Lưu thông trên đường không gây ra dịch bệnh

Thứ ba, 19/10/2021 11:08

Việc lưu thông trên đường không gây ra dịch bệnh. Chính thái độ, hành vi của người tham gia giao thông và cách tổ chức giao thông mới gây ra lây nhiễm dịch bệnh.

Tọa đàm “Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức

Đây là quan điểm được GS. Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học-Truyền máu Việt Nam nêu tại Tọa đàm “Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức sáng ngày 18/10 tại Hà Nội. Tham dự Tọa đàm có các vị khách mời: Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện UBTVQH, Đại biểu Quốc hội khóa XIV; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu và GS. Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học-Truyền máu Việt Nam.

Khôi phục giao thông là nhu cầu của nhân dân
 
Nghị quyết 128 nêu rõ, quan điểm của Chính phủ là bảo đảm mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; bảo đảm người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.
 
Tầm quan trọng của vấn đề lưu thông cũng được TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện UBTVQH, đại biểu Quốc hội khóa XIV khẳng định nhiều lần trong Tọa đàm: "Chúng ta để mạch máu giao thông đứt gãy tức là cơ thể rơi vào trạng thái hôn mê và sẽ chết". Còn GS. Nguyễn Anh Trí thì cho rằng: "Nhu cầu giao thông, đi lại của người dân, việc mở cửa lại nền kinh tế là vô cùng quan trọng và là vấn đề tự thân của xã hội, tự thân của nhân dân".
 
Có thể thấy, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã giao cho Bộ GTVT nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo đảm giao thông, vận tải thuận lợi, không ách tắc thực hiện đồng bộ với các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
 
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Nghị quyết 128 được Chính phủ đưa ra kịp thời, đúng và trúng, đánh dấu mốc quan trọng trong việc chuyển trạng thái từ đỉnh dịch và xuống dần, cả nước sẽ thích ứng dần với trạng thái "bình thường mới" gắn với giải pháp mới để khắc phục những tồn tại trong suốt thời gian qua, phải làm sao để phục hồi kinh tế nhanh nhưng vẫn chống dịch tốt.
 
"Vừa qua, trong lĩnh vực giao thông vận tải, chúng tôi ghi nhận rất nhiều ý kiến của người dân, doanh nghiệp phản ánh về khó khăn, vướng mắc trong lưu thông hàng hóa do việc tổ chức giao thông tại các địa phương chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập. Do đó, Nghị quyết 128 ban hành để giải quyết những bất cập này. Phải đồng bộ từ công tác tuyên truyền, tập huấn bởi chủ trương Chính phủ đưa ra là đúng nhưng khâu thực hiện ở các chốt kiểm dịch chưa đồng bộ, hiểu chưa đúng, triển khai chưa cụ thể gây ra nhiều bất cập trong lưu thông.
 
"Trước khi có Nghị quyết 128, giai đoạn các tỉnh, thành phố phía nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Bộ GTVT đã trực tiếp đi kiểm tra và ghi nhận tình trạng đáng lẽ chỉ cần dừng 1 chiếc xe 5 phút để kiểm tra nhưng việc kiểm tra có thể kéo dài lên đến 1 tiếng, gây ách tắc nhiều km, gây bức xúc cho doanh nghiệp, người dân, lãng phí tiền bạc và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo.
 
"Chưa nói đến việc khi ứng dụng công nghệ toàn quốc thì lái xe khai báo y tế qua ứng dụng, nhận mã QR thì lực lượng kiểm tra tại chốt phải có thiết bị kiểm tra mã QR, nhưng có địa phương bắt anh em ngồi ghi từng số xe thì chưa ổn. Đặc biệt, ngành y tế quy định chấp nhận xét nghiệm 72 giờ nhưng có địa phương lại chỉ chấp nhận giấy xét nghiệm giá trị 24-48 giờ. Chúng ta thực hiện chưa đồng bộ sẽ có gây ra bức xúc cho nhân dân", Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.


Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại Tọa đàm

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, sau ngày 20/10, Bộ GTVT sẽ tổng kết và đánh giá để có một hướng dẫn thích ứng tổng hợp, đồng bộ ban hành theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Triển khai Nghị quyết 128, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, Bộ GTVT đã khẩn trương ban hành các hướng dẫn tạm thời về lĩnh vực đường bộ, hàng hải và đường thủy nội địa thực hiện thí điểm trong thời gian 10 ngày (từ 10-20/10/2021). Hướng dẫn này nhằm bảo đảm thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128, hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 4800.
 
Riêng hàng không và đường sắt tiếp tục thực hiện theo các hướng dẫn hiện hành cho đến ngày 20/10. Đối với hàng không là các hướng dẫn số 1776 và 1786. Với đường sắt là quyết định số 1782.
 
"Sau ngày 20/10, Bộ GTVT sẽ tổng kết và đánh giá để có một hướng dẫn thích ứng tổng hợp, đồng bộ ban hành theo tinh thần Nghị quyết 128. Hiện nay, các địa phương nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế, vấn đề đi lại của người dân sẽ rất lớn. Trong quá trình tổ chức thực hiện, vấn đề kiểm soát, theo dõi, hậu kiểm hết sức quan trọng, nếu các địa phương, các Sở GTVT không tổ chức tốt sẽ tạo xung đột mới, điểm nghẽn mới, thậm chí gây ra bức xúc cho người dân và dư luận.
 
Do vậy, để khôi phục giao thông, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân, cần có sự chủ động, thống nhất, đồng bộ giữa Bộ GTVT, Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp về tổ chức khôi phục giao thông. Đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch, không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
 
Chuyển trạng thái, phải thống nhất
 
Nếu như ngành giao thông đánh giá Nghị quyết 128 là dấu mốc của việc chuyển trạng thái từ đỉnh dịch sang "bình thường mới", thì TS. Lưu Bình Nhưỡng lại nhìn nhận: "Chuyện người dân về quê, chuyện không được đi lại, trở thành câu chuyện như thợ lặn nhịn thở một hồi lâu và khi có Nghị quyết 128 thì được hít một hơi dài".
 
"Khi bắt đầu 'bình thường mới', chúng ta phải giải quyết nhiều vấn đề để thực hiện các mục tiêu: Phòng chống dịch bệnh; phát triển, tiếp tục sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; quốc phòng an ninh; các hoạt động bình thường và tiếp tục các hoạt động đối ngoại quốc tế. Khi chuyển trạng thái cần bảo đảm tính thống nhất, thứ hai bảo đảm tính tuân thủ cao, thứ ba bảo đảm thông tin phản ánh kịp thời. Nghị quyết 128 đã được Chính phủ ban hành, chúng ta triển khai trên tinh thần đó, có phản hồi thì sẽ tiếp tục điều chỉnh", TS. Lưu Bình Nhưỡng nói.
 
Đặc biệt, trong quá trình triển khai Nghị quyết 128, TS. Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: "Không được để khủng hoảng sản xuất kinh doanh. Giao thông vận tải không thông suốt là ảnh hưởng sản xuất kinh doanh. Để làm được điều đó, từ Nghị quyết đến hành động phải hiểu đúng, đánh giá đúng tình hình địa phương và phải đúng quy định. Các địa phương trên cơ sở Nghị quyết 128 ban hành các văn bản quy định ở địa phương mình. Quy định đưa ra phải bằng các văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng ăn đong, nay chỉ đạo thế này mai chỉ đạo cái khác. Các địa phương phải tuân thủ sự chỉ đạo từ Trung ương, thống nhất nhưng vận dụng linh hoạt".
 
Hơn một lần nhấn mạnh việc phải bảo đảm "mạch máu lưu thông phải thông suốt", TS. Lưu Bình Nhưỡng nhắc lại việc ùn tắc tại các chốt kiểm dịch ra vào TP. Cần Thơ hồi tháng 8/2021 khi hơn 4.000 xe ùn tắc gây ra nguy cơ lớn về lây nhiễm chéo, an ninh trật tự và đứt gẫy chuỗi sản xuất.
 
