Tăng cường hơn nữa công tác phòng cháy, chữa cháy

Thứ bẩy, 18/09/2021 10:56

Bộ GTVT vừa có Văn bản số 9704 gửi các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu triển khai thực hiện Quyết định số 1492/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 02-KL/TW ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Ban Bí thư về tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư Khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy.

Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại Cảng hàng không Nội Bài

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu các cơ quan, đơn vị :  Tổ chức phổ biến, quán triệt tới toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1492/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2021 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 02-KL/TW ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Ban Bí thư về tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư Khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và các văn bản khác có liên quan.

Chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa và xử lý các tình huống nếu xảy ra sự cố, cháy, nổ, tai nạn, bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp... phải chịu trách nhiệm trước hết về bảo đảm an toàn cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình. Xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ để xảy ra cháy và xảy ra vi phạm nghiêm trọng, mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại địa bàn, cơ sở.

Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, đảng viên, người lao động để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Kịp thời biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và có biện pháp giải quyết, khắc phục những thiếu sót, bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Hướng dẫn, đôn đốc người đứng đầu các đơn vị cơ sở, doanh nghiệp thường xuyên tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là trong quản lý, sử dụng hệ thống, thiết bị điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt và các chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ. Chủ động trang bị các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của đơn vị, cơ sở theo quy định của pháp luật. Đơn vị nào để xảy ra cháy phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thì Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật.

Bố trí nguồn kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định để bảo đảm cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (thực hiện từ năm 2021 và các năm tiếp theo).

Các cơ quan, đơn vị tiếp tục tiến hành rà soát, kiểm tra lại các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hiện có ở đơn vị và lập kế hoạch sửa chữa, thay thế các phương tiện đã quá cũ không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời phải trang bị bổ sung những phương tiện, thiết bị còn thiếu, đặc biệt lưu ý trang bị đủ cho các điểm trọng yếu như kho tàng, những điểm dễ gây cháy, nổ, các nhà ga, sân bay, bến tầu, bến xe, nhà cao tầng, hầm đường bộ; các phương tiện thủy chở khách du lịch, các phương tiện vận tải khách bằng đường bộ, các phương tiện chở hàng nguy hiểm (chất nổ, chất dễ cháy).

Định kỳ phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an tổ chức tập huấn, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

Thường xuyên rà soát các văn bản quy pháp pháp luật về phòng cháy, chữa cháy để kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Các công trình xây dựng mới phải quan tâm xem xét tới việc bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ngay từ khâu thiết kế kỹ thuật, đồng thời phải dành đủ kinh phí cho việc trang bị lắp đặt các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần thiết theo quy định.

DT

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:84363
Lượt truy cập: 176.411.120