Ông Trương Việt Đông, Chủ tịch HĐTV VEC
Thường xuyên duy tu, bảo trì để đảm bảo chất lượng tuyến đường cao tốc
Qua chức năng, nhiệm vụ được giao làm chủ đầu tư cũng như kinh doanh, khai thác các dịch vụ trên tuyến đường cao tốc, ông Trương Việt Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC cho biết, tất cả những đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai hay TP Hồ Chí Minh- Long Thành-Dầu Giây, Cầu Giẽ- Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi đều là những trục xương sống, huyết mạch để tạo động lực cho phát triển kinh tế của vùng, của địa phương nơi có dự án đi qua. Tất cả những tuyến cao tốc đều giúp củng cố an ninh quốc phòng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho các địa phương và tạo tiền đề phát triển khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thúc đẩy phát triển du lịch tạo ra liên kết vùng và góp phần đảm bảo an toàn giao thông, giảm tỷ lệ tai nạn giao thông trên các tuyến đường. Đây là những hiệu quả rất rõ ràng, rõ rệt nhất.
Ông Trương Việt Đông khẳng định, ở những địa phương có tuyến cao tốc do VEC đầu tư và đi qua, với nhiệm vụ của chủ đầu tư nên VEC thường xuyên có đánh giá bổ sung bằng hình ảnh ở những tuyến cao tốc do VEC quản lý kinh doanh khai thác. Đơn cử, đối với tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, theo đánh giá thực tiễn của các đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai và Yên Bái thì vào năm 2018, tuyến đường này bị tai nạn, cầu cháy hỏng, mất khoảng hai tháng, Lào Cai lập tức có văn bản báo cáo và qua tính toán sơ bộ của VEC và cũng như của tỉnh Lào Cai báo cáo là để làm sao hoàn thiện ngay cây cầu này chứ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của tỉnh. Du lịch của Lào Cai giảm 30 % tương ứng một tháng Lào Cai mất 1.000 tỷ đồng. Xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Kim Thành giảm 30%. Tính bình quân mỗi ngày cầu hỏng, tuyến đường không khai thác được, Lào Cai mất đi khoảng 225 tỷ đồng/ngày. Toàn bộ tuyến đường Nội Bài- Lào Cai đưa vào khai thác, thời gian đi từ Hà Nội đi Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái tất cả đều giảm cỡ khoảng một nửa thời gian. Qua những tính toán sơ bộ của chủ đầu tư, giúp giảm chi phí của xã hội, giảm chi phí thực tế cho người lái xe, người tiêu thụ, người sử dụng tiết kiệm được 2.000 tỷ đồng /năm.
Đặc biệt, khi tuyến đường cao tốc qua địa phận Lào Cai được xây dựng xong, du lịch của Lào Cai tăng vượt bậc. Chúng tôi đánh giá từ năm 2013 doanh thu mà lượng khách du lịch tỉnh Lào Cai khoảng 1 triệu, doanh thu khoảng 2.500 tỷ đồng. Đến năm 2019 trước thời điểm Covid – 19 bùng phát doanh thu du lịch Lào Cai đã tăng lên gần1 tỷ USD và lượng khách lên đến 5 triệu người. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, những cái dự án bất động sản nghỉ dưỡng cũng như bất động sản thương mại đã được hình thành, phát triển ở Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Rất nhiều nhà đầu tư sau khi tuyến đường hình thành đã đến và đầu tư vào địa phương, làm tăng giá trị thương mại của tất cả các loại hình dịch vụ của địa phương, góp phần nâng cao đời sống của bà con và cải thiện đời sống nhân dân và hiệu quả.
Đáng nói hơn, khi tuyến đường cao tốc này hoàn thành đã góp phần đáng kể cho việc giảm ùn tắc giao thông đi Lào Cai, Yên Bái đối với các tuyến đường như 72, quốc lộ 2, 2C từ Vĩnh Phúc rất mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông cũng thường xuyên xảy ra và nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi tuyến đường này hoàn thành, tình trạng ùn tắc giao thông dường như không còn nữa. Thêm nữa, khi con đường này hình thành đã góp phần kéo giảm tỷ lệ tai nạn giao thông trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ xuống khoảng 85%. Trước khi có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, từ tháng 9.2014 lưu lượng xe đi trung bình khoảng 3.000 xe/ngày đêm nhưng đến nay thì là lưu lượng lên đến 35.000 xe/ngày đêm cao hơn 10 lần và tổng số lượt phương tiện khoảng 63 triệu lượt.
Tuyến đường bộ cao tốc làm thay đổi tư duy của người tham gia giao thông
Bên cạnh đó, khi tuyến cao tốc được hình thành đã làm thay đổi về văn hóa, giao thông, tư duy của người tham gia giao thông theo hướng tích cực, tạo ra một nét văn hóa mới. Tôi đồng tình với đại biểu Yến, tuyến đường cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được xem là tuyến cực kỳ hiệu quả. Đây là tuyến đường số một Việt Nam bây giờ, giúp giảm ùn tắc giao thông của các cửa ngõ TP. Hồ Chí Minh, tạo ra những khu đô thị động lực, khu đô thị bất động sản của Đồng Nai khi bên kia cầu Long Thành chưa có đường cao tốc, chưa có đường cầu Long Thành thì toàn bộ những khu đất không khai thác được. Hiện nay, trục đường này phát triển đô thị rất hiện đại tạo ra những đô thị vệ tinh cho TP. Hồ Chí Minh, tuyến đường này rất quan trọng đối với Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo tạo thuận lợi cho lưu chuyển hàng hóa tại Cảng quốc tế Cái Mép.
Tuyến đường cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây
là động lực phát triển kinh tế cho cả một vùng rộng lớn phía Nam
Trong tương lai gần, đây là một trục xương sống của cao tốc Bắc Nam nhánh phía Đông. Đặc biệt, khi sân bay Long Thành năm 2025- 2026 dự kiến đưa vào khai thác với lưu lượng hành khách khoảng 25 triệu người, nếu không xây dựng cao tốc này, không mở rộng thì sẽ bị "vỡ trận", sẽ ùn tắc giao thông rất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cũng là động lực để phát triển kinh tế của vùng Nam Trung Bộ, đặc biệt là tỉnh Bình Thuận. Đây cũng là tiền đề để phát triển, đưa kết nối vùng Tây Nguyên từ cao tốc từ Dầu Giây đi Tân Phú, nối liền lên tỉnh Lâm Đồng, kết nối TP. Hồ Chí Minh để thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng thực sự, có tính luôn lan tỏa toàn diện cho khu vực phía Nam. Theo đánh giá của chúng tôi, có rất nhiều lợi ích và hiệu quả kinh tế lớn từ đường cao tốc mang lại.