Đồng thời, trong bối cảnh chống dịch cần phải giữ vững nền tảng sản xuất nông nghiệp, nông sản, hàng hóa người nông dân làm ra phải được lưu thông để sản xuất, tuyệt đối không để xảy ra khủng hoảng về lương thực và an sinh xã hội. Giao thông thông suốt còn là tiêu chí quan trọng trong việc bảo đảm toàn bộ hệ thống sản xuất và khu công nghiệp hoạt động trở lại. "Đây không chỉ là câu chuyện sản xuất mà còn là giải quyết công việc cho người lao động, từ đó tác động trở lại ngân sách và an sinh xã hội", TS. Nhưỡng nêu quan điểm.
 
"Vừa qua, chúng ta đã có kinh nghiệm từ việc áp dụng Chỉ thị 15, 16, 19 và bây giờ thêm Nghị quyết 128, Chính phủ trao quyền cho các địa phương thích ứng mà các địa phương không thích ứng thì có lẽ phải đình chỉ, loại trừ, cách chức một số lãnh đạo không hòa cùng "nhịp đập" của cả nước hoặc vì câu chuyện cá nhân hay địa phương mình mà ngăn cản các địa phương khác, ngăn cản các chủ thể khác. Đặc biệt, không thể để xảy ra tình trạng "trên bảo dưới không nghe", Trung ương điều hành mà địa phương không tuân thủ là việc không thể chấp nhận được", TS. Lưu Bình Nhưỡng khẳng định.

Khôi phục giao thông là nhu cầu của nhân dân.

Ở góc độ người nghiên cứu khoa học, GS. Nguyễn Anh Trí đưa ra quan điểm: "Sự lưu thông trên đường không gây ra dịch bệnh. Chính thái độ, hành vi của người tham gia giao thông và cách tổ chức giao thông mới gây ra dịch bệnh. Rất điển hình ở Cần Thơ, mấy nghìn chiếc xe ùn tắc cả ngày, sự lây lan khi có ca nhiễm là kinh khủng. Những chốt chặn ở thành phố cũng vậy, xe cộ bị ách tắc lại, nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao và nhiều bất lợi khác xảy ra.
 
Nhu cầu giao thông, đi lại của người dân, việc mở cửa lại nền kinh tế là vô cùng quan trọng và cũng là vấn đề tự thân của xã hội, tự thân của nhân dân. Tôi cho rằng, quyết định nào của các tỉnh, thành phố cũng đều xuất phát từ mục tiêu phục vụ nhu cầu nhân dân. Nếu đâu đó còn chưa mở cửa thì các đồng chí lãnh đạo ở địa phương đó chưa thực sự thấm nhuần, chưa thực sự hiểu hết Nghị quyết 128".
 
Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, mỗi thời điểm phòng chống dịch khác nhau, chúng ta đưa ra những giải pháp khác nhau, phù hợp với tình hình thực tế. Sau thời gian dài triển khai các biện pháp với nhận định của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm của các nước, bối cảnh hiện nay, phải thực hiện theo nguyên tắc linh hoạt, an toàn, kiểm soát dịch hiệu quả.
 
Chính vì thế, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng như Quyết định 4800 của Bộ Y tế và các hướng dẫn của các bộ, ban, ngành, các địa phương có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể nhưng không trái các quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, việc đi lại của người dân.
 
Trong trường hợp các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, của các bộ, ngành đưa ra mà địa phương gặp khó khăn trong thực thi, đề nghị các địa phương báo cáo kịp thời để các bộ, ngành có hướng dẫn phù hợp, tháo gỡ khó khăn ngay. Đồng thời, đề nghị các địa phương tổng hợp báo cáo về Bộ Y tế đê tổng hợp, báo cáo với Ban Chỉ đạo quốc gia, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có điều chỉnh cho phù hợp.
 
"Nghị quyết 128 được các cấp, các ngành và nhân dân đón nhận rất tích cực, vì vậy, tôi đề nghị một lần nữa các địa phương không đưa ra các biện pháp bổ sung không phù hợp với tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Nguồn: VGP News

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:3918
Lượt truy cập: 175.873.138