Ngành GTVT luôn chào đón các giải pháp công nghệ từ doanh nghiệp Việt Nam
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ GTVT và Bộ TT&TT
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, công nghệ số và chuyển đổi số là xu thế tất yếu của kỷ nguyên số. Đồng thời Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông cũng khẳng định, chuyển đổi số chắc chắn giải được các bài toán khó của Ngành GTVT từ quy hoạch đến các vấn đề hàng ngày như quản lý điều tiết giao thông thông minh, giảm ùn tắc giao thông….
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị
Muốn giải được các bài toán này, theo Bộ trưởng Bộ TTTT thì các doanh nghiệp công nghệ thông tin không thể tự mình làm mà phải có môi trường, tri thức và dữ liệu do Ngành GTVT cung cấp mới phát triển và đưa ra được các giải pháp tối ưu. “Sự hợp tác, hỗ trợ nhau giữa hai bên là điều kiện tiên quyết để các dự án thành công”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị chuyển đổi số Ngành GTVT, chiều nay, 22/10, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cảm ơn các cơ quan, tập đoàn công nghệ thông tin trong thời gian qua đã hỗ trợ, đồng hành để Ngành GTVT ngày càng trở nên hiện đại, bắt kịp với sự phát triển như vũ bão của công nghệ kỷ nguyên số và nền tảng của công nghệ 4.0 trong khu vực và thế giới.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại Hội nghị
Theo Bộ trưởng, các lĩnh vực của Ngành GTVT cơ bản đã và đang hiện đại hóa từ các khâu, các quy trình quản lý, vận hành, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại và nhược điểm, chưa phát huy hết thế mạnh và tiềm năng cũng như vị thế một Ngành mũi nhọn của đất nước. Bộ trưởng cũng cho rằng, chỉ trong thời gian ngắn nữa, hạ tầng giao thông sẽ sớm bão hòa vì tốc độ xây dựng cũng như quỹ tài nguyên là hữu hạn. Do vậy, muốn phát triển Ngành GTVT lớn mạnh hơn nữa không chỉ có xây cầu, làm đường, xây nhà ga hay bến cảng mà nút thắt ở việc ứng dụng công nghệ vào quản lý và vận hành như thế nào.
“Làm thế nào để người dân được hưởng các tiện ích tốt hơn nữa, các dịch vụ về giao thông, vận tải có thể tiếp cận và thực hiện dễ dàng trên nền tảng số, trên các thiết bị thông minh để vừa đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp hạn chế lưu thông mà vẫn đạt hiệu quả mong muốn là hướng phấn đấu của Ngành GTVT”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng, trong thời gian qua mặc dù Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh các giải pháp công nghệ nhưng chưa khai thác hết tiềm năng. Các vấn nạn như tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông tuy đã giảm nhưng chưa bền vững và chưa có sự tham gia tích cực của các giải pháp công nghệ tiên tiến. Các khâu, các lĩnh vực từ vận hành, giám sát, hậu kiểm chưa thực sự hiện đại nên hiệu quả chưa tương xứng.
“Có thể nói, nhận thức về triển khai Chính phủ điện tử chưa đồng đều giữa các đơn vị thuộc Bộ; Nguồn lực dành cho xây dựng, triển khai các hệ thống CNTT còn hạn chế; Ứng dụng và dữ liệu mới chỉ đáp ứng mục tiêu, quản lý của Bộ GTVT, chưa được kết nối với các bộ, ngành, địa phương để dùng chung; Vấn đề về an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin luôn thường trực, nhất là các hệ thống quản lý, điều hành, giám sát phương tiện”, Bộ trưởng nhấn mạnh đồng thời cho biết Bộ GTVT đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị chuyển đổi số giữa Bộ GTVT và Bộ Thông tin truyền thông cũng như sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao hai đồng chí Thứ trưởng của hai Bộ và các cơ quan liên quan, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ GTVT tham mưu thúc đẩy nhanh hơn nữa các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số, thúc đẩy các điều khoản đã được ký kết để ngày một nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành các lĩnh vực của ngành GTVT.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị Bộ Thông tin truyền thông hỗ trợ, tháo gỡ về cơ chế trong quá trình thực hiện để các đơn vị trong Ngành GTVT sớm tiếp cận và ứng dụng được công nghệ thông tin nói chung, chuyển đổi số nói riêng vào quản lý và thực thi nhiệm vụ sản xuất.
