Tháng 2/2022 khởi công nhà ga hành khách
Điểm đáng chú ý trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội là tiến bộ các dự án thành phần vẫn đang bám sát tiến độ đặt ra.
Cụ thể, tại dự án thành phần 1 - Các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ cho biết, Bộ GTVT, Bộ Công an và Bộ Tài chính đang thực hiện lập và trình kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện đầu tư, gồm đồn công an cửu khẩu, hải quan, cảng vụ hàng không.
Cảng HKQT Long Thành được xây dựng theo mô hình hoa sen cách điệu
“Trường hợp được bố trí vốn trung hạn 2021-2025, các chủ đầu tư sẽ đầu tư các công trình đảm bảo tiến độ vì đây là các công trình dân dụng thông thường, không phức tạp. Thời gian chuẩn bị dự án mất khoảng 6-12 tháng, thi công khoảng 24 tháng, đảm bảo hoàn thành trong năm 2025”, Chính phủ khẳng định.
Dự án thành phần 2 (các công trình phục vụ quản lý bay) và dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu trong cảng hàng không) cũng cơ bản đảm bảo tiến độ theo dự kiến.
Chính phủ cho biết, Bộ GTVT và các đơn vị ngành hàng không xác định hạng mục đài kiểm soát không lưu và nhà ga hành khách là hai đường găng của dự án. Do đó, Bộ GTVT đã yêu cầu TCT Quản lý bay VN (VATM) và Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) tập trung đẩy tiến độ công tác chuẩn bị hạng mục này để không ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành.
“Dự án CHK QT Long Thành được chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.
Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn 3: Hoàn thành các hạng mục để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5,0 triệu tấn hàng hóa/năm.”
|
Các đơn vị cũng xác định, đại dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng tới công tác sản xuất, nhập khẩu một số thiết bị chuyên dụng và huy động chuyên gia tư vấn nước ngoài nên cần chủ động có các giải pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng này.
Được biết, tại dự án thành phần 3, ngay từ tháng 11/2020, ACV đã triển khai công tác rà phá bom mìn, đảm bảo chuẩn bị mặt bằng thi công phần móng nhà ga hành khách vào tháng 2/2022.
Đến nay, công tác rà phá bom mìn đã thực hiện khoảng 77% diện tích đất được bàn giao, dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2021.
Công tác xây dựng tường rào ranh giới cho 5.000 héc-ta cũng đã hoàn thành hơn 70%, dự kiến xong trong tháng 12 tới.
Việc thiết kế kỹ thuật nhà ga hành khách đã được triển khai từ tháng 6/2021. Hiện đã hoàn thành công tác khoan khảo sát địa chất và thí nghiệm quan trắc mực nước ngầm tại hiện trường. Công tác thiết kế kỹ thuật được ưu tiên hoàn thiện và phê duyệt trước phần móng công trình để bảo đảm khởi công công trình nhà ga hành khách trong tháng 2/2022, hoàn thành trong tháng 6/2025.
Liên quan việc thiết kế kỹ thuật hạ tầng (công trình khu bay, hệ thống giao thông nội cảng, hạ tầng kỹ thuật điện nước viễn thông...), ACV đã ký họp đồng triển khai thực hiện (Liên danh tư vấn JFV gồm tư vấn Nhật: JAC, Nippon Koei, OGC; tư vấn Pháp ADPi; tư vấn Việt Nam: ADCC, TEDI), đảm bảo tiến độ khởi công các hạng mục trong năm 2022, hoàn thành trong tháng 6/2025.
Đối với dự án thành phần 4, Chính phủ cho biết, sau khi ban hành Thông tư về lựa chọn nhà đầu tư, Bộ GTVT sẽ công bố danh mục các dự án và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2022, đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm 2025.
Dự án thành phần 4 - các công trình khác bao gồm các hạng mục dự kiến đầu tư theo hình thức xã hội hóa như: nhà ga hàng hoá số 2, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh (Express cargo), kho giao nhận hàng hoá, khu xử lý vệ sinh tàu bay, khu bảo dưỡng trang thiết bị mặt đất, khu cung cấp suất ăn trên tàu bay, hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu từ cảng đầu nguồn tới ranh giới CHK QT Long Thành, trung tâm điều hành của các hãng hàng không, khu bảo trì tàu bay (Hangar), bệ thử động cơ, khu công nghiệp hàng không, khu logistics hàng không.
“Hàng tháng, Bộ GTVT đều họp chỉ đạo các chủ đầu tư dự án thành phần 2 và dự án thành phần 3 để đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc (các vướng mắc về công tác thiết kế; công tác phối hợp, làm việc và đôn đốc địa phương GPMB; công tác bố trí vốn...) nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng vào nửa đầu năm 2025, kịp thời vận hành thử nghiệm và đưa vào khai thác cuối năm 2025”, Chính phủ thông tin.
Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn chậm so với kế hoạch
Thiết kế bên trong nhà ga hành khách Cảng HKQT Long Thành
Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, lũy kế giải ngân từ năm 2018 đến đầu tháng 10/2021 tại dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư CHK QT Long Thành do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư mới đạt hơn 10.698/22.850 tỷ đồng vốn đã bố trí (tương đương 46,81%).
Diện tích đất đã thu hồi hơn 1.284,5/2.532 héc-ta (gồm 1.810 héc-ta giai đoạn 1 và 722 héc-ta đất dự trữ phục vụ giai đoạn 1) chỉ đạt 50,7%.
Cụ thể, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, UBND tỉnh Đồng Nai đã huy động mọi nguồn nhân, vật lực để triển khai công tác phòng, chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, do vậy ảnh hưởng không nhỏ tới công tác GPMB.
Vướng mắc lớn thứ hai là việc tại phạm vi GPMB dự án có khoảng 1.000 hộ dân đang gặp khó khăn trong xử lý hồ sơ bồi thường (chuyển nhượng, cho tặng bằng giấy viết tay). Đáng nói là nếu không giải phóng toàn bộ mặt bằng sạch của giai đoạn 1 theo đúng tiến độ sẽ ảnh hưởng đến biện pháp thi công tổng thể giai đoạn 1.
Đặc biệt, UBND tỉnh Đồng Nai đang gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện giải trình với Kiểm toán Nhà nước như: điều chỉnh khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; không hỗ trợ chuyển đổi việc làm đối với các đối tượng nhân công, nội trợ; các nhân khâu trong sổ hộ khẩu có mối quan hệ gia đình... thì không đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất; giá trị bồi thường, hỗ trợ vườn cây của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai.
“Hiện các nội dung vướng mắc nêu trên đã và đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tổ chức các cuộc họp kiểm điểm tiến độ để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Khái toán cho toàn bộ dự án khoảng 336.630 tỷ đồng (tương đương khoảng 16,06 tỷ USD, áp dụng tỷ giá của năm 2014). Trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).
Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.