152m) so với mực nước biển.

Khi thả diều trong các khu vực này và ở độ cao quá mức cho phép, người dân buộc phải gửi đơn tới CAAS. Trong quá trình đánh giá để cấp phép, CAAS bắt buộc phải tham vấn với Không lực Singapore (RSAF).

Ở Ấn Độ, theo luật quản lý phương tiện bay của nước này năm 1934, diều cũng được coi là một phương tiện bay, do đó muốn thả, người dân phải xin phép. Người thả diều một cách cẩu thả gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù tới 2 năm hoặc phạt tiền tới 100.000 rupee (tương đương 309 triệu VNĐ).

Tại Anh, Cơ quan Hàng không Dân dụng Anh (CAA) quy định cấm thả diều bay cao trên 30m trong phạm vi cách phi trường 5km. Người thả diều nên tránh đường cất/hạ cánh của máy bay.

Những người thả diều trên 60m tính từ mặt đất sẽ phải làm đơn và gửi lên cơ quan chức năng để xin cấp phép ít nhất 28 ngày trước khi thực hiện. Chủ yếu những người phải xin giấy phép này là các đơn vị tổ chức các lễ hội thả diều.

Đặc biệt ở chỗ, Anh phân biệt rõ quy định thả diều theo thời gian ban ngày và buổi tối. Hoạt động thả diều buổi tối đòi hỏi phải có thêm đèn được gắn trên dây diều. Theo quy định, đèn gắn lên diều sẽ phải theo nhóm gồm 2 đèn. Một đèn màu trắng đặt phía trên cách đèn màu đỏ khoảng 4m. Cả hai đèn đều phải có ít nhất 5 mức cường độ ánh sáng.

Trên dây diều nên có thêm nhiều nhóm 2 đèn như vậy đặt ở các vị trí tương ứng kể trên để nếu nhóm đèn thấp nhất bị mây cản trở thì vẫn có nhóm đèn khác ở dưới để cảnh báo.

Trên mặt đất, các đơn vị/cá nhân cũng phải lắp một nhóm 3 đèn flash trình chiếu tạo hình tam giác đều trên một mặt phẳng nằm ngang. Mỗi bên của tam giác có chiều dài ít nhất 25m. Một bên của hình tam giác nên tạo thành góc vuông và do hai đèn màu đỏ xác lập. Đèn còn lại nên là đèn xanh, được đặt để tạo thành tam giác bao quanh vật thể trên mặt đất từ nơi diều được thả.

Theo sách kỷ lục Guinness thế giới, kỷ lục diều được thả cao nhất trên thế giới do một người đàn ông tên Robert Moore xác lập vào năm 2014. Ông đã thả diều ở độ cao ấn tượng 4.870m. Để thực hiện kỷ lục, ông Moore đã chọn nơi một nơi thả diều rất hợp lý đó là một trang trại nuôi cừu rộng 202km ở phía Tây, bang New South Wales, Australia.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:145923
Lượt truy cập: 176.581.258