“Ngành GTVT luôn tin tưởng, chào đón và tạo điều kiện để các giải pháp công nghệ được ứng dụng trong lĩnh vực của Ngành GTVT đến từ các đơn vị công nghệ thông tin trong nước, không chỉ vì mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững Ngành GTVT mà còn đảm bảo an ninh, quốc phòng trong quá trình quản lý, vận hành”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Bộ GTVT triển khai tốt các nhiệm vụ về Chính phủ điện tử
Trước đó, báo cáo về tình hình xây dựng Chính phủ điện tử và định hướng chuyển đổi số ngành Giao thông vận tải, Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin Bộ GTVT Lê Thanh Tùng cho biết, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã triển khai tốt các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Cụ thể, về xây dựng hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp, đã kết nối các phần mềm quản lý văn bản của 60/60 đơn vị thuộc Bộ với Trục văn bản quốc gia để gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp; sử dụng chữ ký số cá nhân để xử lý công việc, hồ sơ trên môi trường mạng.
100% văn bản, hồ sơ (trừ văn bản mật) của các đơn vị thuộc Bộ được xử lý, gửi, nhận hoàn toàn dưới dạng điện tử; Xây dựng, triển khai Hệ thống thông tin báo cáo Bộ GTVT: Đã sửa đổi, ban hành 06 Thông tư quy định phương thức báo cáo trực tuyến; hoàn thành chuẩn hoá biểu mẫu và cung cấp 62/132 báo cáo trực tuyến (đạt tỷ lệ 46,21%, dự kiến tháng 6/2022 hoàn thành 100%).
Hoàn thành kết nối và cập nhật dữ liệu của 02 chỉ tiêu kinh - tế xã hội; 16 báo cáo Thủ tướng Chính phủ với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
Duy trì Cổng Dịch vụ công GTVT, cung cấp 240 dịch vụ công (gồm 69 dịch vụ mức độ 3, đạt tỷ lệ 28,75%; 171 dịch vụ mức độ 4, đạt tỷ lệ 71,25%). Trung bình mỗi năm tiếp nhận và giải quyết hơn 670 nghìn hồ sơ trực tuyến với gần 150 nghìn doanh nghiệp tham gia. Số dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ 58,8% tổng số thủ tục hành chính, trong đó số dịch vụ có tỷ lệ phát sinh hồ sơ đạt 70,83%. Tỷ lệ hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tuyến chiếm 52,11% tổng số hồ sơ thực hiện.
Giám đốc Trung tâm CNTT Bộ GTVT Lê Thanh Tùng
khẳng định Bộ GTVT hoàn thành tốt các nhiệm vụ về Chính phủ điện tử
Về xây dựng nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; đảm bảo an toàn thông tin mạng, theo Giám đốc Trung tâm CNTT Lê Thanh Tùng, Bộ GTVT đã hoàn thành xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu (LGSP) của Bộ GTVT, kết nối với Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở trung ương và địa phương (NGSP). Hoàn thành tích hợp: Danh mục dùng chung phát triển CPĐT; Cơ sở dữ liệu(CSDL) đăng ký doanh nghiệp; đang thực hiện kết nối CSDL quốc gia về Dân cư. Đã kết nối, chia sẻ các dữ liệu của Bộ GTVT với Hệ thống thống thông tin của 5 Bộ và 9 địa phương; Hoàn thành xây dựng Hệ thống giám sát ATTT mạng và phòng chống mã độc để bảo vệ các hệ thống thông tin tập trung của Bộ GTVT theo mô hình “4 lớp”, hoàn thành kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Phê duyệt hồ sơ cấp độ an toàn thông tin cho 10 hệ thống thông tin (bao gồm 08 hệ thống cấp độ 3, 02 hệ thống cấp độ 4), gửi hồ sơ đề nghị Bộ TT&TT thẩm định cấp độ an toàn thông tin cho 09 hệ thống của các đơn vị thuộc Bộ.
