CSGT Trạm Quốc lộ 1A kiểm tra giấy tờ, bằng lái và hàng hóa của xe khách. Ảnh tư liệu: Minh Đức/TTXVN
Báo cáo nằm trong chương trình đối tác chiến lược giữa Chính phủ Australia và Ngân hàng Thế giới về chuỗi báo cáo phân tích ngành Giao thông vận tải Việt Nam.
Theo Báo cáo, Ngân hàng Thế giới đã và đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, thông qua Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cải thiện hệ thống dữ liệu tai nạn giao thông đường bộ, thiết lập một Trung tâm Thông tin an toàn giao thông đường bộ quốc gia (NRSO), cập nhật Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Kế hoạch hành động để thực hiện chiến lược.
Với sự hỗ trợ tài chính của Ngân hàng Thế giới trong giai đoạn 2005-2012, Hệ thống cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông đường bộ quốc gia (NRADS) đã được xây dựng, bao gồm dữ liệu từ tất cả 63 tỉnh và thành phố trên cả nước, do Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) quản lý.
Kết quả nghiên cứu của Báo cáo cho thấy khung kết quả tổng thể chưa được quan tâm đầy đủ (không chỉ đơn giản là số người chết và thương tích nghiêm trọng) tới mức cần thiết để đạt được mức giảm thiểu đáng kể và bền vững đối với chấn thương nghiêm trọng do tai nạn giao thông đường bộ. Điều này phản ánh nhu cầu tăng cường quản lý nhà nước, sắp xếp các hoạt động lãnh đạo về an toàn giao thông đường bộ, hệ thống dữ liệu an toàn giao thông đường bộ (bao gồm cả hệ thống dữ liệu tai nạn giao thông đường bộ).
Báo cáo nhấn mạnh, không giống như các phương thức vận tải khác, Việt Nam chưa có một cơ quan cụ thể nào chuyên trách quản lý về an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam, mặc dù đã có một Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tập trung vào tất cả khía cạnh trong lĩnh vực an toàn giao thông, bao gồm an toàn giao thông đường bộ.
Trong khi đó, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng mỗi năm vẫn còn hàng ngàn trường hợp tử vong do tai nạn giao thông đường bộ. Theo Cục Cảnh sát giao thông, 6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 6.340 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.192 người, bị thương 4.475 người. Trong số các vụ tai nạn trên, có tới 99% số vụ xảy ra trên lĩnh vực đường bộ, với 6.278 vụ, làm chết 3.147 người, bị thương 4.465 người.
Để tạo ra những thay đổi mang tính đột phá, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam nên thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý về an toàn giao thông đường bộ đồng thời xây dựng một cơ sở dữ liệu toàn diện về an toàn giao thông đường bộ. Theo Ngân hàng Thế giới, việc Bộ Công an xây dựng cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông là một bước tiến vượt bậc nhưng cần tích hợp với cơ sở dữ liệu về đường bộ của Bộ Giao thông Vận tải. Ngoài ra Bộ Y tế cũng cần xây dựng một cơ sở dữ liệu về thương tích do tai nạn giao thông, có kết nối với các cơ sở dữ liệu trên.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho rằng việc thành lập Trung tâm Thông tin an toàn giao thông đường bộ quốc gia trực thuộc Ủy ban An toàn giao thông quốc gia mang lại thuận lợi quan trọng cho Việt Nam nhằm tăng cường chức năng cơ bản và năng lực quản lý của cơ quan chủ trì trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, đồng thời cải thiện giám sát hoạt động quản lý nhà nước liên ngành đối với các hệ thống cơ sở dữ liệu an toàn giao thông đường bộ.
Ngân hàng Thế giới ước tính để xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm thông tin an toàn giao thông đường bộ quốc gia và Cổng điện tử An toàn giao thông đường bộ quốc gia cần 4 năm với kinh phí gần 2 triệu USD.