Bộ GTVT bàn giao Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cho TP Hà Nội

Thứ bẩy, 06/11/2021 10:51

Sáng nay (6/11), Bộ GTVT phối hợp UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ bàn giao Dự án Đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Đến dự và chứng kiến Lễ bàn giao có: UVBCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; UV Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các đồng chí lãnh đạo UBND, HĐND, sở ban ngành, địa phương của TP Hà Nội; Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. 

Về Bộ ngành Trung ương có: UVBCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục; đại diện Lãnh đạo Bộ Xây dựng, Ngoại giao, Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia...


Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu bàn giao dự án

Tại lễ bàn giao, thay mặt Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu cảm ơn Chính phủ, các bộ ngành liên quan, chính quyền, nhân dân TP Hà Nội đã tích cực phối hợp, giúp đỡ và tạo điều kiện cho Chủ đầu tư, Tổng thầu trong quá trình thực hiện dự án. Đồng thời cảm ơn sâu sắc với tình hữu nghị gắn bó của Chính phủ và nhân dân hai nước, sự giúp đỡ của Chính phủ Trung Quốc trong việc đầu tư, phát triển của ngành GTVT nói chung và của ngành Đường sắt Việt Nam nói riêng trong thời gian qua. Thứ trưởng mong rằng Chính phủ và nhân dân Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ, hợp tác với Bộ GTVT trong việc nghiên cứu, đầu tư thực hiện các dự án đường sắt tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô luôn được Chính phủ, Bộ GTVT, TP Hà Nội quan tâm ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư xây dựng, trong đó có các tuyến ĐSĐT. Đây là một trong những loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, hiện đại, văn minh nhằm nâng cao năng lực vận hành, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Tuyến Cát Linh - Hà Đông là dự án ĐSĐT thí điểm đầu tiên của Thủ đô được đưa vào khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông công công gia tăng nhanh chóng tại khu vực trung tâm HN, giải quyết ùn tắc giao thông khu vực phía Tây của Hà Nội và tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của khu vực. Bộ GTVT đã nghiệm thu công trình đảm bảo an toàn chất lượng, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước đã chấp thuận kết quả nghiệm thu để đưa vào khai thác thương mại. 

Để đảm bảo việc vận hành khai thác dự án an toàn, hiệu quả, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Đường sắt tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo Tổng thầu EPC và phối hợp với Công ty Metro Hà Nội khẩn trương hoàn thiện các công việc còn lại và thực hiện công tác bảo hành, bảo trì dự án theo quy định. Bộ GTVT cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với UBND thành phố Hà Nội trong giai đoạn vận hành khai thác trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tiếp nhận dự án 

Phát biểu tiếp nhận dự án, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới ĐSĐT Hà Nội đến năm 2030, thành phố sẽ có 10 tuyến với tổng chiều dài 417 km. Đây là loại hình vận tải khối lượng lớn nên cần được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Do vậy, tới đây cần có bước đột phá trong việc huy động nguồn vốn ODA để đầu tư, xây dựng. 

Tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông được vận hành khai thác sẽ phát huy hiệu quả, tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô. 

Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn đánh giá cao sự nỗ lực của Ban Quản lý dự án đường sắt, Tổng thầu EPC, các sở ngành và địa phương nơi tuyến đường sắt đi qua đã nỗ lực thi công đưa dự án vào vận hành và khai thác. Đồng thời yêu cầu Công ty Metro Hà Nội tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, vận hành khai thác đảm bảo an toàn. Sở GTVT Hà Nội tổ chức giao thông kết nối an toàn, hiệu quả, đảm bảo vệ sinh môi trường tại các nhà ga.


Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông bàn giao dự án cho lãnh đạo UBND TP Hà Nội

Trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Bí thư Thành ủy HN Đinh Tiến Dũng và các đại biểu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã tiến hành ký biên bản bàn giao tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông.

Công ty Metro Hà Nội quản lý, vận hành chạy tàu,

phục vụ miễn phí tất cả người dân trong 15 ngày đầu

Ngay sau khi Bộ GTVT bàn giao dự án cho TP Hà Nội quản lý vận hành, tàu bắt đầu chạy phục vụ miễn phí cho tất cả người dân trong 15 ngày đầu. Nhân viên nhà ga sẽ phát thẻ 0 đồng cho khách và thu lại vào cuối ngày để kiểm đếm số lượng. Khách cũng được phát miễn phí Sổ tay hướng dẫn đi tàu. Công ty Metro Hà Nội sẽ huy động toàn bộ nhân lực để đảm bảo an toàn và hướng dẫn hành khách đi tàu.

Về kế hoạch vận hành, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho biết: Năm đầu tiên được chia 2 giai đoạn. Cụ thể, 6 tháng đầu, tàu mở tuyến lúc 5h30, đóng tuyến lúc 20h hàng ngày, tần suất chạy tàu 10-15 phút mỗi chuyến. Nếu hành khách đi đông, Metro Hà Nội sẽ điều chỉnh linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người dân và đảm bảo vận hành hiệu quả. Giai đoạn tiếp theo sẽ mở tuyến lúc 5h30, đóng tuyến lúc 22h30, giờ cao điểm sẽ vận hành 6 phút/chuyến, bình thường là 10 phút/chuyến.

Sau thời gian miễn phí, giá vé được đưa ra trên cơ sở khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Theo đó, giá vé lượt tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó thấp nhất là 8.000 đồng/lượt, tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi cả tuyến. Giá vé ngày 30.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày). Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người cho đối tượng ưu tiên như học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp. Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể, áp dụng giá 140.000 đồng/người/tháng. Hà Nội miễn tiền vé cho người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo.

Về kết nối xe buýt, trên hành lang tuyến Cát Linh - Hà Đông có 55 tuyến xe buýt có trợ giá kết nối ngang, kết nối dọc với tuyến. Phần hạ tầng đã di chuyển các điểm dừng xe buýt tiếp cận gần với các nhà ga; cụ thể như: Ga đầu Cát Linh, ga cuối Yên Nghĩa có 16 tuyến xe buýt để tiếp chuyển, giải tỏa cho hành khách. Tuyến ít nhất cũng có 7 tuyến xe buýt. 12 ga đều có điểm trông giữ xe đạp, xe máy cho hành khách.

Một số hình ảnh nổi bật về tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông:

Người dân hổ hởi, vui mừng, xếp hàng chờ được đi lên chuyến tàu hiện đại

Tại mỗi ga, hành khách đi thang cuốn hoặc thang bộ để lên tầng đợi tàu.
Có thang máy dành cho hành khách khuyết tật  

Để phòng chống Covid-19, khu bán vé được dán chỉ dẫn xếp hàng đúng khoảng cách an toàn.
Khách lên xuống các ga phải quét mã QR.

Đội ngũ nhân viên đã được tiêm đủ vắc xin. Công ty Metro Hà Nội đã lập phương án
đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên tuyến theo quy định của Bộ Y tế.

Vé đi tàu được bán tại máy bán vé tự động hoặc quầy bán vé. 
Hành khách
mua vé và quẹt thẻ khi qua cổng kiểm soát tự động

Khu vực ngồi chờ lên tàu

Hành khách đi trên tàu Cát Linh - Hà Đông nhanh, hiện đại

Lộ trình chạy tuyến được ghi trên mỗi cửa ra của toa tàu

Khi đi tàu, hành khách có thể ngắm cảnh Hà Nội từ trên cao.
Đoàn tàu chạy qua hồ Hoàng Cầu, quận Đống Đa

VH

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:4877
Lượt truy cập: 175.873.419