Cũng theo đại diện Bộ GTVT, thời gian qua, Ngành GTVT đã tập trung xây dựng và hoàn thiện 4 bộ CSDL nền tảng dùng chung, gồm: CSDL kết cấu hạ tầng giao thông, CSDL phương tiện, CSDL người điều khiển phương tiện và CSDL doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT; từ đó, phát triển các ứng dụng khai thác nhằm mục tiêu quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu số.
Cụ thể, đã cơ bản hoàn thành xây dựng CSDL kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (gồm 7.354 cầu đường bộ; tình trạng mặt đường của 24.598 km đường; 32 loại tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ). Đang triển khai xây dựng CSDL kết cấu hạ tầng: hàng hải, hàng không, đường thuỷ nội địa, đường sắt; Hoàn thành dữ liệu quản lý 1.570 phương tiện hàng hải; 235.000 phương tiện thuỷ nội địa; 4.416.908 phương tiện đường bộ (xe ô tô); 5.823 phương tiện đường sắt; 264 phương tiện hàng không. Đang tiếp tục chuẩn hoá dữ liệu và kết nối dữ liệu giữa các lĩnh vực để dùng chung;
Hoàn thành dữ liệu quản lý 48.876.253 người điều khiển mô tô; 10.268.842 người điều khiển ô tô; 2.973 người điều khiển phương tiện hàng không; 81.302 người điều khiển phương tiện hàng hải. Đang triển khai xây dựng CSDL người điều khiển phương tiện đường thuỷ nội địa và chuẩn hoá, kết nối dữ liệu dùng chung; Hoàn thành dữ liệu quản lý 91.832 doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải đường bộ. Đang triển khai xây dựng CSDL doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: hàng hải, hàng không, đường thuỷ nội địa, đường sắt.
Song song với đó, Ngành GTVT cũng triển khai nhiều ứng dụng CNTT phục vụ quản lý, điều hành chuyên ngành của các đơn vị thuộc Bộ, trong đó phải kể đến việc ban hành 07 tiêu chuẩn và triển khai hệ thống giao thông thông minh trên 6/21 tuyến đường cao tốc để hỗ trợ điều hành và quản lý giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) tại 112 trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ và đường cao tốc, đã dán thẻ cho hơn 1,9 triệu phương tiện đăng ký sử dụng dịch vụ. Số lượng thẻ nạp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ đạt khoảng 60%. Lưu lượng xe sử dụng dịch vụ ETC qua trạm thu phí đạt được khoảng 30-70% lưu lượng xe qua trạm thu phí; Triển khai Hệ thống quản lý giám sát hành trình xe ô tô; Hệ thống quản lý cầu đường bộ; Hệ thống giám sát thu phí; Hệ thống kiểm tra tải trọng xe; Hệ thống quản lý đào tạo, sát hạch xe ô tô.
Đối với lĩnh vực Hàng hải đã triển khai Hệ thống thông tin cấp cứu và an toàn hàng hải toàn cầu (GMDSS); Hệ thống nhận dạng và truy theo tầm xa tàu biển (LRIT); Hệ thống nhận dạng tự động tàu biển (AIS); Hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS).
Lĩnh vực Hàng không đã triển khai Hệ thống quản lý các chuyến bay chuyên cơ; Hệ thống thiết kế phương thức bay của PANADES; Hệ thống đọc, giải mã, phân tích thiết bị ghi tham số bay và thiết bị ghi âm buồng lái; Hệ thống quản lý thông tin về máy bay.
