Nhà thầu đang khẩn trương hoàn thiện gói thầu lu lèn mặt đường
tại điểm đầu tuyến ở nút giao Thân Cửu Nghĩa, nối tiếp đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Ảnh: Vân Sơn/Báo Tin tức
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19 diễn biến phức tạp và giá cả vật liệu biến động mạnh, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã chỉ đạo và quán triệt đến tất cả các đơn vị thi công, người lao động tham gia dự án phải tuân thủ và nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Trung ương và địa phương, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đảm bảo mục tiêu hoàn thành Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong năm 2021.
Tính đến hết tháng 8/2021, tiến độ thi công toàn dự án đạt khoảng 80% với những kết quả cụ thể như sau: dỡ tải trên tuyến chính đã dỡ tải 36/39 km (đạt 92%) nền thượng K98 dày 30cm tuyến chính đã hoàn thành 36/45 km; bê tông nhựa chặt 19 tuyến chính: hoàn thành 14,3/45 km; hỗn hợp đá gia cố nhựa nóng hoàn thành 17/45 km; toàn bộ cầu (gồm: 39/39 cầu trên tuyến chính; 4/4 vượt nút giao; 3/3 cầu trên tuyến nối…) và đang thi công, hoàn thiện lan can, lớp phủ mặt cầu, khe co giãn.
Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Ban Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã chỉ đạo tất cả các đơn vị, cá nhân khi tham gia vào dự án phải tuyệt đối tuân thủ theo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế; những cá nhân và tổ chức không chấp hành nghiêm quy định sẽ được đơn vị báo cho các cơ quan có thẩm quyền, đồng thời buộc phải rời khỏi phạm vi dự án.
Công ty đã phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức xét nghiệm sàng lọc để sớm phát hiện người nhiễm COVID-19 cho toàn bộ cán bộ, nhân viên tham gia thực hiện Dự án (gần 1.500 người). Đến nay, có gần 1.400 người lao động đã được tiêm vaccine (mũi 1) phòng COVID-19. Công ty đã tổ chức bố trí nơi ăn, nơi nghỉ cho người lao động theo phương châm "3 tại chỗ", đồng thời thực hiện và quán triệt phương châm "1 cung đường, 2 điểm đến" đối với tất cả người lao động trong Dự án.
Hiện nay, tỉnh Tiền Giang cũng như hầu hết các tỉnh trong khu vực phía Nam và Tây Nam bộ vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chị thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nên việc huy động, vận chuyển nguyên vật liệu, nhân sự, thiết bị thi công tăng cường từ các địa phương khác (Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp....) đến công trường rất khó khăn, chậm trễ gây ảnh hưởng, làm chậm tiến độ thi công do nguyên vật liệu, thiết bị không được cung cấp đầy đủ và kịp thời theo yêu cầu tiến độ thi công.
Đặc biệt, hiện nay công tác thi công mặt đường (cấp phối đá dăm, bê tông nhựa) bị chậm và có thể bị đình hoãn do các địa phương lân cận như tỉnh Đồng Nai, tỉnh Long An, tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long, Thành phố Cần Thơ và tỉnh An Giang đang tăng cường và triệt để tổ chức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các nhà thầu cần phải quyết liệt hơn nữa, đẩy nhanh tiến độ thi công, quyết tâm hoàn thành dự án. Đối với khó khăn về nguồn lực tài chính, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng yêu cầu đơn vị thi công phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, để cùng kiến nghị và cùng tác động đến ngân hàng để sớm được giải ngân. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, chính vì vậy phải làm việc bằng hình thức trực tuyến với Hội đồng nhiệm thu và xin ý kiến xác định các điểm cần gia tải, để tính toán các phải pháp, không rơi vào thế bị động.
Đối với các tuyến đường gom, đường dân sinh gắn với tuyến đường chính cao tốc, cần phải thực hiện sớm hoàn thành cho nhân dân. Riêng đối với các gói thầu có ảnh hưởng đến công trình, sinh hoạt của người dân, phải kiểm tra và cùng với người dân thỏa thuận, tránh gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong quá trình thi công dự án.