Bên cạnh đó triển khai thành Hệ thống nhận dạng tự động phương tiện thuỷ nội địa (AIS), Hệ thống quản lý phao báo hiệu; Hệ thống bán vé điện tử, Hệ thống vận tải, điều hành đường sắt; Hệ thống quản lý đăng kiểm tàu biển; Hệ thống quản lý đăng kiểm tàu sông; Hệ thống quản lý phương tiện đường sắt; Hệ thống quản lý kiểm định xe cơ giới; Hệ thống quản lý kiểm tra xe máy chuyên dùng; Hệ thống quản lý xe cơ giới nhập khẩu…
"Có thể nói, các cơ quan của Bộ GTVT đã tham mưu tốt cho lãnh đạo Bộ ban hành kịp thời, đầy đủ các Kế hoạch, Chương trình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử Bộ GTVT; Hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về Chính phủ điện tử; Số lượng thủ tục trực tuyến, mức độ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ thực hiện trực tuyến/tổng số hồ sơ liên tục tăng. Bước đầu hình thành được CSDL dùng chung và các ứng dụng chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, điều hành của Bộ và các đơn vị trực thuộc", - ông Lê Thanh Tùng khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Tùng, công tác này vẫn còn tồn tại cần được giải quyết, do đó, theo người đứng đầu Trung tâm CNTT Bộ GTVT xác định các nhiệm vụ trọng tâm nâng cao nhận thức; Hoàn thiện môi trường pháp lý để triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số ngành GTVT thông qua các hoạt động tuyên truyền; rà soát sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; Xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định vận hành, duy trì các hệ thống CNTT; Phát triển Hệ thống tích hợp Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử với các hệ thống xử lý nghiệp vụ chuyên ngành để cung cấp dịch vụ công ở mức độ cao nhất, thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Lê Thanh Tùng, về nội dung phát triển dữ liệu nền tảng, cần xây dựng các bộ cơ sở dữ liệu nền tảng, dùng chung của ngành gồm: CSDL kết cấu hạ tầng giao thông, CSDL phương tiện, CSDL người điều khiển phương tiện, CSDL doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải. Kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương khác để hình thành dữ liệu dùng chung quốc gia; Triển khai các hệ thống thông tin quản lý tác nghiệp nội bộ, hệ thống thông tin quản lý phục vụ một số nghiệp vụ quản lý đa lĩnh vực trong ngành giao thông vận tải như chiến lược - quy hoạch, vận tải - logistics, kế hoạch - đầu tư, dự án - công trình, thanh tra - kiểm tra, nhằm đổi mới phương thức quản lý, ra quyết định được dẫn hướng bởi dữ liệu số.
Về phát triển hạ tầng số và các nền tảng số cần triển khai nền tảng điện toán đám mây Bộ GTVT và hạ tầng mạng dùng chung kết nối đến các đơn vị thuộc Bộ. Thúc đẩy xây dựng và triển khai các nền tảng số giao thông được phát triển, làm chủ bởi các doanh nghiệp Việt Nam để triển khai nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả, bao gồm: Nền tảng quản lý thu phí, thanh toán điện tử trong giao thông; Nền tảng nhận diện, kiểm soát phương tiện tự động; Nền tảng giám sát, điều hành giao thông thông minh; Nền tảng số quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện; Nền tảng số quản lý dữ liệu không gian về kết cấu hạ tầng giao thông; Nền tảng số cho các dịch vụ vận tải và logicstics; Phát triển hệ thống giao thông thông minh; hệ thống quản lý, giám sát, điều hành giao thông.
Kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương để hình thành dữ liệu dùng chung
Từ đó, người đại diện của Bộ GTVT trong lĩnh vực công nghệ thông tin cho rằng, thách thức cần vượt qua là phải kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương để hình thành dữ liệu dùng chung toàn quốc nhằm thúc đẩy cung cấp dịch vụ cho người dân và hình thành các hệ thống thông tin tổng hợp như vận tải – logistics, an toàn giao thông; Đảm bảo an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin đối với các hệ thống thông tin trọng yếu như: hệ thống quản lý, điều hành bay; hệ thống giám sát tàu, thuyền; Làm chủ các công nghệ điều khiển, điều hành giao thông như: hệ thống giao thông thông minh; hệ thống điều hành đường sắt đô thị; hệ thống điều hành đường sắt tốc độ cao.
Tại Hội nghị, Bộ GTVT kiến nghị cấp có thẩm quyền có chính sách dành nguồn kinh phí riêng để thực hiện phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số; Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi phí xây dựng phần mềm nội bộ; quy định hoạt động bảo trì phần mềm, hệ thống thông tin; Tích hợp và quy định chỉ sử dụng một Nền tảng thanh toán quốc gia và một Nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia trong phát triển Chính phủ điện tử. Kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước đến các Trung tâm dữ liệu của các nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng CNTT.
"Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan điều phối kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương để hình thành các dữ liệu dùng chung, phục vụ cho nhiều mục tiêu", Bộ GTVT kiến nghị.
Để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, Bộ GTVT cũng đề xuất sự phối hợp giữa Bộ GTVT và Thông tin truyền thông cần xây dựng các hệ thống phục vụ chuyển đổi số ngành GTVT, tập trung đối với các hệ thống có quy mô triển khai rộng và có chia sẻ, tích hợp dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương; Đánh giá hiện trạng và cử các đơn vị đảm bảo an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống CNTT trọng yếu có liên quan đến quốc phòng, an ninh. Đồng thời xây dựng chương trình phát triển công nghệ số trong quản lý, điều hành giao thông; thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu và tự chủ từng phần, hướng tới tự chủ hoàn toàn các hệ thống điều khiển, điều hành giao thông như: Hệ thống giao thông thông minh; Hệ thống điều hành đường sắt đô thị; Hệ thống điều hành đường sắt tốc độ cao.
Hội nghị cũng được nghe Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng Trình bày Chương trình chuyển đổi số Quốc gia và yêu cầu chuyển đổi số trong GTVT.
Hội nghị cũng giành thời gian thảo luận sôi nổi nhiều nội dung liên quan đến chuyển đổi số nhằm tìm giải pháp hiện đại trên nền tảng số để Ngành GTVT phát triển phù hợp xu thế, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Đó là Đề xuất triển khai một số giải pháp chuyển đổi số ngành GTVT; Một số đề xuất của VNPT trong triển khai chuyển đổi số ngành GTVT; Một số kinh nghiệm và đề xuất của FPT trong triển khai chuyển đổi số ngành GTVT; Giải pháp quản trị số cho doanh nghiệp vận tải và vé xe điện tử cho hành khách; Giải pháp nền tảng Quản lý và Tối ưu Chuỗi cung ứng để giảm chi phí Logistics; Báo cáo đề xuất một số giải pháp phối hợp giữa 2 Bộ trong lĩnh vực KHCN ứng dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS); Báo cáo về chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ; Báo cáo về chuyển đổi số trong quản lý đăng kiểm phương tiện... của các đại biểu đến từ Tập đoàn Viettel; VNPT; các cơ quan của Bộ GTVT; Tổng cục Đường bộ VN; Cục Đăng kiểm Việt Nam và các doanh nghiệp giải pháp phần mềm...
Ngay sau Báo cáo tóm tắt về các nội dung của Chương trình phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và Bộ Thông tin và Truyền thông do Chánh Văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Trí Đức trình bày, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ GTVT và Bộ TT&TT.
Lãnh đạo Hai Bộ và đại biểu dự Hội nghị cũng chứng kiến Ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm CNTT, Bộ GTVT và Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel do Giám đốc Trung tâm CNTT - Bộ GTVT và Tổng giám đốc Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel; Ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm CNTT - Bộ GTVT và Công ty Công nghệ thông tin VNPT do Giám đốc Trung tâm CNTT, Bộ GTVT và Tổng giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT; Ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm CNTT, Bộ GTVT và Công ty hệ thống thông tin FPT do Giám đốc Trung tâm CNTT - Bộ GTVT và Chủ tịch Công ty hệ thống thông tin FPT.
Hình ảnh ký kết các Biên bản ghi nhớ và hợp tác tại Hội nghị:
Cổng TTĐT Bộ GTVT